09:52 03/11/2011

“Vietcombank hỗ trợ thanh khoản cho nhiều ngân hàng khó khăn”

Minh Đức

Vietcombank phản hồi những phản ánh về việc áp cơ chế phải thế chấp khi cho vay hỗ trợ vốn trên thị trường liên ngân hàng

Vietcombank cho biết đã hỗ trợ thanh khoản và vốn cho một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ ở trong tình trạng rất khó khăn về thanh khoản.
Vietcombank cho biết đã hỗ trợ thanh khoản và vốn cho một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ ở trong tình trạng rất khó khăn về thanh khoản.
Cuối tuần qua và đầu tuần này, VnEconomy đã nhận được phản ánh của một số bạn đọc là lãnh đạo ngân hàng thương mại, liên quan đến những khó khăn trong hoạt động của thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây.

Theo thông tin phản ánh, từ trung tuần tháng 10/2011, các ngân hàng thương mại lớn áp thêm điều kiện cho vay phải có thế chấp tài sản trên thị trường liên ngân hàng, khác với thông lệ của thị trường này trong suốt những năm qua. Điều này được cho là một nguyên nhân chính khiến cung vốn trên liên ngân hàng khó khăn, nhiều thành viên khó tiếp cận vốn cũng như tạo áp lực đẩy lãi suất lên cao.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, cuối tuần qua và đầu tuần này, những ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank và Agribank đã trở lại tăng cường hỗ trợ vốn trên liên ngân hàng cũng như cởi bỏ cơ chế phải thế chấp nói trên, và điều đó góp phần giúp thị trường liên ngân hàng ổn định trở lại.

Nhưng, riêng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn duy trì cơ chế cho vay phải thế chấp đó.

Các ý kiến phản ánh trên đặt ra một số câu hỏi cần giải đáp, VnEconomy đã chuyển những câu hỏi này tới Vietcombank. Để tạo thông tin đa chiều về vấn đề này, VnEconomy gửi tới bạn đọc nội dung phản hồi của Vietcombank, mà người đại diện là ông Phạm Chí Quang, Trưởng phòng Quản lý kinh doanh vốn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải các ý kiến trao đổi với nội dung phản hồi này.

1. Vì sao Vietcombank lại áp thêm điều kiện có đảm bảo, thế chấp như vậy khi cho vay trên thị trường liên ngân hàng?

Là một trong những tổ chức tín dụng lớn có khả năng và thường xuyên cung cấp thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, thì lĩnh vực này là một nghiệp vụ truyền thống của Vietcombank.

Theo thông lệ thị trường đồng thời cũng như thực tế giao dịch tại Vietcombank, nghiệp vụ này được tiến hành theo hai hình thức là cho vay theo hạn mức tín chấp và cho vay có tài sản đảm bảo (thế chấp). Hạn mức cho vay tín chấp cấp cho từng đối tác được phê duyệt bởi hội đồng tín dụng của Vietcombank và được điều chỉnh định kỳ cho phù hợp với tình hình biến động của thị trường và khả năng cung ứng vốn của Vietcombank tại từng thời điểm. Hạn mức cho vay thế chấp phụ thuộc từng loại tài sản đảm bảo mà Vietcombank chấp nhận và các đối tác sử dụng để thế chấp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn từ Vietcombank ngoài hạn mức tín chấp mà Vietcombank đã cấp cho từng đối tác.

Vì vậy, đối với dư luận cho rằng “Vietcombank lại áp thêm điều kiện có đảm bảo, thế chấp như vậy khi cho vay trên thị trường liên ngân hàng” theo Vietcombank là hiểu chưa đầy đủ và chưa chính xác về thông lệ thị trường và nghiệp vụ cho vay trên thị trường liên ngân hàng của Vietcombank.

Trên thực tế, giao dịch tín chấp và thế chấp với các đối tác trong giai đoạn gần đây vẫn được Vietcombank tiến hành bình thường đồng thời với nhau.

2. Vietcombank nói gì khi một số ý kiến cho rằng việc các ngân hàng áp thêm điều kiện như vậy khiến các thành viên có nhu cầu vay vốn khó tiếp cận vốn, cũng tạo thêm áp lực đối với lãi suất trên liên ngân hàng?

Thị trường liên ngân hàng cũng giống như bất kỳ thị trường vốn, tín dụng nào khác, đều phải hoạt động trên cơ sở quan hệ cung - cầu về vốn. Hiện tại, Vietcombank vẫn đang giao dịch với các đối tác trên cơ sở này, sử dụng các hạn mức giao dịch như đã nêu trên. Trong thời gian vừa qua, nhận thấy nhu cầu về vốn để đảm bảo thanh khoản của các thành viên trên thị trường liên ngân hàng gia tăng, Vietcombank đã triển khai thêm một số sản phẩm khác như cho vay hỗ trợ dự trữ bắt buộc với các đối tác trên thị trường liên ngân hàng, nhằm giúp các đối tác đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, nhận thấy một số thành viên trên thị trường liên ngân hàng có nhu cầu về thanh khoản, Vietcombank đã quyết định mở rộng thêm loại hình và danh mục tài sản được Vietcombank chấp nhận làm tài sản bảo đảm trong giao dịch liên ngân hàng qua đó hỗ trợ cung cấp thanh khoản tốt hơn cho thị trường. Với việc triển khai kịp thời các sản phẩm này, Vietcombank đã góp phần tăng cung ứng vốn cho các đối tác gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản, hỗ trợ các ngân hàng bạn đáp ứng nhu cầu thanh toán, nhờ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hạ nhiệt lãi suất giao dịch.

Chỉ tính riêng tổng cung thanh khoản trên thị trường qua sản phẩm dự trữ bắt buộc tại thời điểm cuối tháng 10/2011, Vietcombank đã cung cấp cho các thành viên trên thị trường liên ngân hàng hơn 14.000 tỷ VND, đó là chưa kể dư nợ trên hàng chục nghìn tỷ đồng khác hiện Vietcombank vẫn tiếp tục cho vay các thành viên trên thị trường liên ngân hàng.

Do vậy, với các hoạt động hỗ trợ của Vietcombank kể trên, một số lượng lớn các thành viên trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian vừa qua đã tháo gỡ được khó khăn trong nhu cầu vay về vốn và thanh khoản, đồng thời giảm bớt áp lực đối với lãi suất trên liên ngân hàng qua đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, nâng cao niềm tin của khách hàng đối với hệ thống ngân hàng.  

3. Theo Vietcombank, việc có thêm những rào cản như vậy có đi ngược với những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong tạo điều kiện lưu thông vốn thuận lợi cũng như giữ ổn định trên thị trường liên ngân hàng?

Như đã giải thích rõ ở các nội dung nêu trên, các hoạt động trên thị trường liên ngân hàng của Vietcombank không những không tạo nên rào cản mà đã khơi thông luồng vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tác trên thị trường liên ngân hàng.

Với dư nợ cho vay của Vietcombank trên thị trường liên ngân hàng hàng chục nghìn tỷ đồng là minh chứng rõ ràng nhất của việc Vietcombank nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị và luôn luôn đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước vì một mục tiêu chung là giữ ổn định thị trường liên ngân hàng, qua đó góp phần tích cực thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế, từ trung tuần tháng 10/2011 cho đến nay, Vietcombank đã hỗ trợ thanh khoản và vốn cho một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ ở trong tình trạng rất khó khăn về thanh khoản. Đây là một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong việc hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường liên ngân hàng và đã được Vietcombank báo cáo Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời gian qua.

4. Việc cho vay có điều kiện và giới hạn nhu cầu vay như vậy có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của Vietcombank hay không?

Là nguồn cung thanh khoản chủ yếu trên thị trường liên ngân hàng trong suốt thời gian qua, đồng vốn của Vietcombank luôn được quay vòng liên tục, vì vậy, hiệu quả sử dụng vốn của Vietcombank luôn được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Vietcombank luôn xác định việc giữ ổn định thị trường tiền tệ, an ninh kinh tế là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, do vậy trong bối cảnh lãi suất giao dịch trên thị trường tăng cao song Vietcombank vẫn luôn cung ứng vốn ra thị trường với mức lãi suất hợp lý theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước như nêu trên, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn cho Vietcombank vừa góp phần hạ nhiệt lãi suất giao dịch trên thị trường nhằm đạt được nhiệm vụ chính trị là bình ổn thị trường.

5. Điều kiện nói trên được Vietcombank áp dụng có tính chất thời điểm hay sẽ mang tính lâu dài?

Như đã nêu tại các giải trình ở trên, hoạt động cho vay trên liên ngân hàng được Vietcombank tiến hành dựa trên thông lệ thị trường, kỳ vọng và nhu cầu của khách hàng, các quy định nội bộ và hạn mức giao dịch thế chấp và tín chấp và đặc biệt là tình hình của thị trường tại từng thời điểm. Hạn mức cho vay này được hội đồng tín dụng của Vietcombank định kỳ rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trên thị trường liên ngân hàng và khả năng cung ứng vốn của Vietcombank, do đó yếu tố thời điểm là một yếu tố cấu thành quan trọng của việc ra các quyết định này.

Trên thực tế, hiện nay Vietcombank cũng đang tiến hành rà soát lại hạn mức giao dịch cho vay tín chấp để có điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thị trường, nhu cầu của khách hàng, khả năng cung cấp vốn của Vietcombank; tuy nhiên hạn mức giao dịch này cũng chỉ áp dụng đối với các giao dịch tại thời điểm hiện nay.

Trên cơ sở các tín hiệu thị trường ổn định trở lại, các tín hiệu về lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt, các tín hiệu về chính sách vĩ mô của các cơ quan quản lý nhà nước; Vietcombank sẽ rà soát và có điều chỉnh các hạn mức cho vay phù hợp với tình hình mới.