08:31 09/10/2009

Vốn trái phiếu Chính phủ: Tiền nhiều, tiêu không dễ

Anh Quân

Ước tính khoảng 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ sẽ không kịp giải ngân trong năm 2009

Trái phiếu Chính phủ là phần vốn chủ lực cho chính sách “giải cứu” nền kinh tế.
Trái phiếu Chính phủ là phần vốn chủ lực cho chính sách “giải cứu” nền kinh tế.
Trong khoảng 145,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với 8 tỷ USD, thuộc gói kích thích kinh tế sử dụng cho năm 2009, trái phiếu Chính phủ là phần vốn chủ lực.

Nhiệm vụ chi với trái phiếu Chính phủ năm 2009 bao gồm hai khoản chính là 56 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch, 7.183 tỷ đồng vốn trái phiếu chuyển nguồn từ năm 2008 sang. Tuy nhiên, có tiền nhiều nhưng tiêu cho hết dường như không dễ.

Tiêu không hết tiền

Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho biết, vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ ước thực hiện cả năm 2009 chỉ đạt 54 nghìn tỷ đồng. Trong con số đó, thực hiện trong kế hoạch năm 2009 là 45 nghìn tỷ đồng, đạt 80,4% kế hoạch giao. Phần chuyển nguồn từ năm 2008 sang năm 2009 thực hiện hoàn thành 100%.

Dù khoảng cách giữa chỉ tiêu thực hiện so với yêu cầu còn rất xa, nhưng thực tế việc giải ngân dường như đang vấp phải nhiều khó khăn hơn thế. Trong cuộc họp giao ban tuần trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh dẫn số liệu 8 tháng đầu năm 2009 của Kho bạc Nhà nước cho biết, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt tỷ lệ rất thấp ở nhiều lĩnh vực.

“Nguồn vốn trái phiếu chính phủ dành cho giao thông, thủy lợi tính tới nay chỉ đạt 45,1% kế hoạch, trong đó trung ương chỉ đạt 33,5%; địa phương đạt 36,8%”, Thứ trưởng nói. Ông Sinh cũng nhấn mạnh: “Đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ cho y tế và giáo dục có mức độ giải ngân rất thấp. Y tế chỉ đạt 35,2%, giáo dục 60%”.

Với trái phiếu Chính phủ chuyển sang từ năm 2008, theo số liệu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nắm được, kết quả giải ngân nguồn vốn này tính cho đến hết tháng 8/2009, vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn thành, thậm chí phần giải ngân chiếm tỷ trọng rất thấp trong phần vốn chuyển tiếp này.

Những ví dụ được ông Sinh đưa ra dù chỉ là “điển hình”, nhưng đã cho thấy vấn đề này đáng được quan tâm. Cụ thể như với thành phố Hà Nội, vốn trái phiếu chính phủ dành cho lĩnh vực y tế năm 2008 chuyển sang năm 2009 là 70 tỷ đồng, nhưng mới thanh toán được khoảng 1,8 tỷ đồng.
    
“Không biết vì sao vốn từ năm 2008 chuyển sang mà đến giờ phút này vẫn chưa giải ngân được, trong khi nhu cầu của Hà Nội cần rất nhiều tiền?”, ông Sinh băn khoăn.

Trường hợp của Hải Phòng, vốn trái phiếu chuyển nguồn là 14 tỷ đồng thì cũng mới giải ngân được 9 tỷ đồng. Hay Kiên Giang, trái phiếu Chính phủ chuyển từ năm 2008 sang là 38 tỷ đồng nhưng cũng mới giải ngân được 17 tỷ đồng…

Và trái ngược với tham vọng về một cú hích kinh tế mạnh mẽ từ số vốn trái phiếu Chính phủ tăng nhiều lần so với năm 2008, vẫn còn tới 10 nghìn tỷ đồng phải điều chuyển sang các mục đích chi của năm 2010, báo cáo của Chính phủ cho biết.

Nhiều nơi vẫn "ung dung"

“Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ rồi, về chủ trương là điều chuyển trái phiếu, nếu đơn vị nào không sử dụng hết thì chuyển đơn vị khác”, Thứ trưởng Cao Viết Sinh nhắc lại thông báo đã gửi đến các đơn vị từ cuối quý 1 năm nay.

Nhưng trái với những lo ngại từ phía bộ quản lý kế hoạch, một số đơn vị vẫn khá “ung dung” với chỉ tiêu đặt ra, với cam kết đảm bảo vượt kế hoạch giải ngân trái phiếu Chính phủ của năm nay.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho hay, giải ngân từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của Hà Nội ước đạt 61% trong 9 tháng đầu năm. “Chúng tôi cũng cố gắng cả năm hoàn thành kế hoạch được giao”, ông Tứ phát biểu tại Hội nghị giao ban Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, vốn trái phiếu Chính phủ tỷ lệ thực hiện thấp hơn so với các nguồn vốn khác. Cho đến  tháng 9/2009, Bộ này mới thực hiện được 2.219 tỷ đồng, trên tổng số vốn trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch được giao và kế hoạch bổ sung là 4.150 tỷ đồng, chỉ bằng 53%.

Khẳng định quyết tâm “tiêu hết tiền” của mình, một vị đại diện của Bộ này giải thích rằng, do mấy tháng đầu năm phải thực hiện các thủ tục chuẩn bị, một số dự án bắt đầu khởi công, nên tỷ lệ giải ngân tương đối thấp, Tuy nhiên, Bộ cũng đã gặp gỡ một số chủ đầu tư, dự kiến sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch được giao.

Trong khi thứ trưởng Sinh còn phân vân vì thực hiện trái phiếu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới chỉ đạt 26% trong 8 tháng đầu năm, nay lại “biến” thành 53%, đại diện của Bộ này tiếp tục khẳng định: “Cho đến giờ này, Bộ vẫn rất quyết tâm thực hiện" và còn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung thêm vốn đối ứng ODA”.

Đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định  thông báo, vốn chuyển từ năm 2008 đến nay đã giải ngân hết, riêng 2009  mới giải ngân được 30%. Nhưng “về vốn trái phiếu Chính phủ, chúng tôi đề nghị với Bộ xem xét bổ sung thêm, vì Nam Định khả năng tiêu không có vấn đề gì”.

Ở Bộ Giao thông Vận tải, tình hình có khả quan hơn. Nguồn trái phiếu chính phủ thực hiện 9 tháng đầu năm 2009 đạt 65,1% kế hoạch, giải ngân đạt 60,3% kế hoạch. Nhưng người đại diện Bộ này tham dự Hội nghị giao ban cho biết: “Các chủ đầu tư đang đăng ký gấp rưỡi kế hoạch giao”.

Đáng lẽ, việc điều chuyển vốn trái phiếu Chính phủ từ các đơn vị chậm giải ngân sang các dự án triển khai tốt phải được thực hiện trong quý 3/2009. Nhưng trước những “quyết tâm” của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể có giải pháp mạnh tay.

“Năm 2008, chuyển sang khoảng 7.200 tỷ đồng. Chúng ta cam kết cuối năm giải ngân đạt 100% kế hoạch, nhưng nếu đến cuối năm thừa vốn, Thủ tướng sẽ bảo báo cáo sai hết, thì chúng tôi khó xử”, Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh.