11:52 08/08/2007

“WB có thể cho Việt Nam vay nhiều hơn nữa”

Hoàng Hà - Thùy Linh

Tân Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) - ông Robert Zoellick - trò chuyện với báo giới sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày vừa qua

"Chúng tôi tin rằng sẽ có hiệu quả rất nhiều nếu như các quốc gia mà chúng tôi hỗ trợ có kế hoạch tốt, có tinh thần làm chủ tốt".
"Chúng tôi tin rằng sẽ có hiệu quả rất nhiều nếu như các quốc gia mà chúng tôi hỗ trợ có kế hoạch tốt, có tinh thần làm chủ tốt".
Tân Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) - ông Robert Zoellick - trò chuyện với báo giới sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày vừa qua.

Ông cảm nhận thế nào khi đến Việt Nam lần này trên cương vị Giám đốc của WB?

Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực tìm cách giảm nghèo mà Việt Nam đã thực hiện. Việt Nam là một trong những nước cải thiện mức sống nhanh nhất trên thế giới với tỷ lệ giảm nghèo nhanh.

Do đó, hôm 6/7, tôi đã đến tỉnh Yên Bái để chứng kiến xem người nông dân địa phương được hưởng gì từ các chương trình và dự án do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) hỗ trợ. Hơn 165.000 người đã được hưởng lợi từ dự án này, trong đó gồm nhiều người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Tôi cũng rất tự hào về mối quan hệ mà WB đã xây dựng được với Việt Nam. Đây là mối quan hệ thành công nhất trong các nước nhận hỗ trợ tIDA.

Tôi nghĩ rằng WB có thể cho Việt Nam vay nhiều hơn nữa, bởi vì đây là một nước sử dụng vốn rất tốt.

Ông có nói là sẽ phổ biến những bài học phát triển của Việt Nam cho các nước nghèo khác ở châu Phi. Vậy cụ thể đó là những bài học kinh nghiệm gì?

Câu chuyện thứ nhất là dự án điện khí hoá nông thôn khi mà Việt Nam đã đưa điện về cho 59% dân số. Nếu chúng ta đem so sánh với Campuchia - quốc gia tôi vừa đến thăm - thì tỉ lệ người tiếp cận với điện của Việt Nam gấp đôi so với Campuchia.

Điều này có ý nghĩa rất lớn. Nó thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam, không chỉ là phát triển nhanh mà quan trọng hơn là từ những lợi ích của tăng trưởng đó được chia sẻ một cách đồng đều tới người dân.
Tôi rất tự hào là Ngân hàng Thế giới đã có sự đóng góp nhất định vào quá trình này.

Câu chuyện thứ hai là sự vận dụng các cơ hội quốc tế để phát triển của đất nước các bạn. Khi còn làm việc cho Chính phủ Mỹ, tôi đã thấy Việt Nam sử dụng việc tiếp cận thị trường Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng của mình như thế nào. Và lần này, tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy Chính phủ đã sử dụng được việc gia nhập WTO để thúc đẩy cải cách trong nước. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng với một sngành như tài chính, phân phối...

Đó là hai ví dụ thành công của Việt Nam mà tôi muốn chia sẻ. Nói như vậy có nghĩa là tôi cũng ấn tượng với việc các quan chức Việt Nam nắm rất rõ họ còn có những thách thức khác. Họ chính là người đề cao những vấn đề quản trị, chống tham nhũng trong khi một số nước khác thì tránh, hay phủ nhận vấn đề này.

Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Nhưng nhìn từ góc độ đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chúng tôi tin rằng sẽ có hiệu quả rất nhiều nếu như các quốc gia mà chúng tôi hỗ trợ có kế hoạch tốt, có tinh thần làm chủ tốt. Khi đó, chúng tôi sẽ làm việc với tư cách là một đối tác, không chỉ đem lại hỗ trợ tài chính mà còn đem lại cả chuyên môn, kinh nghiệm cho các nước tiếp nhận tài trợ.

* Ông Zoellick cho biết trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức cao cấp về mục tiêu của Việt Nam để trở thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2010, hai bên đã đề cập đến những trụ cột của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, khu vực tư nhân và quan trọng nhất là củng cố quản trị và các thể chế ở Việt Nam.

Chủ tịch WB nhận xét quyết định này của Việt Nam là "hết sức khôn ngoan" và cho biết thêm: Thủ tướng Việt Nam đã chủ động nêu vấn đề chống tham nhũng và yêu cầu WB hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này.