14:39 08/11/2017

Tài khoá, tiền tệ cùng vào chương trình chất vấn

Nguyên Vũ

Trong bốn vị được chọn chính thức, chỉ duy nhất Thống đốc Lê Minh Hưng là "người mới"

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng  Nhà nước đều được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp.

Theo kết quả phiếu xin ý kiến về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội thì cả điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ đều được đại biểu chọn chất vấn trực tiếp.

Như VnEonomy đã thông tin, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/11 đã đề xuất trình Quốc hội xem xét 5 nhóm vấn đề chọn 4 để chất vấn từ ngày 16-18/11 tới đây.

Một nguồn tin của VnEonomy cho biết, theo kết quả xếp từ cao xuống thấp thì bốn vị được chọn là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

Người duy nhất không vào danh sách là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung. Đây cũng là kết quả được một số vị đại biểu cho là dễ đoán trước, vì Bộ trưởng Dung đã từng trả lời chất vấn trong phiên họp tháng 4/2017. Hơn nữa, nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng cũng chưa "nóng" như nhiều nhóm vấn đề khác.

Trong bốn vị được chọn, Chánh án Nguyễn Hoà Bình và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đều đã khá dày dạn kinh nghiệm nghị trường. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã trả lời trong một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ duy nhất Thống đốc Lê Minh Hưng là "người mới".

Nhóm vấn đề dành cho Thống đốc, theo đề xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Tài chính là công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.