19:06 09/12/2019

Tám năm, Đà Nẵng chỉ cấp đăng ký mới cho một cơ sở cầm đồ

Hà Vũ

Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết từ tháng 12/2011 đến nay chỉ có một trường hợp kinh doanh dịch vụ cầm đồ được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Chỉ duy nhất Công ty TNHH SRISAWAD Việt Nam được cấp phép chi nhánh kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại Đà Nẵng, từ 2011 đến nay.
Chỉ duy nhất Công ty TNHH SRISAWAD Việt Nam được cấp phép chi nhánh kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại Đà Nẵng, từ 2011 đến nay.

Báo cáo thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết từ tháng 12/2011 đến nay chỉ có một trường hợp kinh doanh dịch vụ cầm đồ được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Từ 10-12/12/ 2019 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng họp kỳ thứ 12. Một trong những nội dung được Uỷ ban nhân dân gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố là báo cáo về tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo nghị quyết của hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ trước.

Theo đánh giá của Uỷ ban nhân dân thành phố, những năm qua, hoạt động kinh doanh cầm đồ đã bộc lộ những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Như, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để tiêu thụ tài sản không hợp pháp, cầm đồ "biến tướng" để hoạt động "tín dụng đen" cho vay tiền với lãi suất cao. Đặc biệt, các đối tượng phạm tội trộm cắp tài sàn, tiêu thụ tài sản cdo người khác phạm tội mà có coi các cơ sở kinh doanh cầm đồ là nơi tiêu thụ tài sản, đồ vật chiếm đoạt được từ hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật.

Theo Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, công tác quản lý hoạt động kinh doanh cầm đồ gặp phải rất nhiều khó khăn, phức tạp. Trong khi các quy định của nhà nước còn nhiều bất cập, cơ chế phối hợp, quản lý điều hành của các cấp, các ngành chưa hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, hiệu quả quản lý chưa cao.

Trước tình hình trên, tháng 12/2011 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011- 2016 đã ban hành nghị quyết nệu rõ yêu cầu tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Cuối năm 2014 Uỷ ban nhân dân thành phố có tờ trình về việc tiếp tục cho phép cấp mới đối với loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ, song Hội đồng nhân dân thành phố không thống nhất theo đề nghị này.

Việc không cấp mới, theo Uỷ ban nhân dân thành phố đã được triển khai thực hiện nghiêm túc. Kết quả, Sở Kế hoạch và đầu tư, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện không tiến hành cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Công an thành phố không cấm mới giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ. Theo báo cáo, có một trường hợp được cấp mới của Chi nhánh Đà Nẵng 1 - Công ty TNHH SRISAWAD Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn Thái Lan) đã đăng ký thành lập hơn 35 chi nhánh trên cả nước trước khi đăng ký tại Đà Nẵng.

Đây là trường hợp duy nhất được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố đồng ý cho đăng ký mới, báo cáo nêu rõ. Và ngày 25/2/2019 Công an Quận Hải Châu đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho trường hợp nói trên.

Hiện tại, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn có hồ sơ quản lý là 268.

Về xử lý vi phạm, báo cáo cho biết, từ 1/1/2012 đến 30/10/2019 công an thành phố đã tiến hành kiểm tra 748 lượt, phát hiện 239 trường hợp vi phạm, hành vi chủ yếu là không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định, bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Qua kiểm tra đã xử phạt 518,75 triệu đồng, thu hồi 9 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự do không đủ điều kiện được cấp phép lại.

Uỷ ban nhân thành phố cũng kiến nghị Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Vì, xét trên lĩnh vực kinh tế, hoạt động cầm đồ chỉ có lợi cho chủ cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các chủ cơ sở làm ăn phi pháp chứ không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhà nước và người dân.

Mặt khác, với 268 cơ sở hiện nay, trung bình mỗi phường, xã có 4-5 cơ sở hoạt động, việc giải quyết nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân trên địa bàn cơ bản vẫn đảm bảo  mà không cần phải mở thêm cơ sở mới.