07:26 25/03/2021

Tăng trước giảm sau, chứng khoán Mỹ đỏ lửa vì cổ phiếu công nghệ

Bình Minh

Cả ba chỉ số chính đo giá cổ phiếu ở Phố Wall cùng đi xuống, nhưng bị bán mạnh hơn cả là những cổ phiếu công nghệ lớn

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/3), khi quan điểm lạc quan về phục hồi kinh tế của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen không thể ngăn nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu công nghệ.

Phát biểu mà ông Powell và bà Yellen - hai vị quan chức kinh tế cấp cao nhất của Mỹ - đưa ra ngày thứ Tư không có sự khác biệt so với những gì mà họ đã nói trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm thứ Ba. Trong ngày điều trần tiếp theo này, ông Powell cho rằng khả năng lớn nhất là năm 2021 sẽ là "một năm rất, rất mạnh" của kinh tế Mỹ.

Cả ba chỉ số chính đo giá cổ phiếu ở Phố Wall cùng đi xuống, nhưng bị bán mạnh hơn cả là những cổ phiếu công nghệ lớn đã tăng mạnh trong năm ngoái. Cùng với đó, nhà đầu tư tiếp tục mua những cổ phiếu giá trị và cổ phiếu chu kỳ - nhóm được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi kinh tế hồi phục.

Phố Wall đã giằng co mạnh trong tuần này, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ "hạ nhiệt" có lúc khuyến khích nhà đầu tư quay trở lại mua cổ phiếu công nghệ. Trước đó, trong suốt mấy tháng qua, cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là nhóm công nghệ, bị bán tháo do thị trường đặt cược vào sự khởi sắc kinh tế. Năm ngoái, khi đại dịch hoành hành, cổ phiếu công nghệ là nhóm đắt hàng nhất.

Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trượt về mức khoảng 1,6%, từ mức đỉnh của 14 tháng là 1,75% thiết lập vào đầu tuần. Nhóm cổ phiếu giá trị chốt phiên trong trạng thái gần như đi ngang, trong khi nhóm tăng trưởng giảm khoảng 1,4%.

Thời gian gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall. Họ lo ngại rằng lợi suất tăng là một chỉ báo cho việc Fed sẽ sớm phải thắt chặt chính sách tiền tệ - theo chiến lược gia David Kelly của JPMorgan Asset Management.

Tuy nhiên, theo ông Kelly, "thị trường đang dừng lại một chút. Chúng ta đều biết rằng nền kinh tế sẽ bắt đầu tăng tốc thực sự trong quý 2", ông Kelly nói. "Nhưng chúng ta chưa thấy sự tăng tốc đó, nên chúng ta còn đang phải chờ".

Dữ liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ tăng tốc vào đầu tháng 3 nhờ số lượng đơn hàng mới tăng mạnh. Tuy nhiên, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng tiếp tục gây áp lực chi phí lên các nhà sản xuất, đặt ra mối lo lạm phát.

"Mọi người đều đang lạc quan về triển vọng phục hồi ở thời điểm này", nhà quản lý danh mục David Yepez thuộc Exencial Wealth Advisors phát biểu. "Để thị trường thực sự xuống đáy, chúng ta cần có thêm nỗi sợ, nhưng tôi không thấy thị trường có gì sợ hãi vào lúc này".

Nhóm cổ phiếu tài chính tăng 0,4% và nhóm công nghiệp tăng 0,7%, trong khi nhóm năng lượng tăng 2,5% nhờ giá dầu tăng mạnh trở lại.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,01%, còn 32.420,06 điểm. S&P 500 giảm 0,55%, còn 3.889,14 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,01%, còn 12.961,89 điểm.

Toàn thị trường có 12,72 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 14 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Các cổ phiếu Apple, Tesla, Facebook và Microsoft dẫn đầu sự giảm điểm của S&P 500 và Nasdaq. Cổ phiếu Intel trượt 2,3% sau khi công ty công bố kế hoạch đầu tư tới 20 tỷ USD để xây hai nhà máy sản xuất con chip ở bang Arizona.

Cổ phiếu GameStop giảm 33,8% sau khi công ty bán lẻ game này cho biết có thể tranh thủ việc giá cổ phiếu công ty tăng mạnh để huy động vốn cho việc mở rộng mảng thương mại điện tử.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,32 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 3,17 lần.