15:42 09/01/2018

Thả nổi bãi giữ xe tư: Ai kiểm soát giá vé tăng gấp 2-3 lần?

Tịnh Trí

Người dân bức xúc vì giá vé gửi xe tăng mạnh, không có lộ trình, vậy tiền vào túi ai?

Giá trông giữ xe của các đơn vị, cá nhân đang cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với trước.
Giá trông giữ xe của các đơn vị, cá nhân đang cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với trước.

Ngay sau khi Hà Nội tăng phí thuê lòng đường, vỉa hè tại các quận nội thành, các điểm trông giữ xe, bãi xe tự phát đã tăng giá gấp đôi, gấp ba lần quy định. 

Đề án tăng mức phí trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội được áp dụng từ năm 2006, đến năm 2012 lại tiếp tục thực hiện với mức tăng hơn trước khoảng 1,5 lần. Đến đầu năm 2018, việc áp mức tăng vé gửi xe lên tới 300% so với giá cũ khiến nhiều người dân bức xúc.

Dân không biết kêu ai?

Ngày 8/1, khảo sát một vòng qua các bệnh viện như Việt Xô, Việt Đức, bệnh viện K, Phụ sản, Xanh Pôn, Bạch Mai, Viện Mắt Trung ương... giá trông xe đã tăng lên 5.000 - 8.000 đồng/xe máy. Vé ôtô thì tính theo giờ từ 50.000 - 60.000 đồng/2 tiếng đầu, mỗi tiếng sau thu thêm 30.000 đồng, giá này đã tăng gấp đôi so với trước.

Tại nhiều điểm trông giữ xe tự phát gần các công viên cũng tăng giá kiểu ăn theo, như khu vực công viên Thủ Lệ và công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy... giá vé đã lên 5.000 đồng/xe máy vào ngày cuối tuần, có bãi xe ngoài còn thu 10.000 đồng/xe máy, còn vé ôtô thu 60.000/2 tiếng đầu mà không có ai kiểm tra, quản lý. 

Các điểm trông giữ xe lòng đường Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ giá vé tăng theo giờ. 

Bức xúc vì điều này, anh Nguyễn Quang Huy, Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: "Trước đây gửi dịch vụ iParking tại các điểm gửi xe quận Hoàn Kiếm chỉ mất 15.000 đồng/1 giờ, nay tăng gấp 3 - 4 lần, chỉ gửi vài tiếng đồng hồ đã mất cả trăm nghìn đồng".

Bà Ngô Thuý Lan, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân phàn nàn: "Do trụ sở công ty đặt trong trung tâm để tiện giao dịch, nên bắt buộc phải gửi ô tô tại các bãi xe nội thành. Trước đây, giá vé chỉ là 25.000 - 30.000 đồng/xe ôtô/2 tiếng đầu, hiện nay lên từ 60.000 - 90.000 đồng/xe/2 tiếng đầu. Các tiếng sau tăng 30.000-45.000 đồng, gửi xe 8 tiếng từ 350.000-500.000 đồng/xe. Mức phí đó là quá cao, trong khi các phương tiện như xe buýt, dịch vụ công cộng chưa phát triển, người dân bức xúc nhưng chẳng biết kêu ai". 

Đối với một số dịch vụ giữ xe tại các trung tâm thương mại, chủ đầu tư tính mức giá theo hướng dẫn tại Thông tư số 25 của Bộ Tài chính và quyết định theo điều chỉnh giá dịch vụ của thành phố. Căn cứ vào điều này, nhiều toà nhà cũng áp phí vô tội vạ. 

Ví dụ tại Vincom Nguyễn Chí Thanh, Lotte, mức phí là 20.000 đồng/1 tiếng, nếu gửi 1 ngày sẽ mất 480.000 đồng khiến nhiều người dân choáng váng. Tại toà nhà Kengnam, hiện vẫn đang áp dụng 30.000 đồng/2 tiếng, gửi 1 ngày đêm hết 360.000 đồng. Tuy nhiên, quản lý toà nhà cho biết, sẽ tăng phí trong thời gian tới, mức phí bao nhiêu thì chưa thể tiết lộ.

Hạn chế xe cá nhân là đúng nhưng...

Việc tăng giá vé gửi xe ô tô quá cao khiến nhiều người dân đang tính đến việc thay đổi phương tiện đi vào nội đô. Điều này được cho là phù hợp với mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân vào thành phố. Tuy nhiên, do áp dụng quá nhanh đang làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân.

Bà Lê Thị Thu, (Nam Đồng, Đống Đa) cho biết: "Nhà tôi ở trong khu vực nội thành nên bị áp mức phí trông xe quá cao lên tới 3 - 4 triệu đ/tháng, trong khi chi phí ngày càng đắt đỏ thì việc "nuôi" một chiếc xe ô tô là không dễ. Không hiểu, việc nhiều bãi xe tư tăng phí thì tiền vào túi ai?". 

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thực tế giá trông giữ xe của các đơn vị, cá nhân đang cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với trước. 

Theo quy định, giá trông giữ xe thu từ 5.000-10.000 đồng; giá trông giữ ôtô lên 50.000 đồng/2 giờ, các doanh nghiệp trông giữ xe không được hưởng lợi từ phần tăng phí mà phần này sẽ được điều tiết về ngân sách nhà nước. 

Ông Nguyễn Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận xét: "Việc tăng vé gửi xe để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô là đúng, nhưng cần phải có lộ trình cụ thể không thể đồng loạt tăng được. Khi các tuyến tàu điện, xe buýt hoàn thiện thì mới tăng, lúc đó người dân có quyền lựa chọn phương tiện đi lại hợp lý hơn, tránh xáo trộn đời sống người dân".