22:04 27/07/2021

Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm tại nhiều dự án đắc địa

Phan Nam

Hơn 3.974 tỷ đồng là số tiền sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã phát hiện được qua thanh tra 38 dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước tại TP Hà Nội...

Dự án 47 Nguyễn Tuân (ảnh minh hoạ).
Dự án 47 Nguyễn Tuân (ảnh minh hoạ).

Theo thông báo 1183/TB – TTCP mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố, giai đoạn 2003 – 2016, bên cạnh một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho nhà nước số tiền lớn như: dự án 31 Láng Hạ (514,9 tỷ đồng); 378 Minh Khai (312,9 tỷ đồng), có nhiều doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp.

Trong đó có dự án tại 365 A Minh Khai; 167 Thụy Khuê; 69 Vũ Trọng Phụng; 47 Nguyễn Tuân; 108 Nguyễn Trãi, 44 Yên Phụ, 430 Cầu Am...

MỘT SỐ CƠ SỞ CẤP PHÉP CHƯA ĐÚNG

Thông qua kiểm tra 38 dự án, Thanh tra Chính phủ cho biết một số cơ quan chức năng cấp phép không tuân thủ quy định của pháp luật. Ví như Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt; Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đối với dự án phát triển nhà Phong Phú – Daewon – Thủ Đức tại 378 Minh Khai không phù hợp với quy hoạch phân khu, làm giảm diện tích đất cây xanh hơn 5000 m2…

 
"Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa".
Thanh tra Chính phủ 

Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng cũng chưa được chú trọng; quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc, các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch, tự ý điều chỉnh mục đích sử dụng đất, sử dụng không đúng công năng, mục đích, ảnh hưởng đến cộng đồng, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Kết quả thanh tra còn nêu rõ: Việc tính toán, xác định tiền sử dụng đất phải nộp của các dự án chưa chính xác, đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước trên 1.480 tỷ đồng ở 36/38 dự án. Trong tổng số 38 có 8 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chậm nộp với số tiền lên tới 1.900 tỷ đồng.

Đồng thời có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ quy định. Nhưng chỉ 1 dự án là 47 Nguyễn Tuân được UBND thành phố xác định tiền chậm tiến độ với số tiền trên 13 tỷ đồng.

Các dự án 31 Láng Hạ, 108 Nguyễn Trãi, dự án của Tổng công ty Thành An tại đường Nguỵ Như Kom Tum thì không được UBND thành phố thực hiện, gây thất thhu ngân sách nhà nước, là vi phạm nghị định 135/2016/NĐ- CP...

HÀNG LOẠT DỰ ÁN SAI PHẠM

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều dự án đã vi phạm nghiêm trọng quy định về xây dựng.

Cụ thể, chủ đầu tư dự án tổ hợp khách sạn thương mại, văn phòng và nhà ở thấp tầng tại 107 đường Xuân La, khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện: chưa được bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất tại thực địa; chưa có quyết định phê duyệt thu tiền sử dụng đất, tiền thu đất; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa có giấy phép xây dựng; khu thấp tầng xây vượt quá 06 căn so với quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt…

Hay chủ đầu tư dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ công cộng - Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng khởi công xây dựng công trình trước khi được UBND Thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, và trước khi cấp giấy phép xây dựng. Hơn nữa còn xây vượt 02 tầng căn hộ ở so với phương án kiến trúc đã xin phép, xây 02 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng; xây 78 căn hộ không đúng hồ sơ cấp phép, dẫn đến người mua nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà…

Còn chủ đầu tư dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy thì đã thay đổi mục đích và công năng sử dụng từ thuê đất xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng với diện tích 1.438,5 m2 sang đất xây căn hộ chung cư để bán. Dù đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phươg án kiến trúc nhưng chưa được UBND thành phố cho phép điều chỉnh dự án đầu tư và chuyển mục đích sử dụng đất; chưa xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất bổ sung. Đoàn Thanh tra dự tính, số tiền cần bổ sung ở dự án này là trên 403 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, việc chuyển nhượng vốn góp của một số nhà đầu tư tại một số dự án sau khi hợp tác đầu tư thực hiện dự án có phát sinh về thu nhập chuyển nhượng vốn góp nhưng không kê khai hoặc kê khai thiếu. Tạm tính số tiền phải nộp của công ty Thực phẩm Miền Bắc với dự án 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản là khoảng 6 tỷ đồng; công ty cổ phần Dệt Mùa Đông – dự án 47 Nguyễn Tuân là 23 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dụng cụ số 1 – dự án 108 đường Nguyễn Trãi trên 20 tỷ đồng…

TỔNG SỐ TIỀN SAI PHẠM LÊN TỚI GẦN 4.000 TỶ ĐỒNG

Cũng theo thông báo kết luận, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là 3.974.155,48 triệu đồng.

Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc UBND thành phố Hà Nội, các sở ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong việc hướng dẫn và thẩm định một số dự án; giao UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu, đề xuất, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện xử lý các sai phạm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm tại nhiều dự án đắc địa - Ảnh 1

Chia sẻ tại buổi công bố kết luận (ngày 26/7), Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết: Để ban hành được kết luận cuộc thanh tra này, Thanh tra Chính phủ phải trải qua rất nhiều cuộc làm việc, giải trình của các sở, ban, ngành liên quan của TP Hà Nội. Trên tinh thần là kết luận thanh tra khách quan, công tâm, nhưng vẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho Hà Nội phát triển.

Phó Tổng Thanh tra đề nghị TP. Hà Nội, các sở, ngành và các đơn vị có liên quan sớm triển khai thực hiện các nội dung theo đúng kiến nghị Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận được Thủ tướng Chính phủ đồng ý một cách nghiêm túc, nhanh nhất và kịp thời, để sớm ổn định và đưa Hà Nội tiếp tục phát triển.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, UBND TP sẽ giao các ngành lập kế hoạch chi tiết để tiến hành triển khai thực hiện kết luận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, Thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.