16:17 30/08/2019

Tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long

TÚ UYÊN

Nguồn vốn tín dụng luôn sẵn sàng, các ngân hàng cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về thị trường, công nghệ, chuỗi liên kết

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp ĐBSCL
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đóng góp 4 mặt hàng trong số 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng vì nhiều lý do.

Chủ động gỡ vướng

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực ĐBSCL được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Cần Thơ tổ chức vào ngày 29/8/2019, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết: Với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khu vực ĐBSCL, tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015 - 2018.

Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624.000 tỷ đồng, tăng 7,76% so với 31/12/2018 (cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế 7,46%), trong đó dư nợ tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn đạt trên 340.000 tỷ đồng, tăng 14,8%; lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,3%; xuất khẩu tăng 3,7%. Tín dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù là thế mạnh của khu vực có tốc độ tăng trưởng cao như: thủy sản tăng 8,45%, đặc biệt là lúa gạo tăng 13,92%.

Đặc biệt, các chương trình tín dụng đặc thù đạt kết quả tốt, như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dư nợ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ dư nợ đạt trên 1.100 tỷ đồng.

Trong các tháng đầu năm nay, các tổ chức tín dụng tại khu vực ĐBSCL đã chủ động tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thông qua các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, từ đầu năm 2019 đến cuối quý 2/2019 các tổ chức tín dụng tại khu vực ĐBSCL đã giải ngân và cho vay mới đạt gần 71.300 tỷ đồng cho trên 4.400 doanh nghiệp và một số khách hàng khác.

Bên cạnh việc cho vay mới, các tổ chức tín dụng cũng đã cơ cấu lại nợ cho một số loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay với trên 250 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là trên 3.720 tỷ đồng.

Cần sự chung tay của các bên

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn xuất phát từ các nguyên nhân như: thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, vấn đề chất lượng sản phẩm, hạn chế trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao... trong khi thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh, đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng.

Cụ thể, những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại ĐBSCL hiện nay đang gặp phải liên quan đến quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị trường xuất khẩu, vấn đề đất đai, vùng nguyên liệu…

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến: quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị trường xuất khẩu… để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động tháo gỡ thông qua các biện pháp điều hành tiền tệ - tín dụng - lãi suất, đặc biệt là các giải pháp về giảm lãi suất, cơ cấu, gia hạn nợ đối với các doanh nghiệp lúa gạo vụ Đông Xuân 2019 đầu năm; ngoài ra, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện trên tinh thần chủ động nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp như: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính; Hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp; Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng…

Phó thống đốc Đào Minh Tú tin tưởng với những giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của các Bộ, ngành chức năng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về sản xuất, thị trường tiêu thụ, ngày càng phát triển bền vững, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL theo đúng định hướng, quy hoạch, kế hoạch đã đề ra.