16:00 14/01/2011

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay

An Huy

Thợ xây, thợ sơn, thợ xẻ... là vài trong số 10 nghề bị liệt vào danh sách "đen" này

Đây là năm thứ hai, nghề công nhân giàn khoan bị xem là tệ nhất ở Mỹ.
Đây là năm thứ hai, nghề công nhân giàn khoan bị xem là tệ nhất ở Mỹ.
Sự khởi sắc trong lĩnh vực tuyển dụng được dự báo tại Mỹ năm 2011 không phải sẽ diễn ra ở tất cả mọi ngành nghề. Vẫn còn đó những công việc mà triển vọng nghề nghiệp hết sức u ám, thu nhập thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Với dữ liệu từ hãng tuyển dụng CareerCast, hãng tin CNBC đã công bố danh sách 10 công việc được dự báo là tệ nhất ở Mỹ trong năm nay. Cơ sở để đưa ra danh sách này dựa trên 5 tiêu chí chính gồm môi trường làm việc, yêu cầu thể chất, triển vọng nghề nghiệp, thu nhập và áp lực công việc.

Những điểm chung phổ biến đối với những công việc này là chúng đều nguy hiểm, điều kiện làm việc khắc nghiệp, thu nhập không tốt, và không đòi hỏi phải có bằng đại học.

10. Công nhân xây dựng

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 1

Lương bình quân hàng năm: 29.211 USD
Những khó khăn chính: Môi trường làm việc, áp lực công việc, tiền lương


Môi trường làm việc của công nhân xây dựng là khắc nghiệt, đòi hỏi nhiều về thể lực, trong khi mức lương lại thấp. Nhu cầu công nhân xây dựng tại Mỹ giảm mạnh trong thời gian suy thoái và hiện vẫn chưa khởi sắc trở lại. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 12/2010, nước Mỹ mất 16.000 việc làm trong ngành xây dựng.

9. Công nhân đọc số đo đồng hồ

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 2

Lương bình quân hàng năm: 34.171 USD
Những khó khăn chính: Triển vọng tuyển dụng, yêu cẩu thể lực

Công nhân đọc số đo đồng hồ là những người theo dõi các loại đồng hồ điện nước và ghi lại số đo về mức tiêu thụ của khách hàng. Số lượng công nhân làm nghề này đang có chiều hướng giảm mạnh tại Mỹ vì các doanh nghiệp thúc đẩy việc tự động hóa công tác này. Họ phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời nhiều lúc rất khắc nghiệt, và nếu có mất việc thì không dễ kiếm việc trở lại.

8. Thợ sơn

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 3

Lương bình quân hàng năm: 34.152 USD
Những khó khăn chính: Triển vọng tuyển dụng, môi trường làm việc


Mọi năm, nghề thợ sơn không đến nỗi tệ. Tuy nhiên, trong xếp hạng các nghề của CareerCart năm nay, nghề này tụt 32 bậc và rơi vào “danh sách đen” những nghề tệ nhất. Lý do rất đơn giản: Hoạt động xây dựng suy giảm mạnh trong thời gian suy thoái, khiến nhu cầu sử dụng thợ sơn lao dốc theo. Ngoài ra, nghề này còn có mức lương thấp và điều kiện làm việc nguy hiểm, triển vọng tuyển dụng cũng giảm dần khi mức độ tự động hóa trong nghề sơn ngày càng tăng.

7. Thợ hàn

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 4

Lương bình quân hàng năm: 30.168 USD
Những khó khăn chính: Triển vọng tuyển dụng, yêu cầu thể lực, tiền lương


Nghề thợ hàn đòi hỏi phải có sức khỏe, đồng thời cũng là một công việc nhiều nguy hiểm. Tương tự như đối với nghề thợ sơn, nhu cầu thợ hàn giảm mạnh trong thời gian suy thoái, cũng như dưới tác động của tự động hóa. Tuy nhiên, khác với thợ sơn, thợ hàn có thể làm trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, chẳng hạn nhu cầu thợ hàn của ngành dầu khí hiện vẫn rất mạnh. Mỗi giờ làm việc của thợ hàn dưới nước có thể được trả trên 100 USD.

6. Kỹ thuật viên cấp cứu

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 5

Lương bình quân hàng năm: 30.168 USD
Những khó khăn chính: Áp lực công việc, tiền lương


Kỹ thuật viên cấp cứu về cơ bản cũng có vai trò giữ mạng sống cho bệnh nhân hay nạn nhân như bác sỹ, cũng chịu áp lực công việc nặng như bác sỹ, có điều lương lại không cao như bác sỹ. Năm nay là một năm đi xuống của nghề kỹ thuật viên cấp cứu tại Mỹ khi nhiều chính quyền bang cắt giảm chi tiêu cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, so với các nghề bị cho là tệ khác, nghề này có triển vọng tuyển dụng tốt hơn.

5. Lái xe taxi

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 6

Lương bình quân hàng năm: 21.127 USD
Những khó khăn chính: Điều kiện làm việc, áp lực công việc


Theo CareerCast, nghề lái xe taxi phải đương đầu với mức độ rủi ro cao, vì tỷ lệ tội phạm mà cánh lái taxi gặp phải cao hơn trong bất kỳ nghề nào ở Mỹ. Việc suốt ngày bị “nhốt” trong một chiếc taxi cũng là lý do khiến nghề này bị rơi vào danh sách những nghề tệ nhất năm nay.

4. Thợ sửa mái nhà

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 7

Lương bình quân hàng năm: 34.168 USD
Những khó khăn chính: Triển vọng tuyển dụng, yêu cầu thể lực


Trong xếp hạng nghề nghiệp của CareerCast năm nay, nghề thợ sửa mái nhà đã tụt tới 18 bậc. Theo nghề này, người công nhân phải làm việc thường xuyên trên nóc nhà cao, trong mọi điều kiện thời tiết, và mức lương cũng chẳng phải là hậu hĩnh. Thêm vào đó, sửa mái nhà cũng là một công việc liên quan đến xây dựng nên nhu cầu giảm mạnh trong thời gian suy thoái kinh tế.

3. Thợ xẻ

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 8

Lương bình quân hàng năm: 32,109
Những khó khăn chính: Yêu cầu thể lực, triển vọng tuyển dụng


Đây có thể xem là một công việc tuyệt vời cho những ai thích làm việc ngoài trời, trong những khu rừng đầy cây lớn, những cũng là một nghề tiêu tốn nhiều sức khỏe và có độ nguy hiểm cao. Một thợ xẻ cho CareerCast biết, anh yêu nghề của mình, những đã mất 2 ngón tay, từng vỡ vai và xương đòn vì nghề này. Bên cạnh đó, lương của nghề thợ xẻ cũng không cao, và nhu cầu tuyển dụng đang dần mai một do máy móc được sử dụng ngày càng phổ biến.

2. Thợ sắt

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 9

Lương bình quân hàng năm: 34.127 USD
Những khó khăn chính: Triển vọng tuyển dụng, yêu cầu thể lực


Thợ sắt làm công việc của mình ở độ cao chóng mặt, trên lưới sắt tầng thượng của các công trình cao tầng hay cầu đường. Bởi vậy, đây là một công việc rất nguy hiểm, nhiều áp lực và mức thù lao cũng thấp. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng thợ sắt cũng giảm trong thời gian suy thoái.

1. Công nhân giàn khoan

10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay - Ảnh 10

Lương bình quân hàng năm: 32.143 USD
Những khó khăn chính: Môi trường làm việc, tiền lương, triển vọng tuyển dụng


Đây là năm thứ hai liên tục, nghề công nhân giàn khoan bị CareerCast xem là nghề tệ nhất ở Mỹ. Với công việc là bảo trì thường xuyên các giàn khoan và đường ống, công nhân giàn khoan có lẽ là đối tượng duy nhất trong ngành công nghiệp dầu lửa không được hưởng sự giàu có của lĩnh vực này.

Đây là một nghề nguy hiểm, mà bằng chứng là vụ tràn dầu của hãng BP trên Vịnh Mexico năm ngoái, đồng thời cũng được trả lương thấp. Chưa kể, công nhân giàn khoan phải sống xa gia đình thường xuyên. Hiện nước Mỹ đang áp dụng lệnh cấm khai thác dầu khí ở khu vực phía Đông của Vịnh Mexico và dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của nước này, nên nhu cầu sử dụng công nhân giàn khoan cũng sa sút theo.