22:42 01/08/2011

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc

Kiều Oanh

Ngô, hàng hiệu, thú cưng... là một vài trong những thứ đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng

Mua sắm hàng hiệu là một trong những xu hướng tiêu dùng đang nổi ở Trung Quốc - Ảnh: CNBC.
Mua sắm hàng hiệu là một trong những xu hướng tiêu dùng đang nổi ở Trung Quốc - Ảnh: CNBC.
Với dân số 1,3 tỷ người và tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động nhất thế giới, Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Những xu hướng tiêu dùng của người dân nước này được các chuyên gia cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường tiêu dùng toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ở Trung Quốc hiện bình quân là 18%, so với mức 2,2% của Mỹ. Vì những lý do này, nhiều công ty phương Tây đã nỗ lực xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế cho thấy, việc này nói dễ hơn làm. Nhiều thương hiệu lớn của Mỹ như Home Depot và Best Buy đã phải rút khỏi thị trường Trung Quốc sau một thời gian chật vật, đế chế bán lẻ Wal-Mart cũng mới chỉ đạt lợi nhuận ở thị trường này từ năm 2008 sau 12 năm hiện diện ở đây.

Tuy nhiên, cũng có những thương hiệu phương Tây gặt hái thành công lớn ở Trung Quốc, điển hình là Yum!Brands của Mỹ. Hãng chủ sở hữu các chuỗi nhà hàng KFC, Pizza Hut… này hiện chiếm 40% thị trường đồ ăn nhanh ở Trung Quốc, so với mức 16% của McDonald’s.

Có những xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc mà ai cũng đã rõ, chẳng hạn nhu cầu hàng hiệu gia tăng, nhưng cũng có những xu hướng ít người biết. Hãng tin CNBC đã điểm qua 10 xu hướng tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này.

1. Ngô

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 1

Trung Quốc là nước tiêu thụ ngô nhiều thứ nhì thế giới và nhu cầu này đang tiếp tục gia tăng. Nước này cũng là quốc gia sản xuất ngô nhiều thứ nhì thế giới, sau Mỹ, cho dù lương thực chính của người Trung Quốc là gạo. 75% lượng ngô được tiêu thụ tại Trung Quốc là dùng cho lĩnh vực chăn nuôi. Trong thập kỷ qua, bình quân mỗi năm nhu cầu ngô của Trung Quốc tăng 3%, chủ yếu do mức sống của người dân tăng, lượng thịt gia súc tiêu thụ nhiều hơn.

Lượng ngô nhập khẩu vào Trung Quốc được Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 5 triệu tấn trong năm nay, tăng hơn gấp đôi so với mức 2 triệu tấn của năm 2010. Nhu cầu ngô của Trung Quốc đã góp phần đẩy giá ngô trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, Mỹ, tăng 17% từ đầu năm tới nay.

2. Thực phẩm bổ dưỡng

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 2

Thị trường thực phẩm bổ dưỡng của Trung Quốc được dự báo đạt doanh thu 70 tỷ USD vào năm 2015, tăng hơn 3 lần so với mức 20 tỷ USD vào năm 2010. Với mức sống tăng và dân số lão hóa, người Trung Quốc ngày càng chuộng các sản phẩm hoa quả, hạt và sữa chua nhập khẩu. Giá các loại hạt như hạt điều, hạt óc chó, hạt hồ đào, hạt hạnh… đã tăng lên mức kỷ lục do nhu cầu của Trung Quốc.

Thị trường các sản phẩm lợi khuẩn (probiotics) ở Trung Quốc cũng được hãng nghiên cứu Euromonitor dự báo sẽ tăng trưởng 120% trong thời gian 2009-2012. Tháng trước, sau 2 năm đàm phán, Chile đã đạt thỏa thuận trở thành nhà xuất khẩu duy nhất quả việt quất tươi sang Trung Quốc.

3. Internet di động

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 3

Ngành công nghiệp Internet di động của Trung Quốc đang tăng trưởng bùng nổ, với tốc độ cao hơn nhiều so với ở nhiều quốc gia phát triển. Một báo cáo của Wireless Intelligence nhận định, Trung Quốc sẽ vượt mốc 1 tỷ thuê bao di động vào tháng 5/2012. Khoảng 22% người sử dụng di động ở khu vực thành thị của Trung Quốc dùng “dế” để lướt mạng một tuần mỗi lần vào năm 2010, từ mức 15% vào năm 2009. Đây là một con số không tồi với một thị trường di động hiện có 770 triệu thuê bao, trong đó có 318 triệu thuê bao có kết nối Internet.

Các dịch vụ tin nhắn nhanh đang phát triển mạnh ở Trung Quốc, như MSN Messenger và QQ. Vào năm 2008, mới chỉ có 1% người dùng di động của Trung Quốc gửi tin nhắn nhanh từ điện thoại di động, nhưng tỷ lệ này đã lên đến 15% vào năm 2010. 41% thanh niên sử dụng di động tại các thành phố của Trung Quốc vào mạng trên điện thoại trong năm 2010, so với mức 29% trong năm 2009.

Nokia vẫn là hãng điện thoại di động có thị phần lớn nhất tại Trung Quốc, nhưng bắt đầu đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt từ Apple, Samsung và các thương hiệu “nội” như HTC, Huawei và ZTE.

4. Rượu vang

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 4

Euromonitor dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước tiêu thụ rượu vang lớn nhất thế giới vào năm 2015. Năm 2009, có khoảng 126 triệu thùng rượu vang được tiêu thụ ở nước này. Tốc độ tiêu thụ rượu vang ở Trung Quốc trong thập kỷ qua bình quân đạt 20 %/năm, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Doanh số rượu nhập tăng cao hơn rượu sản xuất trong nước.

Người Trung Quốc thích rượu vang vì cho rằng, uống rượu vang đỡ hại hơn rượu mạnh. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều phụ nữ ở nước này uống rượu và chọn rượu vang làm đồ uống ưa thích. Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách làm gia tăng độ hấp dẫn của rượu vang nội. Mới đây, tập đoàn quốc doanh Bright Food Group của nước này tuyên bố cân nhắc mua lại một số cơ sở sản xuất rượu vang ở Australia, Pháp, Chile và Mỹ.

5. Du lịch nước ngoài

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 5

Trung Quốc là thị trường khách du lịch tăng trưởng mạnh nhất thế giới hiện nay. Tổ chức Lữ hành quốc tế Liên hiệp quốc dự báo, năm nay sẽ có 65 triệu lượt du khách Trung Quốc xuất ngoại, năm 2010 sẽ là 100 triệu lượt. Du lịch và mua sắm ở nước ngoài đang là mốt của tầng lớp giàu có ở Trung Quốc. Đặc biệt, khách Trung Quốc tiêu nhiều tiền hơn khi đi du lịch ở nước ngoài hơn là du lịch trong nước, và họ thường đi thành đoàn lớn.

Các hãng hàng không trên thế giới đang đẩy mạnh mở đường bay thẳng tới các thành phố của Trung Quốc. Năm ngoái, hơn 450.000 du khách Trung Quốc đã ghé thăm Australia, tiêu số tiền 3 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009. Các khách sạn và hãng lữ hành tỏ ra rất sốt sắng đón bắt nhu cầu của khách Trung Quốc. Chẳng hạn, tòa khách sạn Burj Al Arab lừng danh ở Dubai đã thuê nhân viên nói tiếng Trung, soạn sách hướng dẫn và các chương trình bằng tiếng Trung, đồng thời đưa các món ăn Trung Hoa vào thực đơn.

6. Thú cưng

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 6

Chính sách một con và dân số lão hóa đã khiến thú cưng trở thành một thành viên quan trọng trong không ít gia đình Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng này còn được củng cố do người Trung Quốc có nhiều thu nhập khả dụng hơn, có khả năng chăm sóc con vật cưng tốt hơn. Theo Euromonitor, từ 1999-2004, số thú cưng ở Trung Quốc đã tăng 20%. Chó là loại vật nuôi được chuộng nhất ở Trung Quốc, với số lượng tăng ít nhất 10%/năm.

Đáp ứng nhu cầu của những người nuôi thú cưng, ngày càng có nhiều website và mạng xã hội chuyên về những người bạn đặc biệt này, cũng như các cửa hàng cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho chúng. Để kiểm soát ngành công nghiệp thú cưng, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu các bác sỹ thú y phải có giấy phép hoạt động, đồng thời áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ được nuôi một con chó ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Quảng Châu.

Chó cũng được xem là một biểu tượng địa vị đối với những người giàu có ở Trung Quốc. Một ông trùm trong ngành than Trung Quốc mới đây đã mua một chú chó ngao Tây Tạng với giá 1,6 triệu USD.

7. Du học

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 7

Trung Quốc là nước có số du học sinh lớn nhất thế giới, với khoảng 1,27 triệu sinh viên của nước này theo học tại các trường đại học nước ngoài tính đến cuối năm 2010, tăng 24% so với năm 2009. Nhiều học sinh Trung Quốc chọn ra nước ngoài học đại học để tránh những kỳ thi đầu vào đầy cam go trong nước. Đại học Cambridge của Anh năm ngoái có 1.000 sinh viên Trung Quốc, chiếm 8,3% tổng số sinh viên của trường này.

Nhiều gia đình trung lưu của Trung Quốc giờ cũng có đủ điều kiện cho con đi học ở nước ngoài. Trên thực tế, 93% du học sinh Trung Quốc là do cha mẹ cấp tiền cho đi học. Nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng chi 5.000 USD để cho con tham dự trại hè ở Mỹ. Dự kiến, năm nay có khoảng 60.000 trẻ em Trung Quốc tham dự các hoạt động trại hè ở Mỹ.

8. Hàng hiệu

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 8

Nhu cầu hàng hiệu ngày càng tăng của người Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho các hãng đồ hiệu phương Tây. Thị trường hàng hiệu Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 18% trong thời gian 2010-2015, đạt 27 tỷ USD vào năm 2015. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ chiếm 20% thị trường đồ hiệu thế giới vào năm này.

Năm 2009, bất chấp suy thoái toàn cầu, thị trường hàng hiệu Trung Quốc vẫn tăng trưởng 16%. Các thương hiệu phương Tây đắt giá nhất đang đổ xô đến đây. Năm 2006, Gucci mới có 6 cửa hàng ở Trung Quốc, nay đã có 39 cửa hàng. Hermes cũng tăng số cửa hàng tại thị trường màu mỡ này lên con số 20 từ con số 5 vào năm 2005. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang trở thành địa chỉ sản xuất của các hãng đồ hiệu, chẳng hạn 20% bộ sưu tập của Prada sản xuất ở nước này.

9. Công nghệ xanh

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 9

Trung Quốc là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, nhưng những người tiêu dùng giàu có của nước này cũng có ý thức về môi trường như ở phương Tây. Khoảng 84% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm và dịch vụ “xanh” - theo kết quả một cuộc thăm dò của hãng nghiên cứu TUV SUD Asia Pacific. 74% người tiêu dùng Trung Quốc trong cuộc điều tra này cho biết họ đã mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hãng tư vấn Boston Consulting Group dự báo, doanh số các loại xe xe ôtô chạy điện, gồm xe nhiên liệu tổ hợp (hybrid), xe cắm điện (plug-in) và xe dùng pin (battery-only) sẽ chiếm 7% doanh số xe hạng nhẹ ở Trung Quốc vào năm 2020, so với mức chỉ 2% ở thị trường Bắc Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào công nghệ xanh, với mục tiêu dẫn đầu thế giới về năng lượng tái sinh. Năm ngoái, Bắc Kinh chi 34,6 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng tái sinh, nhiều gấp đôi mức đầu tư của Mỹ.

10. Bất động sản ở nước ngoài

10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc - Ảnh 10

Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc hãm phanh thị trường bất động sản, giới đầu tư địa ốc nước này tìm cách đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các thị trường Mỹ, Canada, Australia và Anh. Năm ngoái, các khách hàng Trung Quốc chiếm tới 11% số vụ giao dịch nhà đất ở London, theo hãng tư vấn bất động sản Knight Frank.

Xu hướng này có thể ít nhiều gây bất ngờ, vì Chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép mỗi công dân mua tối đa số ngoại tệ trị giá 50.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc đã tìm cách lách luật, họ rủ người thân cùng chuyển ngoại tệ, rồi hùn vốn mua nhà ở nước ngoài.