08:37 21/05/2011

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử

Kiều Oanh

Đều là những dự báo nổi tiếng trong lịch sử, nhưng kết quả thực tế không đúng như những gì chuyên gia tiên đoán

Con người liệu có tiên đoán được tương lai?
Con người liệu có tiên đoán được tương lai?
Dự báo vẫn luôn là… dự báo, và không phải khi nào cũng đúng, thậm chí tỷ lệ dự báo sai còn lớn hơn tỷ lệ những dự báo đúng. Hãng tin CNBC đã điểm qua 13 dự báo nổi tiếng trong lịch sử mà kết quả là thực tế không đúng như những gì chuyên gia tiên đoán.

1. Dự báo về thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 1

Irving Fisher là một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của thế kỷ 20, được nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman xem là “nhà kinh tế học vĩ đại nhất mà nước Mỹ từng sản sinh”. Tuy nhiên, vào năm 1929, Fisher đã đưa ra một dự báo khiến uy tín của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong phần đời còn lại.

Ngay trước ngày Phố Wall sụp đổ, Fisher dự báo: “Giá cổ phiếu có vẻ như đã đạt tới một mặt bằng cao bền vững”. 72 giờ đồng hồ sau đó, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt bị nhấn chìm.

2. Dự báo về sự cố Y2K

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 2

Khi năm 2000 đến gần, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin lo ngại rằng, hệ thống máy tính toàn cầu sẽ tê liệt khi không phân biệt được đó là năm 2000 hay năm 1900. Cơ sở của mối lo này là con số hiển thị năm khi đó chỉ được viết bằng 2 số cuối, chẳng hạn 98 thay vì 1998.

Những dự báo “hoảng hồn” đã được đưa ra, chẳng hạn dữ liệu cá nhân bị thâu tóm, sự hỗn loạn về dữ liệu sẽ gây thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, các tên lửa sẽ tự động phóng đi… Biên tập viên Edmund X. DeJesus của tạp chí công nghệ BYTE tuyên bố: “Y2K sẽ là cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người”. Tuy nhiên, năm 2000 đã “trôi qua trong bình yên”.

3. Dự báo nước Mỹ sẽ sụp đổ vào năm 2010

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 3

Vào năm 1998, cây bút chính trị người Nga Igor Panarin viết trên tờ Wall Street Journal rằng, nước Mỹ đang đứng bên bờ vực một cuộc nội chiến, mà kết quả là những bang giàu có hơn sẽ chiếm lĩnh nguồn thu thuế của chính phủ liên bang và tách ra khỏi hợp chủng quốc.

Bài báo này dự báo, đến năm 2010, nước Mỹ sẽ bị tách ra làm 6 và mỗi phần chịu sự thống lĩnh của một cường quốc mới, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Canada, EU và Nga.

4. Dự báo chỉ số Dow Jones sẽ đạt mốc 36.000 điểm

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 4

Vào năm 1999, một cuốn sách của hai tác giả James Glassman và Kevin Hassett dự báo chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chạm mức 36.000 điểm trong vài năm sau đó. Thời điểm cuốn sách được xuất bản cũng là lúc không ai lường trước được việc bong bóng công nghệ ở Mỹ sắp nổ tung. Cuốn sách khuyến nghị giới đầu tư mua cổ phiếu.

Đáng buồn thay, dự báo này đã không trở thành hiện thực. Cuốn sách này hiện được bán trên Amazon.com với giá chỉ 1 xu Mỹ/cuốn.

5. Dự báo về mua sắm trên mạng

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 5

Năm 1966, tạp chí Time nổi tiếng đưa ra một dự báo rất táo bạo rằng: “Mua sắm từ xa, mặc dù là khả thi, sẽ chẳng đi đến đâu, vì phụ nữ thích ra khỏi nhà, thích tự khuân đồ, thích thay đổi quyết định”. Tuy nhiên, vào năm 2010, nghiên cứu của hãng Forrester Forecast ước tính đã có khoảng 173 tỷ USD được người Mỹ chi cho mua sắm trực tuyến.

6. Dự báo về truyền hình

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 6

Một cuộc thăm dò do hãng A.C. Nielsen thực hiện năm 2010 cho biết, người Mỹ dành bình quân 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để xem TV, nhiều hộ gia đình có nhiều hơn một chiếc TV để các thành viên đều được xem chương trình mình yêu thích. Tuy nhiên, vào năm 1946, nhà làm phim Darryl F Zanuck không thể hình dung được là đến lúc TV lại được ưa chuộng đến thế.

“TV sẽ không thể duy trì chỗ đứng trên bất kỳ thị trường chỉ sau 6 tháng thâm nhập. Mọi người sẽ nhanh chóng chán ngấy với việc dán mắt vào TV mỗi tối”, Zanuck nhận định khi đó. Không chỉ có Zanuck, một bài báo trên tờ New York Times năm 1939 cũng cho rằng: “Vấn đề của TV là người xem phải dán mắt vào một màn hình, và người Mỹ sẽ không có thời gian cho việc này”.

7. Dự báo về thư tên lửa

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 7

Arthur Summerfield là Bộ trưởng Bộ Bưu chính Mỹ dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Ông nổi tiếng vì dự báo đưa ra năm 1959: “Trước khi con người đặt chân lên mặt trăng, thư từ sẽ được chuyển tới nơi cần đến trong vòng chỉ vài giờ đồng hồ nhờ tên lửa dẫn đường. Chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa của thư tên lửa”.

Cùng năm đó, ngành bưu chính Mỹ thực hiện lần thử nghiệm đầu tiên và cũng là cuối cùng đối với thứ gọi là thư tên lửa. Một tên lửa đã được phóng đi từ bờ biển Florida tới căn cứ hải quân Mayport. Thời gian chạm đích của tên lửa này là 22 phút và 2 lá thư trên đó đã đến nơi an toàn. Tuy nhiên, chương trình này đã không bao giờ được thực hiện.

8. Dự báo của Mother Shipton

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 8

Vào thế kỷ 15, nhà tiên tri lừng danh Mother Shipton của Anh đã dự báo thế giới sẽ sụp đổ vào năm 1881. Tuy nhiên, năm 1881 đã trôi qua mà không có điều gì xảy ra. Mặc dù vậy, dự báo này không hề làm uy tín của Mother Shipton bị tổn hại.

9. Dự báo về năng lượng hạt nhân

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 9

Winston Churchill là Thủ tướng Anh thời Thế chiến II, được coi là một trong những nhà lãnh đạo thời chiến lừng lẫy nhất của thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra “kém hiểu biết” về năng lượng hạt nhân. Vào năm 1939, khi công nghệ hạt nhân đang được thử nghiệm để sử dụng cho các loại vũ khí tương lai, Churchill nói: “Năng lượng hạt nhân có thể hiệu quả như các loại chất nổ chúng ta có hiện nay. Tuy nhiên, loại năng lượng này ít có khả năng gây ra nguy hiểm lớn hơn”.

6 năm sau dự báo trên, những quả bom nguyên tử đầu tiên dội xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật, làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

10. Dự báo về Internet

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 10

Robert Metcalfe là người sáng lập hãng điện tử kỹ thuật số 3Com, là một giáo sư thuộc Đại học Texas, có bằng tiến sỹ khoa học của Đại học Havard. Tuy nhiên, vào năm 1995, con người khả kính này đã đưa ra dự báo cho rằng, Internet sẽ sụp đổ vào năm 1996. Khi đó, Metcalfe thậm chí còn hứa rằng, sẽ “ăn” những từ ông đã nói ra nếu dự báo này là sai.

Đến năm 1997, tại Hội nghị WWW Quốc tế, ông đã nuốt trang tạp chí có in những lời dự báo trên của mình vào bụng, ngay trước sự chứng kiến của các đại biểu tham dự hội nghị.

11. Dự báo về con tàu Tinanic

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 11

Đã gần 100 năm trôi qua kể từ khi con tàu sang trọng Titanic bị đắm. Không ít người đã hối tiếc về dự báo mà họ đã đưa ra trước chuyến đi định mệnh của con tàu này.

Thuyền trưởng Titanic, ông Edward J. Smith, từng nói: “Tôi không nghĩ là sẽ có vấn đề sống còn gì xảy ra với con tàu này. Kỹ thuật đóng tàu hiện đại không cho phép điều đó xảy ra”. Phó chủ tịch Phillip Franklin của hãng đóng tàu White Star Line, công ty đóng tàu Titanic, thì phát biểu: “Sẽ không có chuyện Titanic đắm. Con tàu này không thể đắm”.

12. Dự báo về ban nhạc The Beatles

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 12

Suốt 50 năm qua, ban nhạc The Beatles vẫn được coi là một tượng đài vĩ đại trong làng nhạc thế giới. Tuy nhiên, cũng có không ít người ghét ban nhạc này. Chẳng hạn, vào năm 1964, người sáng lập tờ National Review là William F. Buckley đã mô tả các thành viên ban nhạc này là “xấu tới mức khó tin, chẳng hiểu gì âm nhạc, thiếu nhạy cảm trước sự thần kỳ của nghệ thuật, và đều xứng đáng bị xem là những kẻ chống lại âm nhạc”.

Vào năm 1962, hãng Decca Records đã từ chối ghi âm cho The Beatles và còn nói: “Chúng tôi không ưa nhạc của họ, nhạc guitar đang hết thời”. Tuy nhiên, dự báo sai nổi tiếng nhất về The Beatles thuộc về Ray Bloch, Giám đốc âm nhạc của The Ed Sullivan Show, người nói: “Điểm khác biệt duy nhất của ban nhạc này là mái tóc, tôi cho là như vậy. Tôi cho họ 1 năm để tồn tại”.

13. Dự báo về vụ Trân Châu cảng

13 tiên đoán sai lầm nổi tiếng trong lịch sử - Ảnh 13

Trước khi nước Mỹ tham gia vào Thế chiến II, Nhật Bản đã chiếm lĩnh khu vực châu Á. Mục tiêu tiếp theo của người Nhật khi ấy là Philippines, nhưng quân đội Mỹ đang đóng quân ở đó, nên Nhật không thể tấn công nếu không khiêu khích được phản ứng quân sự của phía Mỹ. Do vậy, Nhật Bản đã quyết định đánh phủ đầu vào căn cứ hải quân của Mỹ ở Trân Châu cảng tại Hawaii.

Trước trận này, hầu hết người Mỹ không thể hình dung ra được một vụ tấn công vào hạm đội Hải quân của mình. Tình báo Mỹ đã có thông tin về việc người Nhật “sắp làm một việc gì đó”, không rõ là ở đâu và khi nào. Nhưng để trấn an dư luận, Bộ trưởng Bộ Hải quân Mỹ khi đó là Frank Knox đã tuyên bố vào ngày 4/12/1941 rằng: “Cho dù điều gì xảy ra, Hải quân Mỹ cũng sẽ không rơi vào thế bị động”. Ba ngày sau, nổ ra trận chiến Trân Châu cảng.