08:23 21/09/2010

6 nghi vấn về căng thẳng tỷ giá Trung - Mỹ

An Huy

Ở Trung Quốc cũng có những đối tượng muốn tỷ giá Nhân dân tệ tăng, ở Mỹ cũng có những nhóm được lợi nếu tỷ giá đồng tiền này thấp

Ai được, ai mất trong cuộc chiến tỷ giá Mỹ-Trung? - Ảnh: Getty.
Ai được, ai mất trong cuộc chiến tỷ giá Mỹ-Trung? - Ảnh: Getty.
Nhiều nhà kinh tế học và chính trị gia Mỹ cho rằng, quốc gia này sẽ được lợi rất nhiều nếu Trung Quốc ngừng tác động đến tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Quan điểm của Washington từ lâu vẫn là Bắc Kinh đang ghìm giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở mức thấp hơn giá trị thực, nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.

Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, nếu tỷ giá Nhân dân tệ gia tăng, thì đó có thể là cách để tạo thêm khoảng nửa triệu việc làm nữa cho người Mỹ trong vòng 2 năm tới, mà không làm gia tăng nợ công hay thâm hụt ngân sách của Mỹ, đồng thời sẽ làm giảm thâm hụt thương mại Mỹ và bình ổn hệ thống kinh tế quốc tế.

Mặc dù Trung Quốc gần đây đã tăng cường sự linh hoạt cho tỷ giá Nhân dân tệ và tỷ giá đồng tiền này so với USD cũng diễn biến theo chiều hướng tăng, Washington trong tuần trước vẫn gia tăng sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề tỷ giá.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm các quy định quốc tế. Tổng thống Barack Obama cũng dự định sẽ đưa vấn đề chính sách của Trung Quốc đối với thương mại ra bàn thảo trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G-20) diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 11 tới.

Theo tờ New York Times, Trung Quốc được cho là can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách mua vào khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày bằng đồng Nhân dân tệ để duy trì tỷ giá thấp của đồng nội tệ. Một bài viết đăng trên tờ báo này đã đưa ra 6 câu hỏi và lời giải đáp xung quanh những căng thẳng có liên quan tới vấn đề tỷ giá giữa Mỹ và Trung Quốc.

1. Liệu Trung Quốc có được lợi nếu để đồng Nhân dân tệ tăng giá?

Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể được lợi nếu tỷ giá Nhân dân tệ tăng. Đồng nội tệ có giá hơn sẽ giúp người tiêu dùng Trung Quốc tăng cường sức mua, làm giảm bớt rủi ro lạm phát và bong bóng tài sản, đồng thời có khả năng làm giảm sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.

2. Những nhóm lợi ích nào được cho là có ảnh hưởng tới chính sách tỷ giá của Trung Quốc?

Theo ông Minxin Pei, một nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Claremont McKenna ở bang California, Mỹ, các nhà xuất khẩu vốn tập trung ở khu vực bờ biển phía Nam của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn ở Bắc Kinh và được lợi với tỷ giá đồng Nhân dân tệ thấp.

Có thừa công suất và muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc cũng là đối tượng muốn đồng Nhân dân tệ có mức tỷ giá thấp hơn giá trị thực. Đây cũng là nhóm lợi ích được cho có ảnh hưởng lớn ở Bắc Kinh.

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu và của Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương của nước này cùng không muốn đồng nội tệ yếu, nhưng cả hai nhóm này đều không có nhiều ảnh hưởng.

3. Ở Mỹ, đâu là đối tượng không muốn đồng Nhân dân tệ mạnh lên?

Những tập đoàn đa quốc gia lớn và Phố Wall là những đối tượng không cảm thấy “khó ở” với đồng Nhân dân tệ yếu. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc (rồi bán ở các thị trường khác, bao gồm cả Mỹ) nên được lợi từ tỷ giá Nhân dân tệ thấp.

Các công ty dịch vụ tài chính ở Phố Wall thì dễ thiết lập được các thỏa thuận hơn với một đồng USD mạnh và muốn các khách hàng ở Trung Quốc nhờ cậy tới mình trong việc đầu tư nguồn vốn dôi dư.

4. Vậy đâu là những đối tượng ở Mỹ muốn tỷ giá Nhân dân tệ tăng?

Đồng USD mạnh gây sức ép suy giảm lớn đối với hàng hóa của các nông trại và nhà sản xuất của Mỹ, theo đó gây tác động bất lợi tới tình hình tạo việc làm ở nền kinh tế này.

Do vậy, thật dễ hiểu khi các chính trị gia và tổ chức công đoàn thuộc khu vực Midwest của Mỹ nằm trong số những đối tượng chỉ trích mạnh mẽ nhất chính sách tỷ giá của Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp cao cũng khiến Nhà Trắng và phần lớn các nghị sỹ Dân chủ và nhiều nghị sỹ Cộng hòa tăng sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề tỷ giá.

5. Trước đây, nước Mỹ đã giải quyết vấn đề đồng USD mạnh như thế nào?

Vào cuối thập niên 1960, chi tiêu ngân sách liên bang gia tăng do cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam đã đẩy lạm phát ở Mỹ tăng. Cùng với đó, nước Mỹ đã lần đầu có thâm hụt thương mại kể từ khi Chiến tranh Thế giới 2 kết thúc. Các nhà sản xuất của Mỹ nổi giận, buộc Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon phản ứng bằng cách xóa bỏ chế độ bản vị vàng năm 1971. Nhờ đó tỷ giá đồng USD giảm khoảng 20%.

Từ năm 1981-1985, đồng USD lại tăng giá mạnh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để chống lạm phát và chính quyền Tổng thống Reagan vay mượn ồ ạt để bù đắp cho thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Tháng 9/1985, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ James A. Baker III gặp gỡ các quan chức Nhật và Đức tại khách sạn Plaza ở Manhattan, New York. Đối mặt với sự đe dọa áp dụng chế độ bảo hộ thương mại từ Quốc hội Mỹ, Nhật và Đức đã nhất trí một kế hoạch nhằm hạ nhiệt tỷ giá USD.

6. Vậy liệu nước Mỹ có thể đạt được thêm một thỏa thuận tương tự?

Việc đồng USD mất giá với tốc độ nhanh chóng khó có thể sớm xảy ra. Không một quốc gia nào, kể cả một đồng minh của Mỹ, muốn tỷ giá đồng tiền của mình tăng đột biến (và khiến giá hàng hóa xuất khẩu của nước mình trở nên đắt đỏ hơn) trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh.

Hệ thống tiền tệ quốc tế cũng đã trở nên phức tạp hơn với sự ra đời của đồng Euro và sự nổi lên của những nền kinh tế như Brazil, Ấn Độ và Nga.

Mặc dù Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá hơn 20% so với USD từ năm 2005-2008, cuộc khủng hoảng tài chính đã thúc đẩy giới đầu tư toàn cầu đổ xô mua vào USD và khiến đồng bạc xanh tăng giá trở lại.

Tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh đã tuyên bố tăng tính linh hoạt cho tỷ giá, nhưng từ đó tới nay, tỷ giá Nhân dân tệ mới tăng khoảng 1% so với USD. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner tuần trước cho rằng, sự tăng giá như vậy là quá chậm và quá muộn.

Theo ông Jeffrey A. Frieden, một nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Havard, xét cho cùng, tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền phản ánh các lực lượng kinh tế vĩ mô trên quy mô rộng.

Để tỷ giá đồng USD trở về mức phù hợp, nước Mỹ cần tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn, đồng thời chi tiêu và vay mượn ít đi. Còn đối với Trung Quốc, Đức và Nhật Bản, cần nhận thức rằng, sự phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu không phải là lợi thế dài hạn.

“Quan điểm thuyết phục là Trung Quốc cần nhận thấy việc tăng tỷ giá chính là lợi ích của họ. Nhưng kết quả này sẽ không đạt được từ những động thái đe dọa, và cũng sẽ không đạt được từ những nỗ lực hợp tác mềm mỏng”, ông Frieden nói.