12:56 31/10/2009

9 ngân hàng Mỹ đổ vỡ trong 1 ngày

Mai Phương

Với 9 ngân hàng vừa lâm nạn, số ngân hàng bị đóng cửa tại Mỹ từ đầu năm tới nay đã lên tới con số 115

Giới phân tích dự báo, từ nay tới cuối năm, nước Mỹ sẽ còn chứng kiến thêm sự đổ vỡ của nhiều nhà băng nữa - Ảnh: AP.
Giới phân tích dự báo, từ nay tới cuối năm, nước Mỹ sẽ còn chứng kiến thêm sự đổ vỡ của nhiều nhà băng nữa - Ảnh: AP.
Các nhà chức trách Mỹ ngày 29/10 làm thủ tục giải thể cùng lúc 9 nhà băng, đưa ngày này trở thành ngày chứng kiến sự đổ vỡ của nhiều ngân hàng nhất tại Mỹ kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu.

Đây cũng được xem là một bằng chứng rõ nét cho thấy, rất nhiều ngân hàng tại Mỹ vẫn còn đang nằm dưới áp lực khổng lồ của những khoản nợ xấu.

Với 9 ngân hàng vừa lâm nạn, số ngân hàng bị đóng cửa tại Mỹ từ đầu năm tới nay đã lên tới con số 115, cao nhất kể từ năm 1992 tới nay.

Trong số các ngân hàng sụp đổ lần này có ngân hàng California National Bank - ngân hàng lớn thứ tư đổ vỡ tại Mỹ trong năm nay - với tài sản lên tới 7 tỷ USD và sở hữu 68 chi nhánh. Các ngân hàng còn lại gồm có BankUSA, Citizens National Bank, Madisonville State Bank, North Houston Bank, Pacific National Bank, Park National Bank, San Diego National Bank, và Community Bank of Lemont. Nơi đặt chi nhánh của các ngân hàng này thuộc các bang Texas, Illinois, Arizona và California.

Cả 9 ngân hàng "ra đi" trong ngày 29/10 đều là ngân hàng con của tập đoàn FBOP Corp., với tổng tài sản 18,4 tỷ USD và nắm giữ 15,4 tỷ USD tiền gửi của khách hàng.

Theo sự sắp xếp của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), ngân hàng US Bancorp đã mua lại toàn bộ số tài sản và tiếp quản toàn bộ tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng nói trên. Tuy nhiên, do lo ngại, trong đêm ngày 29/10, nhân viên của các ngân hàng đổ vỡ này đã tập trung tại trụ sở chính quyền Los Angeles, bang California, để nghe giải thích về số phận của ngân hàng nơi họ làm việc.

Tới thời điểm này, hàng loạt ngân hàng Mỹ, nhất là các ngân hàng quy mô nhỏ, vẫn đang phải vật lộn với bảng cân đối kế toán chất đầy những khoản nợ khó đòi mà họ cho vay trong thời kỳ bùng nổ tín dụng trước khi xảy ra khủng hoảng.

Đặc biệt, các khoản vay dành cho các công ty bất động sản thương mại là những khoản vay có độ rủi ro cao, do thị trường nhà đất thương mại của Mỹ còn chưa hồi phục. Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tính tới cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay bất động sản thương mại tại các ngân hàng Mỹ là 1.700 tỷ USD.

Do đó, giới phân tích dự báo, từ nay tới cuối năm, nước Mỹ sẽ còn chứng kiến thêm sự đổ vỡ của nhiều nhà băng nữa.

(Theo Reuters)