16:12 08/01/2009

Ấn Độ chấn động trước vụ gian lận tài chính khổng lồ

Kiều Oanh

Thị trường chứng khoán Ấn Độ náo loạn trước một trong những vụ gian lận kế toán lớn nhất từng bị phát hiện ở nước này

Nhà đầu tư bên ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay tại Mumbai, Ấn Độ.  Vụ chấn động đã khiến chỉ số Sensex của thị trường chứng khoán Ấn Độ sụt mất 7,3%, riêng cổ phiếu của Satyam mất giá 78% trong ngày 7/1 - Ảnh: AP.
Nhà đầu tư bên ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay tại Mumbai, Ấn Độ. Vụ chấn động đã khiến chỉ số Sensex của thị trường chứng khoán Ấn Độ sụt mất 7,3%, riêng cổ phiếu của Satyam mất giá 78% trong ngày 7/1 - Ảnh: AP.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang náo loạn, sau khi chủ tịch kiêm người đồng sáng lập công ty dịch vụ outsourcing (thuê ngoài *) Satyam Computer Services của nước này thú nhận đã sử dụng các thủ thuật gian lận kế toán để thổi phồng tài sản và lợi nhuận trong nhiều năm qua.

Đây được xem là một trong những vụ gian lận kế toán lớn nhất từng bị đem ra ánh sáng trong lịch sử Ấn Độ.

Sau khi lời thú nhận trên được đưa ra, ông chủ tịch này ngay lập tức được giới quan sát quốc tế ví với "trùm lừa" Madoff của Mỹ.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ đóng cửa

Sau khi công bố thông tin gây sốc nói trên, ông Ramalinga Raju, 54 tuổi, chủ tịch kiêm người đồng sáng lập của Satyam - công ty dịch vụ thuê ngoài lớn thứ tư của Ấn Độ, cũng tuyên bố từ chức.

Ông Raju cho hay, ông đã thường xuyên làm giả các số liệu kế toán của công ty trong suốt quá trình công ty này phát triển từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một “đại gia” gia công phần mềm với 53.000 nhân viên tại 66 quốc gia.

Trong một tuyên bố gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay ngày 7/1, ông Raju cho biết, vụ gian lận này bắt nguồn từ một chênh lệch số liệu nhỏ, nhưng sau đó đã vượt quá tầm kiểm soát của ông.

“Một chênh lệch nhỏ giữa lợi nhuận hoạt động và số liệu được phản ánh trong sổ sách kế toán đã liên tục lớn lên trong vòng nhiều năm. Sai lệch này đạt tới mức không thể kiểm soát do quy mô hoạt động của công ty tăng lên. Sự việc này giống như khi người ta đã cưỡi lên lưng hổ, không biết làm thế nào để nhảy xuống mà không bị hổ ăn thịt”, ông viết.

Theo những gì mà ông Raju tiết lộ, phần lớn tài sản và lợi nhuận của công ty hoàn toàn là giả mạo. Trong số 53,6 tỷ Rupee tiền mặt và số dư tài khoản ngân hàng mà Satyam công bố là tài sản ở cuối quý 2/2008, có tới 50,4 tỷ Rupee, tương đương 1 tỷ USD, là không hề tồn tại.

Thêm vào đó, mức doanh thu quý 3/2008 là 27 tỷ Rupee thực ra đã bị thổi phồng 20% so với thực tế. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận hoạt động thực sự của công ty này trong quý 3 chỉ bằng 1/10 so với con số được thông báo.

Tháng 12/2008, ông Raju đã cố gắng loại bỏ chênh lệch này bằng cách mua hai công ty xây dựng trong đó những người sáng lập công ty Satyam nắm giữ cổ phần, nhưng thất bại.

Trong tuyên bố của mình, ông Raju cũng bày tỏ “sự ân hận sâu sắc” và nhắc tới “gánh nặng khổng lồ” từ hành vi sai trái của mình. Ông khẳng định cả ông và anh trai ông là B. Rama Raju, giám đốc điều hành của công ty, đều không “lấy một đồng nào từ công ty”, đồng thời cho biết, ban lãnh đạo công ty cũng như gia đình ông hoàn toàn không hay biết gì về vụ việc này.

Ông Raju cũng bày tỏ sự hối lỗi sâu sắc đối với các cổ đông và nhân viên của Satyam, đồng thời đề nghị họ ở lại với công ty. “Tôi đã sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật và đối mặt với hình phạt dành cho tôi”, ông viết. Được biết, nếu bị kết án, ông Raju có thể phải chịu án tù giam 10 năm và khoản tiền phạt lên tới 5 triệu USD.

Cũng trong ngày 7/1, ban lãnh đạo của Satyam đã ra một tuyên bố cho biết, họ thực sự sốc trước lời thú nhận của ông Raju và sẽ tiến hành họp để tìm ra biện pháp khắc phục vụ việc này.

Vụ chấn động đã khiến chỉ số Sensex của thị trường chứng khoán Ấn Độ sụt mất 7,3%, riêng cổ phiếu của Satyam mất giá 78% trong ngày 7/1. Cùng ngày, cổ phiếu của Satyam đã bị ngừng giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).

Còn trong hôm nay, cũng vì vụ scandal này mà thị trường chứng khoán Ấn Độ ngừng giao dịch hoàn toàn.

Những tác động tiêu cực trên diện rộng

Trong nhiều năm qua, Satyam đã đóng vai trò là “văn phòng phía sau” cho những ngân hàng, các hãng chế tạo công nghiệp, các công ty chăm sóc sức khỏe và truyền thông trên khắp thế giới. Công ty này cung cấp giải pháp trên mọi lĩnh vực từ hệ thống máy tính tới dịch vụ khách hàng.

Hiện Satyam có tới hơn 600 khách hàng trên khắp thế giới. Có tới 1/3 các công ty trong Fortune 500 - danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ về doanh thu theo xếp hạng của tạp chí Fortune - là khách hàng của công ty này.

Trong số các khách hàng của Satyam phải kể tới các công ty khổng lồ của Mỹ như GE, GM, Nestle, McGraw-Hill, và thậm chí cả Chính phủ Mỹ hay Ngân hàng Thế giới (WB). Trong một số trường hợp, Satyam thậm chí còn chịu trách nhiệm về mảng tài chính và kế toán của khách hàng.

Do đó, vụ scandal tại Satyam sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động hàng ngày của đội ngũ khách hàng đông đảo kể trên của công ty cũng như quan hệ làm ăn giữa họ với Satyam. Sau khi vụ việc bị đưa ra ánh sáng, các khách hàng của Satyam cố gắng tìm hiểu xem vụ gian lận này có liên quan gì tới hoạt động của họ không, và họ có phải chịu trách nhiệm gì hay không.

Các nhà phân tích cho biết, sau vụ này, nhiều khách hàng của Satyam sẽ chuyển sang hợp tác với các đối thủ của Satyam như Infosys, TCS và Wipro. Hiện Satyam là công ty dịch vụ thuê ngoài lớn thứ 3 tại Ấn Độ, sau ba công ty nói trên.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, tiết lộ của ông Raju có thể gây ra một cú sốc lớn trong ngành công nghiệp thuê ngoài của Ấn Độ. Hiện Satyam đã gần như không còn tiền mặt để trả lương cho nhân viên cũng như các chi phí khác. Theo dự đoán, Satyam có thể bị đóng cửa, bán lại toàn bộ hoặc chia tách thành nhiều bộ phận khác nhau.

Vụ việc này cũng sẽ tác động tiêu cực tới cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ trong bối cảnh kinh tế đi xuống như hiện nay. Các nhà đầu tư và khách hàng có thể sẽ “xa lánh” các công ty Ấn Độ, nhất là những công ty có quan hệ họ hàng và tăng trưởng nhanh như công ty Satyam.

Cơ quan Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ cho biết sẽ điều tra việc giao dịch cổ phiếu của Satyam. Không chỉ được niêm yết ở Ấn Độ, cổ phiếu của Satyam còn giao dịch tại NYSE từ năm 2001 và Sở Giao dịch Chứng khoán châu Âu (Euronext) từ tháng 1/2008. Từ khi niêm yết tại NYSE, công ty này đã được kiểm toán bởi hãng kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers.

Do đó, quy mô của vụ scandal này làm dấy lên những câu hỏi lớn về hoạt động giám sát không chỉ ở Ấn Độ, mà còn ở cả Mỹ và châu Âu.

Trong mấy tháng gần đây, Satyam bắt đầu gây chú ý sau khi kênh truyền hình Fox News của Mỹ cho biết, công ty này bị Ngân hàng Thế giới (WB) hủy hợp đồng vì WB đã phát hiện có phần mềm gián điệp được cài trong một số máy tính của WB do Satyam giám sát. Satyam lên tiếng phủ nhận thông tin này, nhưng tới tháng 12/2008, WB khẳng định là họ đã hủy hợp đồng với Satyam.

Cuối tháng 12 vừa qua, các nhà phân tích ở công ty Forrester Research của Mỹ đã cảnh bảo các công ty có hợp đồng với Satyam có thể nên ngừng hợp tác với công ty này.

Mới chỉ cách đây vài tháng, ông Raju còn ra sức thuyết phục các nhà đầu tư rằng, tình hình của công ty vẫn ổn. Trong tháng 10, ông làm các nhà đầu tư ngạc nhiên với kết quả lợi nhuận tốt đẹp hơn dự kiến và cho biết, ông hài lòng với những gì công ty “đã đạt được trong môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu đầy thách thức, giữa thời kỳ bất ổn tiền tệ”.

Tuy nhiên, tới cuối tháng 12, ông không còn nhận được sự ủng hộ từ ban lãnh đạo công ty và các nhà đầu tư. Có 4 trong số các giám đốc của Satyam xin từ chức trong mấy tuần gần đây.

Mới đây, Satyam đã thuê ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ tư vấn chiến lược - một động thái thường dẫn tới việc bán lại công ty. Ngày 7/1, Merrill tuyên bố họ đã cắt đứt quan hệ với Satyam vào ngày 6/1 do “hiểu ra rằng có những vi phạm về kế toán” tại công ty này.

* Thuê ngoài là một mô hình phổ biến trong kinh doanh - đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin - khi các công ty đưa những công đoạn cuối cùng của một dự án ra nước ngoài để hoàn thiện. Những nước được chọn để thuê ngoài thường là những nước đang phát triển nơi có giá lao động rẻ và công việc không yêu cầu lao động kỹ thuật cao.

(Theo New York Times, Reuters)