11:01 04/05/2010

Ấn Độ và “thế tam quốc”

Chủ điểm thực sự trong chuyến đi của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner đến Á châu chính là Ấn Độ

Ấn Độ và Trung Quốc - hai nước đông dân nhất thế giới - vừa là láng giềng, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau gay gắt. Trong ảnh: Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh phát biểu tại hội nghị hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại Trung - Ấn.
Ấn Độ và Trung Quốc - hai nước đông dân nhất thế giới - vừa là láng giềng, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau gay gắt. Trong ảnh: Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh phát biểu tại hội nghị hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại Trung - Ấn.
Không chỉ mong muốn Ấn Độ trở thành thành một đối tác quan trọng về quân sự, chính trị mà Mỹ còn kỳ vọng Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cân bằng về kinh tế mang tính chiến lược trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner hồi giữa tháng được mọi người theo dõi chủ yếu bởi sự xuất hiện bất ngờ của ông này tại Bắc Kinh và Hồng Kông vào lúc vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ Trung Quốc đang là tâm điểm chú ý của thế giới.

Thế nhưng, trọng tâm thực sự của chuyến đi chính là New Delhi, nơi ông T. Geithner nhắm xây dựng và phát triển một mối hợp tác kinh tế toàn diện với cường quốc châu Á này.

Ấn Độ ngày càng tự tin

Trong khi Trung Quốc liên tục quảng bá thành tích phục hồi kinh tế nhanh chóng trong cơn khủng hoảng thì nước láng giềng Ấn Độ của họ tuy im lặng hơn nhưng cũng đạt được “phong độ” không kém phần ấn tượng.

Quí cuối cùng của năm tài khóa 2008-2009, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã rơi nhanh từ mức xấp xỉ 9% xuống chỉ còn 5,8%. Nhưng nay, trong Báo cáo điều tra kinh tế thường niên, một trong những tài liệu chính sách quan trọng nhất của New Delhi mà Bộ Tài chính nước này trình bày trước Quốc hội, thì tình hình có vẻ khả quan hơn với tốc độ tăng trưởng 7,5%.

Ông Pranab Mukherjee, Bộ trưởng Bộ Tài chính, loan báo trước Quốc hội nước này rằng: “Ấn Độ đã giũ sạch “sự ảm đạm và bi quan chán nản” vốn bao trùm trong suốt một năm qua, khi cơn khủng hoảng tràn vào những nền kinh tế lớn đang trỗi dậy”.

Báo cáo cũng dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 8,75%, tương đương với thời trước khủng hoảng, trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4 này. Kèm theo đó, ông Pranab Mukherjee cũng nói đến kế hoạch cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách lớn nhất trong 20 năm qua.

Sự tự tin đó một phần nhờ vào tỷ lệ tiền tiết kiệm 32,5% GDP và tỷ lệ đầu tư 34,9% GDP đã giúp Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Ngoài ra, với kho dự trữ lên đến 555,7 tấn vàng thỏi, Ấn Độ đã lọt vào nhóm mười nước có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới. Một lợi thế khác của Ấn Độ trong quá trình phát triển kinh tế chính là việc quốc gia này không phải đối mặt với quá nhiều vấn đề môi trường như Trung Quốc.

Hơn thế nữa, khác với việc chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp để trở thành “nhà xưởng của thế giới” như Trung Quốc, Ấn Độ đang nỗ lực nhiều hơn vào việc phát triển nông nghiệp và dịch vụ. Nhờ đó, họ có thể hạn chế được tình trạng “bẫy xuất khẩu” mà Trung Quốc đang gặp phải khi quá lệ thuộc vào tỷ giá tiền tệ.

Người Mỹ “ve vãn”

Như đã nói, chủ điểm thực sự trong chuyến đi của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner đến Á châu chính là Ấn Độ. Bộ trưởng Geithner đã có hai ngày làm việc cùng người đồng nhiệm ở New Delhi.

Ông Geithner đã hoan hỉ loan báo cuộc viếng thăm lần này sang Ấn Độ là để khởi động một quan hệ đối tác kinh tế mới, cung cấp một “cơ hội lớn hơn” cho cả hai nước. Bộ trưởng Geithner cho biết: “Mỹ và thế giới đang rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của Ấn Độ” và mối quan hệ Mỹ - Ấn sẽ “hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng đầy triển vọng, và là cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ cũng như các công ty của Ấn Độ”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Pranad Mukherjee cho biết đã mời các công ty Mỹ tham gia đầu tư nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng của nước này như sân bay, đường sắt, trong đó có hơn 4.400 dặm đường cao tốc. New Delhi cũng muốn Washington tham gia nâng cấp hệ thống giao thông khu vực nông thôn Ấn Độ nhằm giúp nông sản nước này có thể xuất khẩu hiệu quả hơn. Về phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Geithner cũng truyền đi thông điệp rằng Mỹ sẽ tích cực đầu tư vào Ấn Độ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và hứa hẹn sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều người tin rằng Mỹ - Ấn có nhiều lý do để phát triển một quan hệ thương mại sâu rộng khi hiện tại Mỹ đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau EU. Hơn thế nữa, cả hai bên đều cùng chia sẻ một số quan điểm, điển hình nhất chính là việc Ấn Độ đã thả nổi tỷ giá đồng Rupiah của nước này bất chấp nó đã tăng giá gần 14% trong vòng mười hai tháng qua, từ mức 52,2 Rupiah ăn 1 Đô la Mỹ thì nay chỉ còn 45 Rupiah ăn 1 Đô la. Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cởi mở về chính sách tỷ giá.

Trước chuyến thăm của ông Timothy Geithner, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thăm Ấn Độ vào năm ngoái và vừa rồi Tổng thống Obama cũng ký quyết định cho phép sẽ chia sẻ có giới hạn với Ấn Độ công nghệ hạt nhân. Rõ ràng, Washington đang cố gắng tạo ra một quan hệ gắn kết mạnh mẽ hơn với Ấn Độ, đặc biệt là quan hệ kinh tế, để nước này làm đối trọng với người láng giềng Trung Quốc.

Phó giáo sư Rani D. Mullen của trường William & Mary và là một chuyên gia về Nam Á nhận xét rằng: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Geithner rõ ràng là gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ của chính quyền Obama về các ưu tiên giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ”.

Ấn Độ thực ra cũng rất khôn khéo khi không muốn phải tỏ ra đối đầu trực diện với Trung Quốc. Bằng chứng là vào cuối tháng 3 vừa rồi, Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập đường dây nóng giữa hai lãnh đạo cao nhất. Ấn Độ cùng với Trung Quốc thình thành nhóm bộ tứ BRIC (Brazil, Nga - Russia, Ấn Độ - India, Trung Quốc - China) là những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh.

Ngô Minh Trí (TBKTSG)