17:12 22/03/2016

Bà Aung San Suu Kyi được đề cử vào nội các Myanmar

Bình Minh

Bà Suu Kyi có thể sẽ đứng đầu bộ ngoại giao, năng lượng, giáo dục hoặc văn phòng Tổng thống

Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar.<br>
Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar.<br>
Tổng thống đắc cử của Myanmar Htin Kyaw đã đề cử bà Aung San Suu Kyi vào ít nhất một vị trí trong nội các mới. Theo Bloomberg, đây là động thái cho thấy nữ chính trị gia này muốn có một vai trò chính thức trong chính phủ mà bà đã cam kết sẽ lãnh đạo, dù không thể trở thành Tổng thống.

Ông Htin Kyaw đã đưa tên của bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào danh sách gồm 18 người được đề cử cho các vị trí trong nội các Myanmar. Bản danh sách đã được trình lên Quốc hội Myanmar ngày 22/3, nhưng chưa rõ người nào được đề cử đứng đầu bộ nào.

Giới truyền thông Myanmar nói rằng bà Suu Kyi có thể sẽ đứng đầu bộ ngoại giao, năng lượng, giáo dục hoặc văn phòng Tổng thống.

Dù NLD thắng áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2015, bà Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống Myanmar do Hiến pháp do quân đội Myanmar soạn thảo quy định không cho phép người có thân nhân là công dân nước ngoài được nắm cương vị này. Người chồng quá cố và hai con trai của bà Suu Kyi đều mang quốc tịch Anh.

NLD đã chọn trợ lý thân cận nhất của bà Suu Kyi là Htin Kyaw đảm nhiệm vị trí Tổng thống thay cho bà. Đảng này cũng nói rằng, dù không phải là Tổng thống, bà Suu Kyi, 70 tuổi, vẫn sẽ là người thực sự điều hành Chính phủ Myanmar.

Nếu việc đề cử bà Suu Kyi vào nội các Myanmar được Quốc hội thông qua trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra tuần này, bà sẽ phải rời bỏ cương vị thủ lĩnh NLD và nghị sỹ quốc hội. Chưa rõ liệu bà Suu Kyi có sẵn sàng từ bỏ vị trí lãnh đạo đảng mà bà đã chung tay sáng lập cách đây 25 năm hay không.

Nếu trở thành Ngoại trưởng Myanmar, bà Suu Kyi sẽ có một ghế trong Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia. Đây là hội đồng được lập ra theo Hiến pháp do quân đội Myanmar soạn thảo, với nhiều nhân vật quân đội, và có khả năng nắm giữ quyền lực cao hơn chính phủ.

Ngoài ra, các tướng lĩnh của Myanmar vẫn tiếp tục nắm giữ quyền lực ở các bộ quốc phòng, nội vụ, duy trì quyền kiểm soát trong lĩnh vực an ninh quốc gia.