11:24 06/06/2017

Ba tàu sân bay Mỹ sẽ cùng thị uy Triều Tiên

Thăng Điệp

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis gọi Triều Tiên là một “nguy cơ rõ ràng và hiện hữu”

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ/BI.<br>
Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ/BI.<br>
USS Nimitz, tàu sân bay lâu năm nhất còn hoạt động của Hải quân Mỹ, đã rời cảng San Diego để di chuyển tới Thái Bình Dương, nơi hai hàng không mẫu hạm Mỹ khác là USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan đã có mặt như một sự cảnh báo đối với Triều Tiên.

Trang Business Insider cho biết, đi cùng với tàu Nimitz trong sứ mệnh này còn có 5 tàu khác, bao gồm 4 khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường và một tàu tuần dương.

Như vậy, khi nhóm tàu này đến nơi, Mỹ sẽ có tổng cộng 3 tàu sân bay, hai tàu tuần dương, và 12 tàu khu trục hoạt động đồng thời ở Thái Bình Dương, chưa kể các chiến hạm của Nhật Bản và Hàn Quốc hoạt động cùng các tàu Mỹ này.

Hải quân Mỹ vẫn thường nhấn mạnh rằng đây là hoạt động diễn tập thường kỳ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự xuất hiện của một đội tàu Mỹ đông đảo như vậy là một cuộc phô trương lực lượng quy mô lớn ở Thái Bình Dương.

Giới phân tích xem đây là hành động thị uy của Mỹ đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này được cho là đã đạt được những bước tiến quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng gần đây thường xuyên cảnh báo rằng đã chế tạo được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vươn tới đại lục Mỹ. Tuyên bố này chưa được kiểm chứng, nhưng các nhà chuyên môn nói sẽ đến lúc Triều Tiên đạt được khả năng như vậy.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis đã gọi Triều Tiên là một “nguy cơ rõ ràng và hiện hữu” đối với toàn thế giới.

Cuối tuần vừa rồi, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên, bằng cách mở rộng danh sách cá nhân và thực thể của Triều Tiên bị trừng phạt. Đây là sự đáp trả đối với việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa từ đầu năm đến nay.

Sau động thái của Liên hiệp quốc, Triều Tiên tuyên bố “bác bỏ hoàn toàn” lệnh trừng phạt mới nhất này, gọi đây là một “hành động thù địch”, đồng thời thề sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

“Cho dù lệnh trừng phạt có là gì và sức ép có ra sao, thì chúng ta vẫn sẽ không đi chệch khỏi con đường phát triển lực lượng hạt nhân đã chọn để bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền tồn tại của dân tộc”, hãng thông tấn KCNA đăng một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.

Từ năm 2006 đến nay, Triều Tiên đã có 5 vụ thử hạt nhân và hai lần thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Nước này gần đây dọa sẽ sớm thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6.