09:44 29/06/2009

Bảo hộ mậu dịch ngày càng căng thẳng

Trung Việt

Dự báo kim ngạch thương mại thế giới giảm mạnh chưa từng thấy trong năm nay

Nhiều nước lo ngại khi Mỹ tái ban hành những biện pháp trợ giá xuất khẩu đối với các sản phẩm sữa - Ảnh minh họa.
Nhiều nước lo ngại khi Mỹ tái ban hành những biện pháp trợ giá xuất khẩu đối với các sản phẩm sữa - Ảnh minh họa.
Kim ngạch thương mại thế giới năm 2009 có thể sẽ giảm mạnh hơn mức dự báo là 10%. Trong khi đó, vấn đề bảo hộ mậu dịch đang có nguy cơ “trỗi dậy” do khủng hoảng tài chính.

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy vừa đưa ra thông báo ảm đạm nêu trên tại cuộc họp cấp bộ trưởng Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển ở Geneva (Thụy Sĩ).

Thương mại sụt giảm chưa từng thấy

Theo ông Lamy, dự báo kim ngạch thương mại thế giới giảm trên 10% là mức giảm mạnh chưa từng thấy, phản ánh sự sụt giảm cả cung lẫn cầu trên thế giới. Nguyên nhân do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cản trở các chính sách thúc đẩy thương mại, khiến nhiều nước đang phát triển không có tiền để nhập khẩu.

Trong tháng 4, kim ngạch thương mại của Trung Quốc giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ 6 liên tiếp sụt giảm. Dự kiến kim ngạch thương mại của Trung Quốc năm nay, sẽ giảm 15-20%. Giá trị xuất khẩu của Nhật Bản cũng đã lập kỷ lục suy giảm trong tháng 2 vừa qua, với mức âm 49,4%, do lượng đơn đặt hàng tới các thị trường lớn như Mỹ và EU tiếp tục giảm. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc cũng đã giảm tới hơn 30% trong những tháng đầu năm nay...

Cùng với sự suy giảm xuất khẩu, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng giảm đáng kể, đe dọa sự phục hồi của kinh tế thế giới. Thống kê của Hội nghị Liên hiệp quốc về buôn bán và phát triển (UNCTAD) vừa cho biết, vốn FDI trên toàn cầu giảm tới 54% trong quý 1/2009 và triển vọng vẫn rất ảm đạm trong phần còn lại của năm. Theo UNCTAD, các hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các công ty, phương thức chính để tính FDI, trong quý 1/2009 đã giảm tới 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cuộc họp với các quan chức thương mại ở các nước châu Á tại Campuchia mới đây, ông Pascal Lamy đã kêu gọi các nước tiếp tục hỗ trợ hoạt động thương mại để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay và nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ. Thương mại là nhân tố cơ bản để vượt ra khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, theo ông Lamy, "để bánh xe thương mại quay được, cần tài trợ cho thương mại, và để làm cho thương mại hoạt động, cần những nỗ lực mới đối với viện trợ cho thương mại, đặc biệt, cần có sự đoàn kết toàn cầu".

Nguy cơ bảo hộ mậu dịch trỗi dậy

Trong cuộc họp hôm 26/6 ở Thụy Sĩ vừa qua, Tổng giám đốc WTO còn bày tỏ lo ngại vấn đề bảo hộ mậu dịch đang có nguy cơ trỗi dậy do khủng hoảng tài chính. Vấn đề bảo hộ mậu dịch đang ngày càng nóng lên sau khi các nước đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn và khuyến khích dùng hàng nội để giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế Trung Quốc, công bố tuần trước, WB đã cảnh báo rằng, những bước đi của Trung Quốc nhằm đảm bảo khoản tiền 585 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế có lợi cho các doanh nghiệp trong nước "dường như đi ngược lại những gì Bắc Kinh đã thể hiện để chống lại chủ nghĩa bảo hộ".

Theo WB, Trung Quốc đã ra thông tư yêu cầu các cơ quan chính phủ mua hàng hóa sản xuất trong nước nếu có thể cho các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại hành vi bảo hộ này của Trung Quốc.

Trong khi đó, 29 nước thành viên WTO vừa gay gắt chỉ trích việc Mỹ tái ban hành những biện pháp trợ giá xuất khẩu đối với các sản phẩm sữa của nước này, cảnh báo đây có thể là một tiền lệ nguy hiểm khiến thế giới quay lại chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt có nguy cơ bùng nổ thành những cuộc chiến thương mại.

Brazil, đại diện cho 23 nước đang phát triển, tại cuộc họp diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), cho rằng Mỹ đang thúc đẩy chính sách bảo hộ "lạc hậu", phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu. Australia, đại diện cho các nước xuất khẩu nông nghiệp thì khẳng định, những chính sách trợ giá mà Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack công bố hôm 23/5 là "bất công với các nước đang tuân thủ những qui định của WTO về buôn bán công bằng”.

Trong khi đó, Mỹ biện minh rằng việc trợ giá cho những sản phẩm sữa của nước này là cần thiết để bảo vệ nông dân chăn nuôi bò sữa trước nguy cơ bị các sản phẩm sữa của EU, mà Mỹ cho rằng cũng được EU hỗ trợ, chiếm lĩnh thị trường. Nữ phát ngôn viên Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, cho rằng quyết định của EU phá hoại nghiêm trọng tính cạnh tranh của các sản phẩm Mỹ và buộc Mỹ phải có biện pháp trả đũa.