08:26 09/08/2011

“Bão” vàng sẽ còn tăng cấp tới đâu?

Diệp Anh

Ngược chiều với thị trường chứng khoán, xăng, dầu, giá vàng thế giới tiếp tục lập các kỷ lục mới và có vẻ như chưa thể dừng bước

Giá vàng ngày càng tăng mạnh và chưa có điểm dừng.
Giá vàng ngày càng tăng mạnh và chưa có điểm dừng.
"Chúng ta đang bắt đầu rơi vào trạng thái hoảng loạn", Matthew Peron, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán thuộc quỹ tín thác Northern ở Chicago cho biết, khi chứng kiến chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn Phố Wall hôm qua nhảy vọt 50% lên cao nhất từ tháng 5/2010.

Tình trạng bán tháo lan rộng khắp các sàn chứng khoán thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Dow Jones tuột thẳng 634,76 điểm (-5,55%) xuống 10.809,85 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 79,92 điểm (-6,66%) xuống còn 1.119,46 điểm. Chỉ số Nasdaq rơi 174,72 điểm (-6,90%) xuống 2.357,69 điểm.

Chuyên gia Peron nói, "chúng ta đang chứng kiến tình trạng bán tháo (cổ phiếu) một cách hỗn loạn thực sự, vượt xa những gì chúng ta từng thấy".

Những đồn đoán về việc Washington bất lực trong việc giải quyết vấn đề nợ nần đang tăng lên trong khi tăng trưởng chậm dần khiến nhà đầu tư đổ xô bán tháo các loại cổ phiếu trong tay, loại tài sản có tính rủi ro cao mỗi khi thị trường có biến động mạnh.

Cùng với chứng khoán, thị trường xăng dầu quốc tế cũng đua nhau rớt giá. Dầu thô hợp đồng giao tháng 9/2011 giảm 5,57 USD (-6,4%) xuống 81,31 USD/thùng trên sàn New York. Đây là mức chốt thấp nhất của dầu hợp đồng loại này kể từ ngày 23/11/2010.

Xăng hợp đồng tháng 9 giảm 11 xu, tương ứng 4,1%, xuống 2,69 USD/gallon. Đây là mức giá thấp nhất của xăng kể từ cuối tháng 2 tới nay. Dầu sưởi hợp đồng tháng 9 mất 14 xu, tương ứng 4,8%, xuống còn 2,8 USD/gallon. Đây là mức chốt thấp nhất của loại dầu này kể từ cuối tháng 6 tới nay.

Trên thực tế, hầu hết các loại hàng hóa như chứng khoán, xăng, dầu đang kéo dài thêm chuỗi ngày giảm điểm, giảm giá từ vài tuần trước đó. Cụ thể, từ đầu tháng tới nay, giá xăng, dầu đã bốc hơi lần lượt là 14% và 15%.

Còn tại Phố Wall, kết thúc tuần giao dịch trước, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã trượt 5,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2009 tới nay. Chỉ số S&P 500 hạ 7,2%, mạnh nhất kể từ tháng 11/2008. Và chỉ số Nasdaq cũng đã để mất tới 8,1%.

Trong khi đó, ngược chiều với chứng khoán, xăng, dầu, giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch, vàng giao tháng 12 tại New York tăng 61,40 USD, tương đương 3,7% lên 1.713,20 USD/oz.

Trong phiên giao dịch, có lúc giá vàng đã tăng lên 1.721,90 USD/oz, cao nhất từ trước đến nay. Sau phiên giao dịch, giá vàng trên bảng điện tử tại New York vẫn tiếp tục tăng, chạm 1.723,40 USD/oz. Giá vàng giao ngay theo Kitco lúc 6h55 sáng nay giờ Việt Nam ở 1.720,20 USD/oz.

Hôm qua, quỹ tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới, SPDR Trust, đã mua vào 23,52 tấn vàng, nâng lượng nắm giữ lên 1.309,92 tấn, cao nhất trong một năm qua. Như vậy, kể từ đầu tháng 8 tới nay, quỹ này đã mua vào hơn 56 tấn vàng, bằng lượng mua vào của cả tháng 7.

Nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới đều tìm đến vàng, đẩy giá kim loại quý tính theo Rupee Ấn Độ, Nhân dân tệ Trung Quốc, Đồng Việt Nam, Franc Thụy Sĩ, Bảng Anh, Euro… đồng loạt lập kỷ lục.

Ngân hàng JP Morgan hôm qua dự báo, giá vàng sẽ lên 2.500 USD/oz vào cuối năm nay. Còn Goldman Sachs nâng dự báo giá vàng sẽ ở mức 1.645, 1.730 và 1.860 USD/oz trong 3, 6 và 12 tháng tới. Trước đó, Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ đạt đỉnh 1.600 USD/oz vào giữa năm 2012.

Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, việc quốc gia này bị Standard & Poor's hạ bậc tín nhiệm cao nhất sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách Mỹ có một ý thức mới về sự khẩn thiết của vấn đề này. Ông kêu gọi lưỡng đảng cần có thiện chí chính trị giải quyết vấn nạn thâm hụt ngân sách.

Tổng thống Obama cho rằng, sở dĩ Standard & Poor's có động thái như hôm 5/8 là bởi nghi ngờ khả năng hành động của hệ thống chính trị ở Mỹ sau một loạt các cuộc thương thảo giữa chính quyền Mỹ với các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này về vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách và nâng mức trần vay nợ quốc gia.

“Tôi cho rằng, không phải chúng ta thiếu kế hoạch, hay chính sách đối với các vấn đề của nước Mỹ mà cái chính là chúng ta thiếu thiện chí chính trị ở Washington. Đó chính là sự nhất quán, nó giống như vẽ các đường thẳng trên cát", ông tuyên bố.

"Chúng ta đã không đưa những điều mà được coi là tốt nhất cho đất nước lên trên lợi ích bản thân, lợi ích hay ý thức hệ của từng đảng và đây chính là điều mà chúng ta cần phải thay đổi”. Ông cho biết sẽ đưa ra các biện pháp cứng rắn để khôi phục thị trường tài chính và đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong khi đó, tại châu Âu, lo ngại một cơn lốc xoáy nữa tàn phá các sàn chứng khoán thế giới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trấn an thị trường bằng tuyên bố sẽ tích cực triển khai kế hoạch mua trái phiếu đang gây tranh cãi của các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

ECB cho biết, vấn đề cơ bản đối với các quốc gia thành viên Eurozone là "khởi động Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) trên thị trường thứ cấp" một khi ECB nhận thấy những hậu quả nghiêm trọng trên thị trường tài chính hay các rủi ro đối với sự ổn định tài chính."

Động thái mua trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha của ECB là nhằm chủ động triển khai chương trình thị trường chứng khoán để đảm bảo bình ổn giá trong Eurozone. Ngoài ra, ECB cũng thảo luận khả năng thanh toán tiền mặt trong trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng băng thị trường tiền tệ.

Cũng trong ngày hôm qua, trong một thông báo báo chí, các quốc gia G20 cho biết đã quyết định sẵn sàng hành động chung nhằm ổn định thị trường tài chính và bảo đảm tăng trưởng. Theo đó, G20 sẽ theo sát diễn biến tình hình tài chính thế giới và cùng hành động nhằm "đảm bảo sự ổn định các thị trường tài chính."

Các bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của 20 quốc gia giàu có nhất hành tinh đã cam kết "thực hiện mọi sáng kiến cần thiết, cùng phối hợp nhằm hỗ trợ sự ổn định tài chính và khuyến khích tăng trưởng kinh tế mạnh hơn với tinh thần hợp tác và tin cậy lẫn nhau".

Từ Washington, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde đã hoan nghênh sự hợp tác nêu trên của G20 góp phần ổn định lòng tin và hỗ trợ sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, có vẻ như tuyên bố của ông Obama, G20 cùng với sáng kiến mua trái phiếu Italy, Tây Ban Nha của ECB, quyết tâm của G7 trước đó đã không được thị trường mảy may chú ý tới. Và điều đó đã được thể hiện mười mươi trên kết quả giao dịch của các thị trường hàng hóa rủi ro như chứng khoán, vàng.

Thêm vào đó, hôm qua, Standard & Poor's đã tiếp tục đánh tụt hạng tín dụng của tập đoàn cho vay nổi tiếng của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac cùng một số cơ quan chính phủ khác có liên quan đến nợ dài hạn của Mỹ. Quyết định này càng khiến chứng khoán Mỹ giảm sâu.

Không quyết liệt như Standard & Poor's, tổ chức Moody's cùng ngày chỉ tái cảnh báo hạ bậc tín nhiệm Mỹ trước năm 2013, nếu triển vọng kinh tế và tài chính của nước này xấu đi đáng kể. Tuy nhiên, Moody’s cho biết Mỹ có khả năng đạt được thỏa thuận mới về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách trước thời điểm này.

Moody’s cho biết quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Mỹ ở mức Aaa hôm 02/08 dựa trên khả năng quốc gia này có thể tìm kiếm thêm các biện pháp nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh tay hơn nữa.

Tuy nhiên, “để giữ nguyên mức xếp hạng Aaa, Mỹ phải áp dụng thêm các biện pháp để tỷ lệ nợ/GDP không vượt quá xa mức đỉnh dự báo cho năm 2012 gần 75% vào giữa thập kỷ và bắt đầu suy giảm trong dài hạn”, chuyên gia Steven Hess của Moody’s nhận định.

Trong một động thái khác liên quan tới việc Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm, hôm qua, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong 17 năm qua so với USD. Theo hệ thống hối đoái Trung Quốc, tới cuối giờ chiều qua, tỷ giá đã lên tới 6,436 Nhân dân tệ/1 USD.

Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng 2,4% so USD, trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro lạm phát. Ước tính, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ là 6,4%, cao nhất trong 3 năm qua, vượt xa chỉ tiêu 4% của chính phủ nước này.