15:21 23/05/2017

Bất đồng xung quanh thỏa thuận thương mại do Trung Quốc khởi xướng

Bình Minh

Lập trường của Ấn Độ đặt ra thách thức lớn nhất trong cuộc đàm phán cấp bộ trưởng của RCEP diễn ra ngày 22/5 tại Hà Nội

Đại biểu các nước tham gia đàm phán RCEP tại Hà Nội ngày 22/5 - Ảnh: Reuters.<br>
Đại biểu các nước tham gia đàm phán RCEP tại Hà Nội ngày 22/5 - Ảnh: Reuters.<br>
Bất đồng giữa các nước châu Á xung quanh Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận tự do thương mại do Trung Quốc khởi xướng, đã nổi lên trong cuộc đàm phán diễn ra ngày 22/5. Những bất đồng này đặt ra trở ngại cho mục tiêu hoàn tất đàm phán RCEP trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Thỏa thuận RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do với hơn 3,5 tỷ dân, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và các nước Đông Nam Á.

Hãng tin Reuters cho biết, cuộc đàm phán RCEP bắt đầu từ năm 2012, nhưng chỉ có thêm động lực mới kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù vậy, các quan chức tham gia vào cuộc đàm phán nói rằng mục tiêu hoàn tất giai đoạn đàm phán RCEP trong thời gian từ nay đến cuối năm có thể khó đạt được, xét đến những bất đồng giữa các bên xung quanh nhiều vấn đề. Theo nguồn tin, Ấn Độ đặc biệt ngại cắt giảm hàng rào thuế quan.

“Họ lo việc xóa bỏ thuế quan sẽ dẫn tới nguồn thu thuế và sức cạnh tranh của họ suy giảm, nhất là khả năng cạnh tranh với Trung Quốc”, một quan chức đề nghị không tiết lộ danh tính cho biết.

Một quan chức khác nói lập trường của Ấn Độ đặt ra thách thức lớn nhất trong cuộc đàm phán cấp bộ trưởng của RCEP diễn ra ngày 22/5 tại Hà Nội.

Trọng tâm chính của RCEP là giảm thuế quan, dù không đến mức xóa bỏ hoàn toàn như TPP. Ngoài ra, mức độ bao phủ của thỏa thuận này đối với ngành dịch vụ và nền kinh tế số cũng khiêm tốn hơn so với TPP, đồng thời RCEP cũng không bảo vệ quyền của người lao động hay môi trường. Bên cạnh đó, dù có thể có các điều khoản về tăng cường quyền tự do cho di chuyển, đây cũng chính là một trong những điểm có thể gây vướng mắc nhiều nhất trong quá trình đàm phán RCEP.

“Chúng tôi đang đạt được tiến bộ, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi”, Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand Todd McClay nói với phóng viên Reuters. “Chúng tôi mong muốn tìm cách đạt tới một kết quả chất lượng cao, nhưng sẽ phải cố gắng nhiều để đạt mục tiêu trước cuối năm nay”.

Cuộc đàm phán RCEP tại Hà Nội diễn ra sau những cuộc thảo luận căng thẳng cũng tại đây vào cuối tuần vừa rồi giữa các bộ trưởng phụ trách thương mại đến từ các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đây là cuộc gặp đầu tiên của các bộ trưởng phụ trách thương mại trong APEC kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền với phương châm “nước Mỹ trên hết” và rút Mỹ ra khỏi TPP.

Bên lề hội nghị APEC, các thành viên còn lại trong TPP đã nhất trí theo đuổi thỏa thuận mà không có Mỹ. RCEP và TPP không loại trừ lẫn nhau và một số quốc gia có thể sẽ trở thành thành viên của cả hai thỏa thuận.

Tuy nhiên, sự rút lui của Mỹ đã đặt ra những hoài nghi về tương lai của TPP. Trái lại, RCEP nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, nước đang có ảnh hưởng gia tăng trong khu vực một phần do thay đổi chính sách của Mỹ và đang theo đuổi chiến lược con đường tơ lụa mới nhằm mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Thời gian qua, Trung Quốc luôn thể hiện là người đi đầu trong thúc đẩy tự do thương mại.

“Chúng ta đang ở vào giai đoạn mà điều quan trọng là tất cả chúng ta cần thể hiện quyết tâm chính trị để thúc đẩy cuộc đàm phán RCEP tiến về phía trước, đặc biệt là trong bối cảnh nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ đang trở thành xu hướng khá rõ ở một số khu vực trên thế giới”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez phát biểu.