10:36 01/11/2016

Bê bối e-mail, bước ngoặt bầu cử Mỹ?

Bình Minh

Rất có thể cuộc điều tra của FBI sẽ khiến nhiều người ủng hộ bà Clinton trước đó quyết định không đi bỏ phiếu

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, vận động tranh cử ở Michigan, ngày 31/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, vận động tranh cử ở Michigan, ngày 31/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Giới phân tích cho rằng cuộc điều tra mở rộng của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhằm vào những e-mail liên quan tới ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, có thể sẽ tạo ra một bước ngoặt mới ngay trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11.

Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump không bỏ lỡ cơ hội để làm dấy lên nỗi lo của cử tri về một cuộc khủng hoảng ở Nhà Trắng trong trường hợp bà Clinton đắc cử.

Hãng tin CNBC ngày 31/10 dẫn một báo cáo của ngân hàng Citigroup nói rằng việc FBI bất ngờ công bố tiếp tục điều tra e-mail đối với bà Clinton là một “sự ngạc nhiên tháng 10” có khả năng xoay chuyển tình thế cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trước đó, vào tháng 7, FBI đã khép lại cuộc điều tra nhằm vào việc bà Clinton sử dụng máy chủ cá nhân để trao đổi e-mail công việc trong thời gian còn giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ mà không đưa ra bất kỳ lời buộc tội nào đối với bà.

“Theo quan điểm của chúng tôi, những diễn biến này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc đua”, báo cáo của Citigroup có đoạn viết.

Nhóm phân tích chính trị toàn cầu của Citigroup do chuyên gia Tina Fordham đứng đầu cảnh báo có rủi ro lớn về những sự kiện khó lường kiểu “thiên nga đen”, chẳng hạn một vụ bê bối vỡ lở hoặc “chiến tranh thông tin”. Vì lý do này, Citigroup giảm khả năng thắng cử của bà Clinton về mức 75% từ mức 81% trước đó.

Trong một sự kiện vận động tranh cử ở bang Michigan ngày 31/10, ông Trump đã gọi bà Clinton là một “mối đe dọa” đối với đất nước, và nếu bà trở thành Tổng thống, vụ điều tra e-mail có thể phủ bóng lên toàn bộ nhiệm kỳ của bà, khiến bà chẳng thể làm được điều gì tốt đẹp.

“Cuộc điều tra này sẽ kéo dài nhiều năm. Một cuộc xét xử có thể sễ được tiến hành. Sẽ chẳng có công việc nào được hoàn thành. Tôi dám chắc rằng Michigan sẽ tiếp tục mất việc làm”, Trump nói.

Trong khi đó, bà Clinton nói bà tin rằng FBI sẽ không tìm thấy bất kỳ thứ gì có vấn đề trong những bức e-mail của bà và sẽ đưa ra kết luận tương tự như trong cuộc điều tra ban đầu.

“Sẽ không có gì đáng ngại cả”, bà Clinton nói về cuộc điều tra của FBI tại một sự kiện vận động tranh cử ở Ohio.

Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày bầu cử, và vào thời điểm này, thường thì các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cảm thấy đã hoàn tất những công đoạn vất vả nhất của tiến trình tranh cử. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm nay, đây lại chính là lúc hai ứng cử viên dồn sức để dèm pha những điểm yếu của đối phương.

Nếu như ông Trump “mất điểm” vì đoạn băng video tai tiếng trong đó ông có những lời lẽ khiếm nhã về phụ nữ, thì cuộc điều tra về e-mail của FBI cũng khiến bà Clinton tổn thất không nhỏ.

Ông Trump ngày 31/10 ra sức thuyết phục cử tri rằng việc bỏ phiếu cho bà Clinton sẽ dẫn tới “một cuộc khủng hoảng mà chúng ta không thể vượt qua nổi”.

“Tôi muốn nói với các bạn rằng, bà ta là một tấm gương xấu cho con trai út của tôi và tất cả trẻ em ở đất nước này. Hillary là một người vi phạm pháp luật hết lần này đến lần khác”, Trump nói.

Trong khi đó, bà Clinton tiếp tục nhắm vào khả năng nắm giữ vũ khí hạt nhân của đối thủ.

“Tôi đang chạy đua với một nhân vật nói rằng ông ta không hiểu vì sao chúng ta không thể dùng vũ khí hạt nhân. Ông ta muốn có thêm nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tôi tự hỏi liệu ông ta có biết rằng chỉ cần một đầu đạn hạt nhân là có thể giết chết hàng triệu người”, bà nói.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trong tuần trước, trước khi FBI công bố vụ điều tra e-mail, đã cho thấy ông Trump rút ngắn khoảng cách với bà Clinton. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vụ điều tra này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tương quan tỷ lệ ủng hộ giữa hai ứng cử viên. Đến thời điểm hiện tại, hàng triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm.

Trong cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, bà Clinton dẫn trước ông Trump 5 điểm phần trăm, nhận được sự ủng hộ của 44% cử tri, so với mức 39% dành cho ông Trump.

Các nhà phân tích của Citigroup cảnh báo rằng rất có thể cuộc điều tra của FBI sẽ khiến nhiều người ủng hộ bà Clinton trước đó quyết định không đi bỏ phiếu. Nếu điều này xảy ra, tỷ lệ phiếu mà bà Clinton nhận được có thể sụt giảm mạnh, trong khi tỷ lệ phiếu của ông Trump chưa chắc đã tăng.