06:16 06/05/2010

Bi kịch nợ công ở Hy Lạp, vì đâu nên nỗi?

Kiều Oanh

Bi kịch ngày nay của Hy Lạp một phần là do tham vọng nhất thể hóa bằng mọi giá của các nhà lãnh đạo châu Âu

Sự ra đời của đồng Euro mang nhiều màu sắc chính trị - Ảnh: Reuters.
Sự ra đời của đồng Euro mang nhiều màu sắc chính trị - Ảnh: Reuters.
Những ngày này, nguy cơ khủng hoảng nợ công của Athens có thể lan rộng sang các nước khác ở châu Âu đang khiến giới đầu tư toàn cầu như ngồi trên đống lửa.

Ở Hy Lạp, người dân ồ ạt xuống đường biểu tình phản đối những biện pháp mà chính phủ nước này đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đổi lấy gói cứu trợ 110 tỷ Euro.

Tờ New York Times cho rằng, thách thức chồng chất mà khủng hoảng nợ đem tới cho Hy Lạp nói riêng và châu Âu nói chung bắt nguồn từ ngày Athens cố công để có được địa vị thành viên của EU.

Bi kịch ngày nay của Hy Lạp, ngoài việc bắt nguồn từ thói quen tiêu “hoang” của chính phủ nước này, còn có một phần là do tham vọng nhất thể hóa bằng mọi giá của các nhà lãnh đạo châu Âu - những người bị cho là đặt vấn đề chính trị lên trên thực lực kinh tế.

Năm 1981, Hy Lạp đã vội vàng xin gia nhập Cộng đồng châu Âu (hiện nay là EU), sớm hơn các quốc gia giàu có khác như Áo, Phần Lan và Thụy Điển tới 14 năm, và sớm hơn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha 5 năm. Ở thời điểm đó, Tổng thống Pháp Francois Mitterand đã phản đối sự mở rộng của Cộng đồng châu Âu về phía Nam, vì lo ngại những quốc gia như Hy Lạp chưa đủ điều kiện gia nhập.

Tuy nhiên, những người ủng hộ chủ trương mở rộng khối đã lập luận rằng, kết nối các quốc gia bị xem là có nền dân chủ mong manh như Hy Lạp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha vào Cộng đồng châu Âu sẽ là cách tốt nhất để cải thiện nền dân chủ ở các nước này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cho rằng, việc đưa Hy Lạp, một quốc gia còn nghèo khó với khoảng cách địa lý xa xôi vào chung một “mái nhà” với các nước Tây Âu giàu có là một “sứ mệnh lịch sử” - theo lời kể của cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Yannos Papantoniou trên New York Times.

Trong thập kỷ đầu tiên là thành viên của EU, Hy Lạp đã được hưởng những khoản tài trợ hào phóng và nhờ đó vượt qua được nhiều khó khăn kinh tế - chính trị. Tới giai đoạn 1996 - 1997, khi châu Âu chuẩn bị cho ra đời một đồng tiền chung, Hy Lạp đã nhận được nhiều lời mời chào hấp dẫn, trong đó có cả những lời ca ngợi tốc độ tăng trưởng 3% khi đó của quốc gia này là phù hợp với việc sử dụng chung một đồng tiền với các quốc gia khác trong khu vực.

Đối với Athens khi đó, việc gia nhập khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) vừa là vấn đề danh dự, vừa là sự cần thiết, vì nếu Hy Lạp sử dụng đồng tiền chung, giới đầu cơ tiền tệ sẽ không thể tấn công và nền kinh tế của nước này sẽ có được sự bình ổn. Bên cạnh đó, việc tham gia “câu lạc bộ nhà giàu” Eurozone cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp.

“Ngay khi xin được gia nhập khối Eurozone, chúng tôi bắt đầu cải tổ hình ảnh của Hy Lạp từ một nước thế giới thứ ba thành một quốc gia có vẻ giống như Thụy Sỹ”, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Papantoniou hồi tưởng.

Nhưng Hy Lạp đã phải vượt vô số rào cản mới có được một ghế trong Eurozone. Ở Đức, trước những ám ảnh về siêu lạm phát trong thời chiến tranh, chính phủ nước này đòi hỏi phải đặt ra những tiêu chuẩn thật khắt khe đối với những nước muốn được dùng chung một đồng tiền với họ. Những yêu cầu này bao gồm, thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP, nợ công không quá 60% GDP, và lạm phát phải dưới mức 3%.

Vào tháng 12/1996, các quy định cho việc tham gia đồng Euro càng thêm ngặt nghèo khi một văn kiện mang tên Hiệp ước Bình ổn được thông qua. Hiệp ước này ngầm quy định, thành viên nào của Eurozone vi phạm các tiêu chuẩn về lạm chi, nợ công, lạm phát… sẽ phải chịu mức phạt nặng nề. Điều này như một chướng ngại vật quá sức đối với các nước Nam Âu, nơi vẫn bị xem là áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo hơn.

Nước Đức muốn những hình phạt này được áp dụng tự động, nhưng một số nước khác mà đi đầu là Pháp muốn các nhà lãnh đạo của EU ra quyết định. Tuy vậy, từ trước tới nay, chưa một quốc gia nào trong khối Eurozone, kể cả Hy Lạp, bị phạt, dù những quy định của khối vẫn thường xuyên bị hầu hết các nước thành viên vi phạm.

Theo New York Times, về cơ bản, sự ra đời của đồng Euro mang nhiều màu sắc chính trị - điều này đồng nghĩa với việc các quy định có thể được “uốn cong” khi quyết định nước nào được gia nhập.

Ngay ở thời điểm năm 2000, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bày tỏ sự quan ngại về tình hinh nợ của Hy Lạp và nhấn mạnh rằng, mức nợ này đã vượt xa trần quy định của Eurozone. Tuy nhiên, Hy Lạp vẫn cố gây áp lực và đã được chấp nhận vào khối Eurozone vào tháng 1/2001, sớm hơn một năm so với mục tiêu của Athens.

Khi đó, trên giấy tờ, Hy Lạp cho thấy họ đã cắt giảm được thâm hụt ngân sách. Và dù chưa giảm được nợ tới mức chuẩn, Athens đã nhấn mạnh vào tiền lệ là một số quốc gia khác như Italy và Bỉ vẫn được gia nhập Eurozone khi chưa đáp ứng được đỏi hỏi về mức nợ chính phủ. Đòi hỏi chính trị về việc giữ yên đồng Euro đã dìm sâu mọi lời chỉ trích về những hành vi “phá trần” này.

“Ở thời điểm đó, đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy, Hy Lạp đưa ra những số liệu không trung thực, đặc biệt là về thâm hụt ngân sách, nhằm đưa ra hình ảnh về tình hình tài chính công của họ ‘đẹp’ hơn thực tế. Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu đã không phản đối. Vì lý do chính trị, họ phải cho Hy Lạp tham gia đồng Euro”, Giáo sư kinh tế học Jürgen von Hagen thuộc Đại học Bonn, Đức, cho biết.

Sau đó, chính những nước “anh cả” trong Eurozone đã vi phạm các quy định về tài khóa. Vào các năm 2002, 2003, và 2004, ngay cả Đức và Pháp đã không tuân thủ được các điều khoản về thâm hụt ngân sách, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Tới năm 2004, việc Hy Lạp công bố số liệu kinh tế giả mạo đã rõ như ban ngày. EU đã mở cuộc điều tra đầu tiên nhằm vào tình trạng bội chi của Athens. Mặc dù Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) thu thập đủ bằng chứng về sự gian dối số liệu của Hy Lạp, nhưng các quan chức của châu Âu vẫn tuyên bố rằng, việc trục xuất Hy Lạp khỏi Eurozone không phải là lựa chọn của họ.

Tới giờ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Papantoniou tiếp tục khẳng định, không có chuyện Hy Lạp đánh bóng các con số thống kê, mà sự “du di” của các số liệu chẳng qua là do thay đổi các quy tắc kế toán dưới thời chính phủ trung hữu của cựu Thủ tướng Kotas Karamanlis, người lên nắm quyền ở Hy Lạp vào tháng 3/2004.

Ông Tommaso Padoa-Schioppa, nguyên là thành viên ban lãnh đạo của ECB, nhớ lại, những dấu hỏi về mức độ chính xác của các dữ liệu tài chính của Athens thời đó đã khiến nhiều quốc gia trong EU phản đối những nỗ lực nhằm tăng cường quyền giám sát cho Eurostat.

Nhưng dù Hy Lạp có tô vẽ thêm cho các con số ra sao, thì nền kinh tế của nước này vẫn nhanh chóng diễn biến theo chiều hướng từ xấu thành xấu hơn. Cựu Thủ tướng Karamanlis đã chi tiêu không tiếc tay cho Thế vận hội mùa hè Athens 2004. Chi phí an ninh cho sự kiện này cao ngất ngưởng, do những lo ngại về nguy cơ khủng bố ám ảnh suốt từ sự kiện 11/9 ở Mỹ.

Vào Eurozone, thay vì cắt giảm chi tiêu, các chính phủ ở Hy Lạp nối tiếp nhau “vung tay quá trán” và không chịu đưa ra những con số minh bạch cho tới khi mọi chuyện vỡ lở như ngày hôm nay. “Giờ Hy Lạp phải trả giá cho việc chi tiêu quá tay”, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Papantoniou buồn bã nói.

Cũng trên tờ New York Times, giáo sư kinh tế học đoạt giải Nobel, ông Paul Krugman, mới đây đã nhận định rằng, đồng Euro chính là một trở ngại đối với sự tăng trưởng của kinh tế Hy Lạp, vì việc sử dụng đồng tiền chung không cho phép Athens phá giá đồng tiền để nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.