18:18 31/07/2017

Bị Mỹ-Nhật chỉ trích chuyện Triều Tiên, Trung Quốc “phản pháo”

Bình Minh

Trung Quốc nói vấn đề Triều Tiên không đến từ Trung Quốc và tất cả các bên đều phải nỗ lực để tìm giải pháp

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sau vụ phóng thử tên lửa hôm thứ Sáu.<br>
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sau vụ phóng thử tên lửa hôm thứ Sáu.<br>
Trung Quốc ngày 31/7 đã lên tiếng đáp trả những lời chỉ trích trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông “rất thất vọng” với Bắc Kinh sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất của Bình Nhưỡng.

Hãng tin Reuters cho biết, Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ thái độ với những lời chỉ trích của Mỹ và Nhật nói rằng Bắc Kinh cần nỗ lực hơn nữa trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng. Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, nhưng nước này dường như cũng không hài lòng với những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng.

Vụ thử tên lửa vào nửa đêm ngày thứ Sáu tuần trước của Triều Tiên đã vấp phải sự cảnh báo mạnh từ Tổng thống Trump. Đến sáng thứ Hai, 31/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc điện đàm với ông Trump về vấn đề Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sự về sự cần thiết phải có thêm hành động đối với Bình Nhưỡng.

Một tuyên bố của Nhà Trắng sau cuộc điện đàm cho biết ông Trump và ông Abe “đã nhất trí rằng Triều Tiên đặt ra nguy cơ trực tiếp ngày càng lớn đối với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước xa gần”. Tuyên bố nói Tổng thống Mỹ “tái khẳng định cam kết không thể lay chuyển” của Washington trong việc bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc trước bất kỳ vụ tấn công nào “bằng tất cả khả năng của Mỹ”.

Trước đó, vào hôm thứ Bảy, Trump viết trên Twitter rằng ông “rất thất vọng” về Trung Quốc, rằng Bắc Kinh hưởng lợi từ thương mại với Mỹ nhưng chẳng làm gì giúp Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Ông cũng nêu sẽ không để việc này tiếp diễn.

Trong một tuyên bố nhằm đáp trả dòng trạng thái trên của Tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vấn đề hạt nhân Triều Tiên không phải do Trung Quốc mà ra, và các bên cùng hợp tác để tìm giải pháp.

“Tất cả các bên cần hiểu chính xác về vấn đề này”, tuyên bố nói, đồng thời khẳng định cộng đồng quốc tế đã công nhận những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên.

Tuyên bố cũng nói bản chất của quan hệ thương mại Trung-Mỹ là đôi bên cùng có lợi, rằng rất nhiều chứng cứ thực tế cho thấy sự phát triển lành mạnh của kinh doanh và quan hệ thương mại là tốt cho cả hai nước.

Tương tự, trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Qian Keming nói không hề có mối liên hệ nào giữa vấn đề Triều Tiên và quan hệ thương mại Trung-Mỹ.

“Chúng tôi cho rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thương mại Trung-Mỹ là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng liên quan gì cả. Hai vấn đề này không nên được đem ra bàn cùng nhau”, ông Qian nói.

Sau cuộc điện đàm với ông Trump, ông Abe thừa nhận rằng những nỗ lực liên tiếp của cộng đồng quốc tế nhằm tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên vẫn chưa mang lại kết quả trong bối cảnh những hành động đơn phương đẩy căng thẳng leo thang của Bình Nhưỡng. “Cộng đồng quốc tế, bao gồm Nga và Trung Quốc, cần xem xét vấn đề này thật nghiêm túc và gia tăng sức ép”, ông Abe nói.

Thủ tướng Nhật cũng cho biết Tokyo và Washington sẽ có những bước tiến tới hành động cương quyết với Triều Tiên, nhưng không cho biết chi tiết.

Một phát ngôn viên nội các Nhật Bản nói ông Abe và ông Trump không bàn về hành động quân sự đối với Triều Tiên hay một “giới hạn đỏ” nào đặt ra với Bình Nhưỡng.

“Bình Nhưỡng quyết tâm phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, và không hề quan tâm đến những lời đe dọa quân sự từ Mỹ và Hàn Quốc”, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc viết ngày thứ Hai. “Làm thế nào để lệnh trừng phạt của Trung Quốc có thể thay đổi tình hình này? Để thực hiện được mục tiêu như vậy, Bắc Kinh cần sự hợp tác từ Nhà Trắng, thay vì sự chỉ trích đổ vào Trung Quốc vì thất bại của Mỹ”.