10:10 13/06/2008

Bức tranh màu xám của hàng không

Từ Lương

Hàng loạt các hãng hàng không truyền thống của Mỹ đang phải chật vật đối phó với giá nhiên liệu tăng cao

Ngành hàng không đang vật lộn với giá dầu cao.
Ngành hàng không đang vật lộn với giá dầu cao.
Giá nhiên liệu tăng cao chưa từng có trong lịch sử, khiến Liên minh các hãng hàng không SkyTeam gọi đây là “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất” kể từ sự kiện 11/9/2001.

Tại Mỹ, ít nhất đã có tới 5 hãng hàng không phá sản kể từ tháng 3/2008, đó là Aloha Airlines, Champion Air, ATA Airlines, Skybus Airlines và EoS.

Hàng loạt các hãng hàng không lớn của Mỹ đã đua nhau tăng giá vé như Delta Air Lines, American Airlines, Continental Airlines, thậm chí có hãng đã nhiều lần nâng giá vé như United Airlines. Hãng này đã tăng giá lên 50 USD/vé khứ hồi đối với các chuyến bay nội địa dài hơn 2.000 km. Hãng hàng không Alitalia (Italia) đang đứng bên bờ vực phá sản và cần tới sự ứng cứu của Chính phủ. Hãng hàng không giá rẻ EasyJet lớn nhất của Anh cho biết, mức thua lỗ của hãng tăng lên gấp đôi trong 6 tháng qua.

United Airlines (UA) và Airways hoãn kế hoạch sáp nhập để củng cố bản thân mỗi hãng, cho dù việc sáp nhập mang lại khoản tiền 1 tỷ USD doanh thu chung nhờ hiệu quả hoạt động và cắt giảm chi phí. Sauthwest Airlines, hãng hàng không giá rẻ khổng lồ của Mỹ cũng cho rằng độc lập kinh doanh lúc này được ưu tiên hơn xúc tiến kế hoạch sáp nhập.

Hàng loạt các hãng hàng không truyền thống của Mỹ đang phải chật vật đối phó với giá nhiên liệu tăng cao bằng cách cắt giảm tải cung ứng, thu hẹp đội bay, cắt giảm nhân công. Danh sách này đang tăng lên không ngừng.

Do sức ép cạnh tranh, nên không thể tiếp tục tăng giá vé theo mức tăng của giá nhiên liệu, nhiều hãng hàng không phải giảm thiểu các chuyến bay không hiệu quả cùng các biện pháp khác. Tháng 4/2008, Northwest Airlines tuyên bố sẽ bắt đầu giảm 5% ghế cung ứng nội địa vào thời điểm mùa du lịch hè kết thúc.American Airlines (AA) nỗ lực thực hiện kế hoạch cắt giảm hoạt động, dẫn đến khả năng phải sa thải hàng nghìn nhân viên và đóng cửa các cơ sở kinh doanh.

Continental Airlines tuyên bố cắt giảm 11% lượng ghế cung ứng trên các đường bay nội địa trong quý 4, đồng thời sẽ điều chỉnh một số dịch vụ bắt đầu từ tháng 9/2008. Continental đang lên kế hoạch thay thế các máy bay nhỏ thuộc chủng loại cũ bằng các máy bay hiện đại hơn. Đội bay của hãng sẽ “sạch bóng” B737-300 vào thời điểm cuối năm 2009.

Đầu tháng 6/2008, United Airlines (UA) cho biết, sẽ cắt giảm khoảng 100 chiếc máy bay (25%), chủ yếu là Boeing 737, 747, cả 2 loại này đều có mức tiêu hao nhiên liệu rất cao. Một động thái đáng chú ý khác của UA là hãng buộc phải huỷ bỏ sản phẩm lợi nhuận thấp và thay đổi cấu hình ghế trên 56 chiếc Airbus 320. UA sẽ cắt giảm 1.400-1.600 nhân viên vào cuối năm 2008, so với 500 người công bố trước đó.

Northwest Airlines cho biết, hãng đang cân nhắc khả năng cắt giảm thêm 15-20 máy bay. Ngay trong tháng này, 2 chiếc DC-9 sẽ bị đưa ra khỏi đội bay.

Thai Airway International sẽ tạm dừng các chuyến bay thẳng từ Bangkok đến New York từ 1/7/2008 và giảm tần suất tới Los Angeles từ 7 chuyến/tuần xuống 5 chuyến/tuần. Hãng cũng đang có kế hoạch dừng đường bay thẳng tới Los Angeles vào cuối năm nay. Nếu giá xăng dầu giảm, hãng sẽ xem xét nối lại các đường bay thẳng này.

Để giảm thua lỗ, từ tháng 6 đến giữa tháng 7/2008, Korean Air tạm thời cắt giảm dịch vụ khách hàng trên 5 đường bay quốc tế: Busan-Xian; Cheongju - Thượng Hải; Daegu – Bắc Kinh; Seoul – Sanya; Busan – Hà Nội. Ngoài ra, hãng cũng cắt giảm tần suất trên các đường bay: Seoul tới Cebu, Dallas, Guam, Jinan, Las Vegas, Oita, Siem Riep và Tianjin. Đối với những đường bay còn lại, hãng sẽ sử dụng máy bay loại nhỏ hơn (không khai thác bằng B 747-400).

Châu Á là thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, sự phá sản của Oasis, hãng hàng không ra đời năm 2006 và từng được xem là hãng hàng không giá rẻ kiểu mẫu thành công nhất châu Á, ngày 9/4 vừa qua, đã cho thấy các hãng hàng không trên khắp thế giới đang đối mặt với sức ép nặng nề chưa từng có.

Tổng giám đốc IATA cho biết: “Việc giá xăng dầu tăng cao tác động đến các hãng hàng không giá rẻ nhiều hơn các hãng hàng không truyền thống, vì chi phí xăng dầu của các hãng hàng không giá rẻ chiếm 35% tổng chi phí, trong khi con số đó của một số hãng hàng không lớn năm 2007 là 29%. IATA sẽ nỗ lực tối đa để hỗ trợ các hãng hàng không thành viên, nhất là hàng không giá rẻ, để hạn chế thấp nhất thua lỗ, thậm chí có nguy cơ phá sản”.