09:17 06/04/2007

Buôn thuốc giả nhộn nhịp hơn buôn ma túy

Nguyễn Thế Nghiệp

Lợi nhuận khổng lồ là động cơ thúc đẩy hoạt động sản xuất và buôn bán thuốc giả trên khắp nơi trên thế giới

Tại một số nước ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, tới 30% lượng thuốc bán ra là thuốc giả.
Tại một số nước ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, tới 30% lượng thuốc bán ra là thuốc giả.
Doanh thu ngành dược phẩm toàn cầu tăng mạnh hàng năm, riêng năm 2006 tăng 7% lên 643 tỷ USD. Tại Mỹ, doanh số bán thuốc theo đơn tăng 8,3%, đạt 274,9 tỷ USD.

Mức tăng trưởng doanh thu ngành dược phẩm đang chuyển mạnh sang các thị trường mới nổi.

Muray Aiken, Phó giám đốc phụ trách chiến lược phát triển của IMS Health cho biết doanh số bán dược phẩm ở Mỹ Latinh tăng 12,9% lên 27,5 tỷ USD, doanh số bán dược phẩm ở châu Âu tăng 4,8% lên 181,8 tỷ USD.

Doanh thu nhóm thuốc giảm colesteron đứng đầu bảng, đạt 35,2 tỷ USD, tăng 7,5%. Nhóm thuốc điều trị bệnh ung thư ngày càng nhiều, doanh thu tăng 20,5% lên 34,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 2.

Doanh thu bán các loại thuốc hạn chế quá trình tăng axit trong dạ dày chỉ tăng 3,9% lên 24,1 tỷ USD .

Giá thuốc ngày càng tăng, kinh doanh thuốc kiếm lời cao, cơ hội để bọn người xấu sản xuất khối lượng lớn thuốc giả tung ra thị trường, đe dọa tính mạng hàng trăm triệu người trên thế giới. Thuốc giả đang tràn ngập tại nhiều quốc gia, nhất là ở những nước đang phát triển.

Thống kê mới nhất của Lực lượng đặc nhiệm quốc tế chống thuốc giả (IMPACT) cho biết đã có tới 1% lượng thuốc giả bán ra tại các nước phát triển và có tới 10% lượng thuốc giả bán ra tại các nước đang phát triển.

Tại một số nước ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, tới 30% lượng thuốc bán ra là thuốc giả; tại các nước thuộc Liên Xô cũ, thuốc giả chiếm tới hơn 20% trên thị trường.

Trong báo cáo hàng năm, Tổ chức Kiểm soát chất gây nghiện quốc tế cho biết phần lớn các loại tân dược giả có chứa chất gây nghiện, an thần, giảm đau và gây chán ăn.

Nguyên nhân của tình trạng này là sự lạm dụng các loại thuốc gây nghiện đang ngày càng gia tăng ở các nước đang phát triển, nhất là tại Ấn Độ, Brazil, Nigeria... Thuốc giả rao bán công khai ngoài chợ cùng với các loại thuốc nhái nhãn mác và thuốc quá hạn sử dụng.

Buôn bán thuốc giả còn được thực hiện qua đường bưu điện và trên mạng Internet. Có tới hàng chục nghìn cửa hàng bán thuốc qua mạng trái phép, chiếm tới 90% doanh thu bán thuốc giả qua mạng. Công nghệ làm thuốc giả rất tinh vi, làm cho biện pháp chống nạn thuốc giả trong 40 năm qua cũng khó phát huy tác dụng.

Dự báo, nạn buôn bán thuốc giả có thể sẽ phát triển hơn cả buôn bán ma tuý. Tổ chức Kiểm soát chất gây nghiện quốc tế khuyến cáo các nước, nhất là các nước đang phát triển cần có biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường tân dược trong nước.

Tiến sĩ Howard Zucker, quan chức phụ trách kỹ thuật y tế thuộc WHO, Chủ tịch IMPACT nhấn mạnh sự bức thiết của kỹ thuật ngành dược phải tìm ra những biện pháp mới để kiểm tra, phát hiện sớm thuốc giả. Đã có 20 công ty kỹ thuật lớn trên thế giới hưởng ứng lời kêu gọi của WHO tham gia lực lượng đặc nhiệm quốc tế chống sản xuất và kinh doanh thuốc giả.

Ông cho biết hiện nay trên thế giới đã và đang phát triển những kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp nhằm chống thuốc giả, kể cả kỹ thuật dùng mực in hoá học không nhìn thấy bằng mắt thường.

Một số hãng sản xuất thuốc đã sử dụng hệ thống theo dõi ký hiệu và kiểm tra nguồn gốc thuốc bằng sóng radio (RFID), rất tốn kém nhưng cũng không thể ngăn chặn triệt để tệ nạn này.

IMPACT cho rằng cần kết hợp sử dụng kỹ thuật cao với các biện pháp khác, như ban hành luật pháp nghiêm minh, trừng trị mạnh những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc giả, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan y tế, không để bọn người xấu thao túng thuốc giả, thuốc quá hạn sử dụng trên thị trường.

Một động thái đang được dư luận quan tâm là cuộc tranh cãi về giá thuốc và bản quyền giữa các hãng sản xuất thuốc và những người cần sử dụng thuốc.

WHO họp hội nghị 5 ngày tại Geneva (Thụy Sĩ) có đại biểu của 193 nước thành viên tham dự đã thảo luận về nguyên nhân đẩy giá thuốc lên cao và tìm giải pháp tạo cơ hội cho người nghèo nhất cũng có thể dùng thuốc khi cần thiết.

Báo cáo của WHO cho rằng hệ thống giá cả, thị trường và sản xuất thuốc hiện nay còn bất hợp lý, nguyên nhân làm cho giá thuốc tăng cao. Nhiều nước đang phát triển cho rằng vấn đề bảo vệ quyền sáng chế và phát minh đang làm cho các loại thuốc đặc trị bảo vệ mạng sống con người trở nên khó tiếp cận, cần có những thay đổi lớn đối với hệ thống quyền sở hữu trí tuệ.

Nhưng các công ty sản xuất dược phẩm nói việc bảo vệ quyền sáng chế và sở hữu trí tuệ là vấn đề thiết yếu để đầu tư nghiên cứu sản xuất thuốc.

Nhiều quốc gia ở châu Á đã tự giành quyền sản xuất thuốc phiên bản để chống lại sự độc quyền của các tập đoàn dược phẩm lớn.

Ngày 26/3, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Philippe Douste Blazy lên tiếng ủng hộ Thái Lan khi nước này quyết định nhập khẩu thuốc phiên bản điều trị AIDS, cho dù các loại thuốc này vẫn thuộc quyền sở hữu và kinh doanh của các tập đoàn tân dược quốc tế.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Mongkol Songkhala đã cho phép các công ty dược quốc gia sản xuất 2 loại thuốc phòng, chống HIV/AIDS vẫn được bảo hộ và tiếp tục cho phép các công ty dược phẩm trong nước nhập khẩu thuốc phiên bản Kaletra thuộc quyền sở hữu và kinh doanh của Tập đoàn Abbott (Mỹ).

Với các quyết định này, Thái Lan là nước đang phát triển đầu tiên áp dụng thoả thuận của WTO về “Giấy phép bắt buộc”, theo đó cho phép các nước nghèo có quyền được có các công thức sản xuất thuốc chống virus, giúp làm giảm giá thuốc, tạo điều kiện chữa bệnh cho người bệnh bị các căn bệnh nguy hiểm như AIDS, ung thư và tim mạch.