11:43 16/05/2011

Cái “bóng” Trung Quốc sau cơn chao đảo giá bạc

Hồng Ngọc

Tờ Financial Times nhận định, có bóng dáng nhà đầu cơ Trung Quốc phía sau việc giá kim loại bạc hết tăng lại giảm vừa qua

Thị trường bạc tăng giảm là do nhà đầu cơ Trung Quốc?
Thị trường bạc tăng giảm là do nhà đầu cơ Trung Quốc?
Tờ Financial Times cuối tuần trước cho biết, có bóng dáng của các nhà đầu cơ Trung Quốc phía sau việc giá kim loại bạc trên thị trường quốc tế vừa qua hết tăng vùn vụt rồi lại giảm liên hồi.

Báo trên cho biết, từ tháng 8/2010 tới thời điểm hai tuần trước, giá bạc đã vọt tăng tới 175%, mức cao nhất lên tới gần 50 USD/ounce. Sau đó, giá kim loại này bắt đầu lao dốc tới 35% và cho đến ngày 12/5 thì chỉ còn hơn 32 USD/ounce. Nhiều nhà đầu tư đã sợ hãi, gọi đây là "thứ kim loại ma quỷ".

Chỉ tính riêng hôm 25/4, Quỹ đầu tư tín thác bằng bạc lớn nhất thế giới là iShare Silver Trust đã mua vào tổng cộng 468,49 tấn bạc, lên mức kỷ lục 11.390,06 tấn, nâng lượng bạc nắm giữ của quỹ tăng 4,8% so với đầu năm, trái ngược với sự sụt giảm cùng mức về lượng vàng nắm giữ của các quỹ đầu tư vàng.

Trong giai đoạn này, theo số liệu của trung tâm giao dịch kim loại quý chủ yếu của Trung Quốc, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, lượng giao dịch bạc tăng theo chiều thẳng đứng. Từ đầu năm nay tới ngày 26/4 đã tăng 283,7 lần, đạt đỉnh khối lượng giao dịch 70 triệu ounce.

So với cùng kỳ, chỉ số rủi ro về các hợp đồng chưa thực hiện đối với các nhà đầu tư đã tăng gấp đôi. Chiến lược gia kim loại quý Edel Tully của ngân hàng Thụy Sỹ UBS cho rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc là nhân tố chủ chốt đứng đằng sau sự leo thang của giá bạc, đặc biệt là trong tháng 4/2011.

Việc giá bạc tăng mạnh đã thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, từ Trung Quốc, Ấn Độ và tới cả nước Mỹ, nơi những người dân đã coi bạc là lựa chọn đầu tư thay thế hợp lý. Nhà đầu tư và giới phân tích liên tục đưa ra cách giải thích về tốc độ tăng giá và quy mô tiêu thụ bạc.

Philip Klapwijk, Giám đốc công ty tư vấn kim loại hàng đầu thế giới GFMS cho rằng, bạc đang có nhu cầu lớn và không dễ giảm trong ngắn hoặc trung hạn. Ông kỳ vọng nhu cầu công nghiệp sẽ đẩy bạc lên mức kỷ lục mới trong năm nay.

“Đó là chiến thắng rõ ràng của công nghệ mới trong vòng 10 – 15 năm qua. Dù rằng bạc đã mất đất trong nhiếp ảnh, nhưng lại phát huy vai trò của mình trong các ngành công nghiệp khác”, ông nói. Bạc được sử dụng làm từ đồ trang sức, lọc nước, nhiếp ảnh… cho đến máy tính và điện thoại di động.

Còn Ronald Leung, giám đốc một công ty giao dịch vàng bạc ở Hồng Kông cho biết, “giờ đây cả thế giới mua bạc, chứ không phải chỉ có một vài cá nhân nhỏ lẻ”. Bởi vậy, ông tin tưởng những gì đã xảy ra với năm 1980 sẽ không lặp lại trong năm nay.

Khi ấy, giá bạc tăng liên tục, từ mức 11 USD/ounce cuối năm 1979 lên trên 50 USD/ounce vào tháng 1/1980, nhưng chỉ hai tháng sau, giá bạc lao dốc không phanh, xuống còn 11 USD/ounce

Với Pankaj Kumar Agarwal, giám đốc hãng bán buôn trang sức và kim loại quý Brijwasi Bullion and Jewellers Ltd, nhà đầu tư đang tìm mua bạc nhiều hơn các tài sản khác. Ông có thể bán được 5 tấn bạc trong mỗi 2 – 4 ngày, so với mức 4 – 5 tấn bán trung bình mỗi tháng trước đây.

Giới chủ ngân hàng cho biết, khối lượng giao dịch bạc ở thị trường Thượng Hải vẫn thấp hơn hai trung tâm giao dịch quốc tế lớn là London và New York. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng trong giao dịch bạc ở Thượng Hải cũng có nghĩa tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường này trong việc thúc đẩy nâng giá.

Tháng 4/2011, các hợp đồng bán bạc giao sau tại thị trường New York đã đạt mức thanh khoản kỷ lục với 700 triệu ounce giao dịch mỗi ngày.

Một ông chủ ngân hàng có thâm niên kinh doanh kim loại quý đã cho biết, ông gần như tin chắc là các nhà đầu tư bán lẻ của Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng giá bạc này. Ông nói, hoạt động đầu cơ của Trung Quốc rất nhộn nhịp. "Họ rất nhiệt tình với điều này".

Theo chiến lược gia Tully, cùng với sự tụt dốc của giá bạc, tuần trước các nhà đầu tư Trung Quốc đã giảm mạnh lượng bạc nắm giữ. Tuy nhiên, đầu tuần này, họ đã trở lại thị trường và làm thị trường tạm thời bật lại.

"Cũng giống như lúc giá bạc leo thang, đằng sau sự tụt dốc của giá bạc, người ta thấy rất rõ hình bóng của các tổ chức đầu tư Trung Quốc", bà Tully nói. Và việc người Trung Quốc liệu có tiếp tục mua bạc, theo bà, "sẽ trở thành nhân tố quyết định chính việc giá bạc có vượt ngưỡng 50 USD/ounce hay không".

Tuần trước, giá bạc giảm mạnh đã làm giá các loại hàng hóa cơ bản toàn cầu trượt tới 10%, gây ra lo lắng về khả năng kết thúc của thị trường hàng hóa cơ bản sau 2 năm phồn vinh. Nhưng CEO Ivan Glasenberg của hãng Glencore, cho rằng việc bạc sụt giá chỉ là để loại bỏ bong bóng khỏi thị trường, còn cơ bản, cung cầu bạc vẫn mạnh.