13:05 05/04/2010

Căng thẳng tiền tệ Mỹ - Trung giảm nhiệt

Mai Phương

Chính quyền Obama cho biết sẽ hoãn việc ra quyết định có hay không xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá đồng nội tệ

Mỹ muốn giải quyết mâu thuẫn tiền tệ với Trung Quốc bằng con đường ngoại giao - Ảnh: Getty.
Mỹ muốn giải quyết mâu thuẫn tiền tệ với Trung Quốc bằng con đường ngoại giao - Ảnh: Getty.
Chính quyền Mỹ cho biết sẽ hoãn ra quyết định về việc có coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá đồng nội tệ hay không. Tuy nhiên, Washington khẳng định tiếp tục gây sức ép với Bắc Kinh xung quanh vấn đề tỷ giá trong một loạt cuộc họp từ nay tới tháng 6/2010.

Theo New York Times, quyết định trên được Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 3/4. Tờ báo này nhận định, đây có thể coi là một thông điệp mang tính trấn an đối với cả Trung Quốc và các nhà làm luật Mỹ.

Động thái của Bộ Tài chính cho thấy, Mỹ muốn giải quyết mâu thuẫn xung quanh vấn đề tiền tệ bằng con đường ngoại giao, đồng thời vẫn tiếp tục gây áp lực buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách tỷ giá như mong muốn của đa số nghị sỹ Quốc hội.

“Chính sách tỷ giá kém linh hoạt của Trung Quốc đã khiến các nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn trong việc nâng tỷ giá đồng tiền của nước họ. Nếu Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỷ giá theo hướng thị trường hơn thì sẽ đóng góp tích cực cho cân bằng hoạt động thương mại toàn cầu”, New York Times trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Timothy Geithner.

Trong tuyên bố này, ông Geithner cho hay, ông đã quyết định hoãn trình báo cáo định kỳ một năm hai lần về vấn đề tỷ giá lên Quốc hội Mỹ. Theo dự kiến ban đầu, báo cáo trên sẽ được gửi lên các nhà làm luật Mỹ vào ngày 15/4 tới và rất có khả năng bản báo cáo sẽ công bố Trung Quốc là quốc gia thực hiện chính sách thao túng tỷ giá.

Mặc dù trì hoãn báo cáo, nhưng ông Geithner vẫn khẳng định, nước Mỹ tin là Trung Quốc đang cố tình định giá thấp tỷ giá đồng Nhân dân tệ để làm lợi cho các nhà xuất khẩu. Trong khoảng thời gian 2005-2008, Trung Quốc đã nâng tỷ giá nội tệ, nhưng sau đó là tiếp tục áp dụng chính sách tỷ giá gần như cố định. Khi khủng hoảng và suy thoái toàn cầu nổ ra, các doanh nghiệp của Trung Quốc đã được lợi từ chính sách tỷ giá đó.

New York Times cho biết, ông Geithner cam kết sẽ đưa vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ ra bàn thảo tại một loạt cuộc gặp gỡ sắp diễn ra, bao gồm: Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 trong tháng 4; Đối thoại thường niên về chiến lược và kinh tế song phương diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 5; và một cuộc họp của các nhà lãnh đạo và bộ trưởng tài chính G20 trong tháng 6.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, các hội nghị này sẽ là “nơi tốt nhất để thúc đẩy các lợi ích của nước Mỹ vào thời điểm hiện nay”.

Căng thẳng trong quan hệ kinh tế Trung - Mỹ gần đây đã lắng dịu hơn. Hôm 1/4, phía Trung Quốc cho hay, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh về vấn đề an ninh hạt nhân diễn ra tại Washington vào tháng này.

Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, đồng Nhân dân tệ hiện đang bị định giá thấp hơn giá trị thực tới 40%. Một số nhà kinh tế kỳ vọng, Trung Quốc sắp tới sẽ tự động điều chỉnh chính sách tỷ giá, vì việc chính quyền Mỹ trì hoãn báo cáo thường kỳ về vấn đề tỷ giá có thể là một nỗ lực để cho Trung Quốc thời gian làm việc này.

Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã lên tiếng thúc giục Chính phủ nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc vì vấn đề tỷ giá. Các nhà làm luật thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ việc áp dụng các biện pháp này.

Theo New York Times, trong nội bộ Chính phủ Trung Quốc gần đây đã xuất hiện một số bất đồng quanh vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho thấy sẽ nâng dần tỷ giá, nhưng Bộ Thương mại nước này lại muốn duy trì mức tỷ giá hiện tại.