10:50 02/09/2014

Châu Âu “phát sốt” vì Nga có thể cắt khí đốt

An Huy

EU đang lên kế hoạch khẩn cấp cho trường hợp bị Nga cắt khí đốt trong mùa đông năm nay

Các phần tử nổi dậy Ukraine đang sửa một xe tăng do quân chính phủ bỏ lại ở Komsomolske, gần Donetsk - Ảnh: AFP/Getty/Bloomberg.<br>
Các phần tử nổi dậy Ukraine đang sửa một xe tăng do quân chính phủ bỏ lại ở Komsomolske, gần Donetsk - Ảnh: AFP/Getty/Bloomberg.<br>
Theo tin từ Reuters, một nguồn tin thân cận tiết lộ rằng, Liên minh Châu Âu (EU) có thể cấm xuất khẩu khí đốt và hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu này cho hoạt động công nghiệp như một phần trong kế hoạch khẩn cấp nhằm đảm bảo nguồn nhiên liệu trong mùa đông năm nay.

Động thái này cho thấy, EU đang rất lo ngại trước khả năng bị Nga cắt khí đốt trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang.

Nga là nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu đối với các nguồn năng lượng quan trọng là dầu lửa, than đá và khí đốt. Các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu chủ yếu chạy qua lãnh thổ Ukraine và EU lo ngại, hệ thống này sẽ bị Moscow sử dụng như một “con bài chính trị” khi mà Nga và phương Tây đối đầu gay gắt trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Tuần trước, Kiev cảnh báo, Nga có kế hoạch cắt khí đốt cho châu Âu, trong khi Moscow đáp trả bằng nhận định rằng, Ukraine có thể “câu trộm” khí đốt từ các đường ống dẫn khí sang châu Âu. Hiện nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Ukraine đã bị cắt do hai bên không thống nhất được về vấn đề giá cả.

Mấy ngày qua, khi chiến sự ở miền Đông Ukraine leo thang mà phương Tây cho là do Nga tăng cường hỗ trợ quân nổi dậy, EU đã cảnh báo tăng cường trừng phạt Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin không thay đổi lập trường. Trong bối cảnh như vậy, khả năng Nga cắt khí đốt để trả đũa châu Âu càng gia tăng. Nếu bị cắt nguồn cung dầu lửa và than từ Nga, các khách hàng châu Âu có thể tìm nguồn cung mới khá nhanh chóng, nhưng các nước Đông Nam châu Âu nhập khí đốt chủ yếu từ tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga nên việc tìm nguồn cung mới không hề dễ dàng.

Tàu chở dầu từ Qatar và Algeria vẫn chở khí hóa lỏng tới châu Âu qua các cảng dọc theo bờ Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, các khách mua châu Âu thường bán lại những lô hàng này này cho khách nước ngoài để thu về mức giá cao hơn thay vì cung cấp cho thị trường nội địa.

Một nguồn tin thuộc Ủy ban châu Âu (EC) nói với Reuters rằng, cơ quan này đang cân nhắc ban hành lệnh cấm hoạt động bán lại khí đốt trên nhằm tăng mức dự trữ khí đốt của châu Âu. “Trước mắt, chúng tôi đang rất lo ngại về nguồn cung khí đốt trong mùa đông cho khu vực Đông Nam châu Âu”, vị này nói. “Trong trường hợp nguồn cung từ Nga bất ngờ bị cắt, chúng tôi hy vọng sẽ dừng được hoạt động tái xuất khẩu khí đốt của châu Âu và hạn chế sử dụng khí đốt cho công nghiệp để bảo vệ nguồn cung cho các hộ gia đình”.

Tuần trước, cao ủy châu Âu về năng lượng Guenther Oettinger nói rằng, EU đang chuẩn bị một “kế hoạch B” để bảo vệ nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra. Trong khi đó, Hungary, quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu Nga cắt khí đốt, cho biết đang theo dõi sát sự cần thiết phải tăng hơn nữa dự trữ chiến lược khí đốt.

Việc cắt giảm sử dụng khí đốt trong công nghiệp có thể sẽ làm tổn thương tới nền kinh tế vốn dĩ đang tăng trưởng mong manh của châu Âu. Biện pháp cấm các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu tái xuất khẩu khí đốt cũng làm cho doanh thu và lợi nhuận của các công ty này thêm phần ảm đạm.

Và dù châu Âu có nỗ lực ra sao, thì theo các chuyên gia, khu vực này vẫn sẽ chật vật nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt. Từ tháng 7 tới nay, giá khí đốt đã tăng 35% vì mối đe dọa này.
Nga đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu dầu lửa, than và khí đốt của châu Âu - theo số liệu của EU. Đổi lại, xuất khẩu các loại nhiên liệu này sang châu Âu mang về cho Nga 250 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 2/3 nguồn thu của Chính phủ Nga.

Trong 1 thập kỷ qua, Nga đã từng ba lần cắt khí đốt sang Ukraine, vào năm 2006, 2009 và từ tháng 6 năm nay, do bất đồng về giá cả với Kiev. Tuy vậy, sau khi cắt khí đốt cho Ukraine từ tháng vừa qua, Nga vẫn duy trì cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Tập đoàn Gazprom của Nga khẳng định là một nhà cung cấp đáng tin cậy, rằng những vụ gián đoạn nguồn cung từng xảy ra chỉ là do Ukraine tự tiện “câu” khí đốt lẽ ra dành cho châu Âu.

Các nhà phân tích dự báo rằng, ảnh hưởng của một động thái cắt khí đốt tiếp theo của Nga sẽ gây ra lớn hơn nhiều so với những lần cắt trước. “Chúng tôi tin rằng tình hình Ukraine sẽ không được giải quyết trước khi xảy ra sự gián đoạn nguồn cung khí đốt. Và giá khí đốt sẽ tăng mạnh”, ngân hàng Pháp Societe General viết trong một báo cáo.

Trong một diễn biến khác, quân chính phủ Ukraine hôm qua (1/9) đã chuyển từ tấn công quân nổi dậy ở miền Đông sang phòng thủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Valeriy Hetetey nói, quân đội nước này sẽ dừng hoạt động trấn áp quân nổi dậy, thay vào đó chuyển sang một chiến lược phòng thủ trước cái mà ông gọi là “cuộc xâm lấn toàn diện” của quân Nga.

Theo tờ Wall Street Journal, tuyên bố đánh dấu sự thay đổi chiến thuật mạnh mẽ này của Kiev được đưa ra sau khi một cuộc gặp ba bên ở thủ đô Minsk của Belarus giữa Kiev, Moscow và quân nổi dậy kết thúc mà không có kết quả cụ thể nào ngoài việc các bên nhất trí sẽ gặp lại vào ngày thứ Sáu tuần này.