18:21 20/10/2009

Chủ tịch FED đề cao kinh tế châu Á

Kiều Oanh

Chủ tịch FED Ben Bernanke cho rằng, các quốc gia châu Á đang là đầu tàu kéo kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái

Theo ông Bernanke, châu Á đã phục hồi khỏi suy thoái với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của thế giới và thu được tốc độ tăng trưởng ấn tượng - Ảnh: Getty Images.
Theo ông Bernanke, châu Á đã phục hồi khỏi suy thoái với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của thế giới và thu được tốc độ tăng trưởng ấn tượng - Ảnh: Getty Images.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho rằng, các quốc gia châu Á đang là đầu tàu kéo kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái, nhưng cũng cảnh báo rằng cả Mỹ và châu Á cần phải hành động nhiều hơn nữa để giảm những mất cân đối thương mại toàn cầu.

Nhận định trên được ông Bernanke đưa ra trong một hội thảo về châu Á do FED tổ chức tại San Francisco, Mỹ, vào ngày 19/10. Tại hội thảo này, ông Bernanke nói rằng, châu Á đã phục hồi khỏi suy thoái với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của thế giới và thu được tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

"Châu Á có vẻ như đang dẫn đầu sự phục hồi kinh tế toàn cầu", Chủ tịch FED phát biểu. Ông nhấn mạnh rằng, kinh tế khu vực này nói chung đã tăng trưởng với tốc độ 9% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó một số nước như Trung Quốc, có tốc độ tăng trưởng trên 10%.

Tuy nhiên, ông Bernanke cũng cảnh báo rằng, mất cân đối thương mại khổng lồ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới đã đóng vai trò chính trong cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này, và những mất cân đối này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự nữa.

"Chúng ta đã tự mãn", ông Bernanke nhận định khi nhận định về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ về những dòng vốn giá rẻ khổng lồ từ các quốc gia như Trung Quốc chảy vào nước này. Theo ông, bản thân những dòng vốn khổng lồ từ bên ngoài không phải là một vấn đề lớn, nhưng hệ thống giám sát tài chính của Mỹ "còn thiếu sót" để có thẻ ngăn chặn được sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động cho vay bất cẩn - nguyên nhân dẫn tới thời kỳ bong bóng vừa qua trên thị trường nhà đất.

Những nhận định của ông Bernanke lần này gần như đối lập hoàn toàn với những tuyên bố của ông trước khi bong bóng nổ tung trên thị trường địa ốc Mỹ. Khi đó, ông cho rằng, lý do chủ yếu dẫn tới lượng nợ nước ngoài tăng vọt của Mỹ chẳng liên quan gì nhiều tới việc người Mỹ thích chi tiêu kiểu "vung tay quá trán", mà là sự thừa mứa tiết kiệm tại các quốc gia khác.

Trong hội thảo ngày 19/10, ông Bernanke đồng quan điểm với tuyên bố của các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) trong cuộc họp tháng trước, cho rằng nước Mỹ cần khắc phục những vấn đề tài khóa của mình, còn các nước châu Á cần giảm bớt sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào hoạt động xuất khẩu.

"Nước Mỹ cần tăng tỷ lệ dự trữ quốc gia. Cách hiệu quả nhất để đạt mục tiêu này là thiết lập một quỹ đạo tài khóa bền vững, được ràng buộc bởi một cam kết rõ ràng nhằm giảm dần thâm hụt ngân sách liên bang", ông Bernanke nói.

Thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ trong năm tài khóa 2009 đã tăng vọt lên mức 1.400 tỷ USD, tăng gần gấp 3 so với mức thâm hụt của năm 2009 và là mức thâm hụt cao chưa từng có. Giới phân tích dự báo, trong vòng 1 thập kỷ tới, thâm hụt ngân sách nước này sẽ ở mức bình quân khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ông Bernanke cũng nhấn mạnh rằng, các nước châu Á cần giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và tăng cường khai thác thị trường nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông cho rằng, có một cách để tăng chi tiêu của các hộ gia đình ở châu Á là cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội để người dân yên tâm.

Chủ tịch FED ghi nhận, những mất cân đối thương mại và tài chính toàn cầu đã co hẹp nhiều kể từ khi khủng hoảng bắt đầu tới nay, chủ yếu do giá trị thương mại quốc tế đã sụt giảm 20% từ mức đỉnh trước khi xảy ra khủng hoảng. Nhưng ông cảnh báo rằng, những mất cân đối này có thể lại "phình" lênh khi tăng trưởng kinh tế tăng tốc.

"Phải thừa nhận rằng, việc tăng tiết kiệm tư nhân ở Mỹ là một công việc nhiều thách thức. Việc thúc đẩy chi tiêu tại những nước có tỷ lệ tiết kiệm cao cũng không dễ gì", ông Bernanke nói.

Trên thực tế, các nhà phân tích và giới đầu tư ở châu Á đã ngày càng trở nên lo ngại về nguy cơ hình thành bong bóng tài sản mới tại khu vực này do hoạt động kích cầu và các nỗ lực nhằm hỗ trợ tỷ giá USD tại nhiều quốc gia.

Trong buổi hội thảo, ông Bernanke đã né tránh một vấn đề đang rất được quan tâm là tỷ giá của đồng USD. Trong những tuần gần đây, tỷ giá USD đã giảm mạnh so với Euro và Yên Nhật, giúp hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn.

(Theo New York Times)