13:39 17/12/2009

Chủ tịch FED được chọn là nhân vật của năm

Kiều Oanh

Tạp chí Time của Mỹ vừa bình chọn ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nước này là nhân vật của năm 2009

Ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Tạp chí Time của Mỹ vừa bình chọn ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) của nước này là nhân vật của năm 2009.

Những nhân vật về sau ông Bernanke trong top 5 nhân vật được Time xem là có ảnh hưởng nhất trong năm nay gồm tướng Stanley McChrystal - chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Afghanistan, các công nhân người Trung Quốc, bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, và vận động viên điền kinh Usan Bolt người Jammaica.

Miêu tả ông Bernanke, tạp chí Time viết, đó là “một người đàn ông với bộ râu xám và ánh mắt mệt mỏi... ông không có vẻ ngoài quyền uy hay giọng nói mê hoặc. Những lập luận của ông không mang tính đảng phái hay ý thức hệ, mà là những lập luận dựa trên những dữ liệu và những phương pháp học thuật... Ông thích ăn tối ở nhà cùng vợ, rồi cả nhà chơi ô chữ hoặc đọc sách. Bernanke là một con người bình dị, nhưng là con người bình dị có quyền lực nhất trên thế giới”.

Năm nay 56 tuổi, ông Bernanke đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo FED - ngân hàng trung ương Mỹ, cơ quan được coi là lực lượng quyền lực nhất trong việc quyết định số phận của nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu. Vai trò này xuất phát từ chỗ, FED là cơ quan kiểm soát nguồn cung tiền của nước Mỹ và điều khiển chính sách lãi suất của Mỹ, theo đó ảnh hưởng tới tốc độ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, sức mạnh của đồng USD, và tất nhiên là cả “trọng lượng” chiếc ví của người tiêu dùng.

Thời thế tạo anh hùng, với sự bùng nổ và lan rộng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, quyền lực của FED và ông Bernanke càng thêm mạnh.

Là một giáo sư kinh tế học từng giảng dạy tại Đại học Princeton, ông Bernanke được đánh giá là một học giả hàng đầu về Đại suy thoái 1930. Ông biết quá rõ, sự bị động của FED ở thập niên 1930, việc FED khi đó từ chối tăng cung tiền, cộng với tầm nhìn hạn chế trong việc lường trước tính nghiêm trọng của sự việc đã góp phần tạo ra Đại suy thoái.

Bởi thế, ông Bernanke đã thể hiện rõ quyết tâm không để xảy ra một trận Đại suy thoái thứ hai trong lịch sử Mỹ. Với quyết tâm này, ông đã dẫn đầu một loạt những nỗ lực giải cứu “vô tiền khoáng hậu” nhằm đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong 75 năm qua.

Hàng nghìn tỷ USD đã được tung vào nền kinh tế, một loạt định chế tài chính và doanh nghiệp cận kề bờ vực sụp đổ được cứu bằng nhiều tỷ USD tiền thuế của dân, lãi suất đồng USD lần đầu tiên trong lịch sử được đưa về 0%, những tổ chức như quỹ tương hỗ, quỹ đầu cơ, ngân hàng đầu tư... trước đây chưa từng mơ được vay tiền từ FED thì nay đã được hưởng đặc ân này, số trái phiếu địa ốc và thương phiếu doanh nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD được FED mua vào để tạo thanh khoản cho thị trường...

Time nhận định, dưới sự lãnh đạo của Bernanke, hình ảnh trầm mặc vốn có của ngân hàng trung ương đã trở thành một sân khấu cho sự ứng biến linh hoạt. Thậm chí, các nhà bình luận của tạp chí này còn khẳng định, Bernanke đã không chỉ định hình lại chính sách tiền tệ của Mỹ, mà còn dẫn dầu những nỗ lực cứu kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, những cố gắng của ông Bernanke không phải lúc nào cũng được hoan nghênh. Mối liên hệ mật thiết giữa ông với cựu Tổng thống Bush, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson, và đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner đã khiến ông và FED hứng chịu búa rìu dư luận khi Chính phủ Mỹ dùng tiền thuế của dân để cứu các định chế tài chính.

Người ta còn gán cho ông những biệt danh kiểu như “Bailout Ben” (“Ben Giải cứu”), ám chỉ ông là một “vị thánh cứu rỗi” đối với những ông chủ nhà băng tham lam của Phố Wall. Việc ông liên tục bơm tiền vào nền kinh tế làm gia tăng những mối lo lạm phát, khiến ông đương đầu với sự chỉ trích từ nhiều phía...

Bởi thế, nhiều thế lực đã và đang tìm cách để ông không được ngồi ở ghế Chủ tịch FED thêm một nhiệm kỳ nữa. Quốc hội Mỹ thậm chí còn xem xét những dự luật đề nghị tước bỏ một phần quyền lực và sự độc lập của FED.

Đối mặt với những trở ngại này, Bernanke vẫn luôn bình tĩnh và dám tiếp tục đưa ra những quyết định táo bạo. Ông cũng tìm thời điểm thích hợp để giải thích cho những gì mình đã làm. “Tôi hiểu vì sao mọi người giận dữ. Nhưng tôi không thể coi đây như một trò chơi. Tôi xuất thân từ một thị trấn nhỏ, nơi đang chìm trong suy thoái. Nước Mỹ đã có lúc đến rất gần với Đại suy thoái. Những điều đó là một thực tế đối với tôi”, ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của Time.

Tạp chí này cho biết, lý do chính để họ chọn ông Bernanke là nhân vật năm là vì, ông đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chèo lái nền kinh tế quan trọng nhất thế giới vượt suy thoái trong năm qua. “Sự lãnh đạo đầy sáng tạo của ông đã giúp đảm bảo rằng, năm 2009 là một thời kỳ tăng trưởng yếu chứ không phải là một giai đoạn đại suy thoái. Ông vẫn là người có quyền lực nhất đối với của cải, việc làm và tương lai của nước Mỹ”, Time viết.

Đáng chú ý, trong top 5 nhân vật được Time bình chọn là có ảnh hưởng nhất trong năm nay có nhân vật “người lao động Trung Quốc”. Theo Time, việc Trung Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng 8% trong bối cảnh suy thoái toàn cầu là một thành tích đáng nể, và người lao động của nước này xứng đáng được biểu dương vì thành tích trên.

"Nhân vật của năm" (Person of the Year) là cuộc bình chọn hàng năm do tạp chí Time tổ chức. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama là nhân vật được Time lựa chọn.

(Theo Time)