18:10 29/08/2017

Chuyên gia khuyên Mỹ “quên đi” chuyện đàm phán với Triều Tiên

An Huy

“Sau mỗi đợt gây hấn lớn của Triều Tiên, Mỹ lại nhân nhượng và thể hiện mong muốn đàm phán”

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm lực lượng đặc nhiệm thuộc quân đội nước này - Ảnh: KCNA/Reuters.<br>
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm lực lượng đặc nhiệm thuộc quân đội nước này - Ảnh: KCNA/Reuters.<br>
Điều mà Mỹ cần làm là gia tăng sức nóng của lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên - một số chuyên gia đưa ra lời khuyên ngày 29/8, sau khi Bình Nhưỡng phóng một quả tên lửa bay qua Nhật Bản khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng mạnh trở lại.

“Lẽ ra phải thắt chặt trừng phạt hơn nữa đối với Triều Tiên từ lâu rồi”, ông Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc tổ chức nghiên cứu The Heritage Foundation, đồng thời là một cựu sỹ quan tình báo về Triều Tiên thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), phát biểu.

Giáo sư về Triều Tiên Sung-Yoon Lee thuộc Trường Luật và Ngoại giao Fletcher đồng tình với quan điểm này, nói rằng nước Mỹ nên hành động mạnh hơn để gia tăng sức ép kinh tế đối với Triều Tiên.

“Thật là ngược đời khi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên lại không mạnh hơn lệnh trừng phạt đối với Iran”, ông Klingner nói với hãng tin CNBC.

Ông Lee cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ Mỹ không có một cái nhìn thấu đáo trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên. “Sau mỗi đợt gây hấn lớn của Triều Tiên, Mỹ lại nhân nhượng và thể hiện mong muốn đàm phán, đồng thời đưa ra nhượng bộ lớn hơn. Đó chính là vấn đề. Quan điểm muốn xoa dịu tình hình đã dẫn tới việc nới lệnh trừng phạt quá sớm, và Triều Tiên vẫn an toàn dù có gây ra rắc rối như thế nào”, ông này nói.

Vụ phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản vào sáng 29/8 diễn ra sau khi Triều Tiên phóng một loạt tên lửa tầm ngắn vào hôm thứ Bảy về vùng biển thuộc phía Đông nước này, trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung thường niên.

Vụ phóng này “chủ yếu nhằm thể hiện sự phản đối của Bình Nhưỡng đối với cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc”, ông Scott Seaman, Giám đốc về châu Á thuộc công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định. “Triều Tiên cũng có thể đã tính toán thời điểm phóng tên lửa vào lúc mà họ cho rằng Nhà Trắng đang bận rộn với vấn đề bão Harvey”.

Theo ông Seaman, thái độ “ương bướng” của Bình Nhưỡng có thể sẽ khiến Mỹ và đồng minh gia tăng trừng phạt. Vị chuyên gia nói Mỹ có thể gây sức ép khiến các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc cắt giảm hơn nữa giao dịch thương mại với Triều Tiên.

Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới đối với 10 thực thể và 6 cá nhân, chủ yếu của Trung Quốc và Nga, cho rằng những thực thể và cá nhân này có sự giúp sức cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ông Klingner cho rằng, Trung Quốc chính là “một phần của vấn đề thay vì là một phần của giải pháp” trong vấn đề Triều Tiên. 

Mặc dù vậy, ông Rodger Baker - Phó chủ tịch về phân tích chiến lược thuộc Stratfor - cho rằng như thường lệ, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiềm chế, dù tuyên bố phản đối vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

“Vấn đề đối với Trung Quốc là cho tới khi nào thì họ cảm thấy rủi ro từ chương trình vũ khí của Triều Tiên lớn hơn rủi ro từ việc có sự can thiệp mạnh hơn”, ông Baker nói. “Lo ngại Mỹ có hành động quân sự, Trung Quốc đã mạnh tay hơn chút ít với Triều Tiên, nhưng chắc chắn là họ sẽ không có sự can thiệp sâu đối với chính thể ở Bình Nhưỡng”.