14:38 23/08/2017

Cổ phiếu ngân hàng cho vay “dưới chuẩn” của Anh rớt mạnh

Diệp Vũ

Cú giảm này khiến nhiều người nhớ lại thời khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2007-2008 ở Mỹ

Các công ty tài chính khác có thể đang cân nhắc việc mua lại Provident vì giá cổ phiếu của ngân hàng này đang xuống quá thấp
Các công ty tài chính khác có thể đang cân nhắc việc mua lại Provident vì giá cổ phiếu của ngân hàng này đang xuống quá thấp
Giá cổ phiếu một ngân hàng cho vay dưới chuẩn của Anh đã giảm tới 75% chỉ trong vòng vài phút đồng hồ trong phiên giao dịch ngày 22/8, khi ngân hàng này thừa nhận đang cùng lúc đối mặt một loạt khó khăn.

Theo tin từ CNN Money, tuyên bố của ngân hàng Provident Financial thừa nhận sai lầm trong kế hoạch tái cơ cấu một bộ phận kinh doanh đã khiến giới đầu tư hoảng loạn.

Là một ngân hàng chuyên cấp thẻ tín dụng và các khoản vay cho những khách hàng bị các ngân hàng lớn từ chối, Provident đang bị các nhà đầu tư nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng sinh lời. Vấn đề càng tệ hơn khi một bộ phận khác của ngân hàng này đang bị cơ quan giám sát tài chính của Anh điều tra.

Để khắc phục khó khăn, Provident tuyên bố cắt giảm cổ tức trả cho cổ đông so với mức dự kiến ban đầu. Ngoài ra, Tổng giám đốc của ngân hàng này là Peter Crook đã từ chức.

Dường như các nhà đầu tư không thể cùng lúc chịu đựng quá nhiều tin xấu như vậy. Một cuộc bán tháo cổ phiếu Provident đã diễn ra tại Sở giao dịch chứng khoán London phiên ngày thứ Ba, khiến giá cổ phiếu này rớt xuống mức dưới 6 Bảng/cổ phiếu, từ mức 17,45 Bảng/cổ phiếu chốt phiên ngày thứ Hai.

Cú giảm kinh hoàng này khiến nhiều người nhớ lại thời khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2007-2008 ở Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc khủng hoảng dưới chuẩn 2.0, mà chỉ là một ngày rất xấu của một ngân hàng.

Tuyên bố của Provident cho biết họ bắt đầu gặp khó kể từ khi thay đổi mô hình kinh doanh. Trong suốt nhiều năm, họ đã sử dụng hàng nghìn nhân viên kinh doanh bán thời gian đi gõ cửa từng nhà để mời khách hàng vay tiền và thu nợ.

Gần đây, Provident chuyển sang sử dụng khoảng 2.500 nhân viên làm toàn thời gian việc tại văn phòng, dùng máy tính bảng để làm việc. Tuy nhiên, hiệu quả công việc mà những nhân viên này làm lại không như mong đợi: tỷ lệ thu nợ chỉ đạt 75% so với mức 90% vào năm 2016. Phần mềm máy tính được thiết kế để hỗ trợ công việc hóa ra lại cản trở công việc, dẫn tới khoản thua lỗ có thể lên tới 120 triệu Bảng, tương đương 154 triệu USD.

Ngoài ra, một trong những sản phẩm tài chính giúp Provident kiếm nhiều tiền nhất lại đang bị Cơ quan Giám sát hành vi tài chính Anh (FCA) điều tra. Đó là dịch vụ cho phép khách hàng đóng băng tài khoản thẻ tín dụng mà không phát sinh lãi hay phải có bất kỳ khoản thanh toán nào trong thời gian lên tới hai năm. Sản phẩm này hiện đã bị nhà chức trách đình chỉ.

Những tin xấu này, cùng với việc sếp Provident từ chức và ngân hàng cắt giảm cổ tức, đã đẩy cổ phiếu giảm chóng mặt. Hiện Provident đã bổ nhiệm một vị Tổng giám đốc mới, bà Manjit Wolstenholme.

Theo một số nhà phân tích, các công ty tài chính khác có thể đang cân nhắc việc mua lại Provident vì giá cổ phiếu của ngân hàng này đang xuống quá thấp. Tuy nhiên, cuộc điều tra của FCA đặt ra quá nhiều rủi ro khó lường đối với những khách hàng mua lại tiềm năng.

Những thách thức của Provident được giới chuyên môn đánh giá là không giống với khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây. Trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2007-2008 ở Mỹ - tiền đề của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, các ngân hàng Mỹ gặp khó khăn khi thu nợ thế chấp nhà từ các khách hàng “dưới chuẩn”.

Trước đó, các ngân hàng Mỹ đã quá dễ dãi trong việc cấp vốn vay. Một loạt ngân hàng lớn đã sụp đổ hoặc đối mặt nguy cơ đổ vỡ khi không thể thu nợ và nguồn tài chính cạn kiệt. Hàng triệu người Mỹ đã nhận được thông báo tịch biên nhà trong quá trình lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn.