15:28 03/11/2010

Công thức né thuế của Google

Kiều Oanh

Bằng những biện pháp lắt léo, nhưng không phạm luật, gã khổng lồ tìm kiếm chỉ phải chịu mức thuế suất thu nhập cực thấp

Mặc dù cơ chế trốn thuế của Google và nhiều doanh nghiệp Mỹ khác là hợp lý, nhiều người lại nhìn nhận vấn đề ở phương diện đạo đức.
Mặc dù cơ chế trốn thuế của Google và nhiều doanh nghiệp Mỹ khác là hợp lý, nhiều người lại nhìn nhận vấn đề ở phương diện đạo đức.
Bằng những biện pháp lắt léo, nhưng không phạm luật, “đại gia” trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến Google đã chuyển phần lớn lợi nhuận ở thị trường ngoài Mỹ sang “thiên đường thuế”, giữ thuế suất thuế doanh nghiệp thực tế phải chịu ở mức siêu thấp: 2,4%.

Đại bản doanh của Google tại các thị trường ngoài Mỹ được đặt tại một tòa nhà ốp kính sáng loáng giữa trung tâm thủ đô Dublin của Ireland. Năm 2009, tòa nhà văn phòng là nơi làm việc của 2.000 nhân viên Google này, được cho là nơi đóng góp 88% vào doanh thu 12,5 tỷ USD tại thị trường nước ngoài của hãng này. Tuy nhiên, phần lớn số lợi nhuận từ doanh thu này đã được gửi gắm sang “thiên đường thuế” Bermuda.

Để giảm số thuế phải đóng ở thị trường ngoài Mỹ, Google vận dụng một cơ chế pháp lý phức tạp. Cách làm này đã giúp công ty tiết kiệm được 3,1 tỷ USD tiền thuế lẽ ra phải đóng từ năm 2007 tới nay, đồng thời làm gia tăng lợi nhuận gộp của năm 2009 thêm 26%.

Mặc dù nhiều công ty đa quốc gia khác cũng có cách “né” thuế tương tự, Google thành công hơn khi đẩy được mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế xuống thấp hơn so với nhiều công ty ngang tầm khác trong lĩnh vực công nghệ.

Từ năm 2007 tới nay, thuế suất thực tế mà Google phải chịu ở thị trường nước ngoài chỉ là 2,4%. Trong khi đó, theo báo cáo của các công ty, Apple, Oracle, Microsoft và IBM - những doanh nghiệp cùng Google hợp thành nhóm 5 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ - chịu mức thuế suất dao động trong khoảng 4,5%-25,8% trong thời kỳ 2007-2009 tại các thị trường ngoài Mỹ.

“Điều đáng nói là mức thuế suất thực tế của Google rất thấp. Trong khi đó, Google hoạt động khắp thế giới, mà chủ yếu là những quốc gia thuế cao, nơi thuế suất doanh nghiệp bình quân trên 20%”, ông Martin Sullivan, một chuyên gia về thuế từng làm cho Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét.

Thuế suất doanh nghiệp ở Anh - thị trường lớn thứ hai của Google sau Mỹ, là 28%; tại Mỹ là 35%. Nhưng tại Bermuda, thuế thu nhập là thứ không tồn tại. Lợi nhuận của Google được gửi tới quần đảo với những bãi cát dài màu trắng ở phía Tây của Đại Tây Dương này bằng hai “thủ thuật” mà giới luật sư về thuế gọi là “Double Irish” và “Dutch Sandwich”.

Trong trường hợp Google, hai “thủ thuật” trên được vận dụng như sau: Khi một công ty ở châu Âu, Trung Đông hoặc châu Phi mua một quảng cáo trên Google, số tiền phải trả được gửi tới chi nhánh của Google ở Dublin. Mức thuế suất doanh nghiệp mà Chính phủ Ireland đặt ra là 12,5% - đã vào hàng thấp so với nhiều quốc gia châu Âu khác - nhưng Google vẫn gần như không phải chịu thuế suất này, vì lợi nhuận của hãng đã âm thầm rời khỏi văn phòng ở Dublin - nơi báo cáo mức lợi nhuận trước thuế chưa đầy 1% trên doanh thu của năm 2008.

Luật của Ireland khiến Google không dễ chuyển thẳng lợi nhuận tới Bermuda mà không bị đánh thuế cao. Do vậy, Google phải đi “đường vòng” sang Hà Lan, vì Ireland không đánh thuế các khoản tiền được chuyển sang cho các công ty thuộc các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Một khi tiền đã tới Hà Lan, Google có thể tận dụng luật thuế hào phóng của quốc gia này. Chi nhánh Google tại Hà Lan là Google Netherlands Holdings, vốn chỉ là một “vỏ sò rỗng” vì không có một nhân viên nào, sẽ thực hiện chuyển 99,8% số tiền nhận được sang Bermuda với tư cách là tiền mà chi nhánh Google ở Dublin trả để mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ Google Ireland Holdings - một thực thể “ảo” do Google ở Bermuda quản lý.

Chi nhánh Google ở Bermuda về phương diện kỹ thuật là một công ty Ireland nữa được gán cho chức năng là “quản lý hoạt động của Google Ireland Holdings”. Cách trốn thuế này dựa trên hai công ty Ireland - một công ty (chi nhánh Google ở Dublin) trả tiền bản quyền để sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, làm phát sinh các chi phí nhằm giảm thu nhập chịu thuế ở Ireland; công ty kia (Google Ireland Holdings do Google ở Bermuda quản lý) thu số tiền bản quyền đó ở một “thiên đường thuế” như Bermuda, nhằm tránh thuế ở Ireland. Bởi vậy, cách làm này được gọi là “Double Irish”.

Do Hà Lan trở thành địa điểm trung chuyển giữa hai công ty Ireland trong chiến thuật trốn thuế nói trên, nên cách làm như vậy được gọi là “Dutch Sandwich”.

Trên thực tế, Google Ireland Holdings là một thực thể thuộc sở hữu của hai chi nhánh Google có ban lãnh đạo là hai luật sư và một giám đốc thuộc công ty luật Conyers Dill & Pearman có văn phòng khá đơn sơ ở Bermuda.

Tất cả những bước đi trên của Google đều hợp pháp. “Google làm điều tương tự như vô số các công ty đa quốc gia ở hàng loạt lĩnh vực đã, đang và sẽ còn làm”, bà Jane Penner, một phát ngôn viên của Google, tuyên bố.

Nhờ chiến thuật né thuế, Google phải đóng ít thuế hơn ở nước ngoài, nhưng cách làm này cũng ảnh hưởng tới nguồn thu từ thuế của Chính phủ Mỹ, vốn đang chật vật với mức thâm hụt ngân sách được dự báo lên tới 1.400 tỷ USD trong năm nay. Mức thâm hụt của các quốc gia trong EU nói chung cũng được dự báo lên tới 868 tỷ Euro, tương đương 1.200 tỷ USD, trong năm 2010 này.

Google tại Ireland được cấp phép sử dụng công nghệ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến được tạo ra từ trụ sở của Google ở Mountain View, California, Mỹ. Thỏa thuận cấp phép này cho phép Google báo cáo lợi nhuận tại các thị trường nước ngoài là lợi nhuận từ hoạt động của Google tại Ireland, thay vì Google ở Mỹ - nơi phần lớn các công nghệ của Google được phát triển.

Theo luật Mỹ, Google tại Ireland phải trả một mức giá ngang với một công ty không “dây mơ rễ má” gì với Google phải trả để có được quyền sử dụng công nghệ của gã khổng lồ tìm kiếm này. Tuy nhiên, do phí cấp phép thu từ chi nhánh Ireland tạo ra cho Google khoản lợi nhuận có thể bị đánh thuế ở mức 35% ở Mỹ - vào hàng cao nhất trong các mức thuế suất doanh nghiệp trên thế giới - nên Google có lý do để đưa ra mức giá cấp phép thấp nhất có thể.

Kết quả là một phần trong lợi nhuận của Google ở Mỹ được dịch chuyển ra nước ngoài, và cách làm này được các chuyên gia gọi là hiện tượng chuyển giá (“transfer pricing”).

Mặc dù vậy, đây cũng là cách làm hợp pháp. Vào năm 2006, Cơ quan thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) đã phê chuẩn các biện pháp chuyển giá của Google sau 3 năm công ty này nỗ lực đàm phán. Tài liệu của Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy, Google bắt đầu chuyển giá từ năm 2003 tới nay.

Chuyển giá là cách làm khá phổ biến ở các công ty công nghệ và dược phẩm vì hoạt động của các công ty này dựa nhiều vào quyền sở hữu trí tuệ - loại tài sản di chuyển dễ dàng qua các biên giới. Theo tài liệu công ty và một số nguồn thân cận, mạng xã hội ảo Facebook cũng đang chuẩn bị một cơ chế tương tự như Google để chuyển lợi nhuận từ Ireland sang Cayman Islands. Microsoft thì đã vận dụng phương thức chuyển giá tương tự giữa Ireland và Bermuda.

Năm 2009, Google nộp hơn 1,5 tỷ USD thuế thu nhập tại Mỹ. Theo các chuyên gia, bằng cách chuyển giá, Google đã giảm được mức thuế suất thực tế phải chịu tại Mỹ về 22,2% trong năm ngoái.

Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Michigan và Đại học North Carolina cho thấy, 2.000 công ty Mỹ phải trả mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế là 28,3% ở cấp liên bang, tiểu bang và ở nước ngoài trong năm 2005. Mức thuế suất doanh nghiệp chung ở cấp quốc gia và địa phương là 34,4% ở Pháp, 30,2% ở Đức và 39,5% ở Nhật - theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Mặc dù cơ chế trốn thuế của Google và nhiều doanh nghiệp Mỹ khác là hợp lý, nhiều người lại nhìn nhận vấn đề ở phương diện đạo đức. “Vậy ai là người trả cho những ý tưởng nền tảng mà từ đó Google tạo ra hàng tỷ USD doanh thu? Đó chính là các công dân của nước Mỹ”, ông Abraham J. Briloff, một giáo sư thuộc Đại học Baruch, Mỹ. Ông Briloff muốn chỉ ra rằng, công nghệ ban đầu của Google xuất phát từ những nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Stanford và được tài trợ bởi Quỹ Khoa học quốc gia.

Theo tính toán của các chuyên gia, cách dịch chuyển lợi nhuận để tránh thuế của các doanh nghiệp như Google khiến Chính phủ Mỹ thiệt hại khoảng 60 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Chính phủ Mỹ vì thế đã thúc đẩy những bước tiến để thay đổi các quy định cho phép các công ty đa quốc gia dịch chuyển lợi nhuận ra thị trường nước ngoài.

Vào năm 2009, Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất đánh thuế vào một số khoản tiền di chuyển giữa chi nhánh nước ngoài của các công ty Mỹ, chẳng hạn khoản tiền mà Google gửi từ Ireland sang Bermuda. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị từ bỏ sau những nỗ lực vận động hành lang của các doanh nghiệp lớn như GE, HP và Starbucks. Vào tháng 2 vừa qua, chính quyền Tổng thống Barack Obama đề xuất các biện pháp để hạn chế việc các công ty chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, nhưng cũng chưa đạt được kết quả gì.

(Theo Business Week, Washington Post)