17:38 27/07/2017

Dân số già hoá, cơ hội kinh doanh nghìn tỷ USD tại châu Á

Kim Tuyến

Dân số già hóa tại châu Á đang mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp chăm sóc người già trị giá hàng nghìn tỷ USD

Tổng dân số già của các nước ASEAN được dự báo sẽ chạm mức 123 triệu người vào năm 2050, gần bằng dân số hiện tại của Nhật - Ảnh: Nikkei.
Tổng dân số già của các nước ASEAN được dự báo sẽ chạm mức 123 triệu người vào năm 2050, gần bằng dân số hiện tại của Nhật - Ảnh: Nikkei.

Theo tờ Nikkei, dân số châu Á đang ngày càng già hóa, cùng với đó là loạt công ty phục vụ người già liên tục mọc lên. Lợi nhuận béo bở tới mức nhiều công ty chưa từng có kinh nghiệm trong ngành, từ bất động sản tới nhà xuất bản cũng đổ xô sang vào lĩnh vực này.

Những con số biết nói 

Theo số liệu của Liên hiệp quốc năm 2015, độ tuổi trung bình tại Đông Nam Á là 28,8. Dù vẫn trẻ hơn mức trung bình toàn cầu 29,6 nhưng dân số khu vực này đang già đi nhanh chóng. Tại 7 trên 10 nước thành viên của ASEAN, tỷ lệ người già trên 65 tuổi được dự báo sẽ vượt 7% tổng dân số vào năm 2025. 

Tổng dân số già của các nước ASEAN được dự báo sẽ chạm mức 123 triệu người vào năm 2050, gần bằng dân số hiện tại của Nhật.

Theo khảo sát của hãng bảo hiểm Mỹ Marsh & McLennan, chi tiêu y tế cho người già tại Thái Lan, Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á khác vào năm 2030 được dự báo tăng gấp 6,5 lần so với năm 2015. Tại Việt Nam, mức tăng được dự báo là 9,4 lần. 

Tại các quốc gia này, hoạt động hỗ trợ cho chăm sóc người già của chính phủ thường ít hơn so với tại các nền kinh tế phát triển, nhờ đó mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tư nhân khai thác.

Tại Thái Lan, Bangkok Dusit Medical Services, công ty vận hành bệnh viện tư lớn nhất nước, cũng lên kế hoạch mở một trung tâm dịch vụ y tế cho người già và những người mắc bệnh Alzheimer's. Hiện tại, công ty này đã chi 12,8 tỷ Baht (382 triệu USD) để mua đất và một tòa nhà cho trung tâm dự kiến sẽ phục vụ cả người nước ngoài này. 

Năm ngoái, hãng dịch vụ chăm sóc y tế hàng đầu của Nhật Riei cũng mở một trung tâm chăm sóc người già với quy mô 20 phòng gần thủ đô Bangkok của Thái Lan. 

Còn tại Myanmar, các công ty tư nhân cũng đang đua nhau đầu tư vào ngành này. Tại triển lãm y dược Myanmar Phar-Med Expo diễn ra ngày 5/7 tại Yangon, số lượng các đơn vị tham gia triển lãm đã tăng 10% so với năm ngoái. 

Việc chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho người già cũng không làm nản lòng các doanh nghiệp tư trong khu vực đổ xổ vào ngành này. 

Tại Singapore, nơi có tốc độ già hóa nhanh nhất Đông Nam Á, hãng xuất bản Singapore Press Holdings cũng mua lại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc người già với giá 120 triệu USD hồi tháng 4 vừa rồi. 

Còn ở nước láng giềng Indonesia, từ năm 2014, công ty xây dựng PT Jababeka cũng bắt tay với công ty dịch vụ chăm sóc người già Longlife Holding để cung cấp dịch vụ nhà ở cho người già từ năm 2014. Liên doanh này dự định mở 100 “thị trấn người già” với đầy đủ cơ sở vật chất y tế và chăm sóc điều dưỡng. 

Thị trường các dịch vụ liên quan cũng không ngừng mở rộng. Hãng sản xuất vật liệu lớn nhất của Thái Lan, Siam Cement Group, cũng đang đẩy mạnh mảng vật liệu chuyên biệt để xây nhà cho người già. Sản phẩm của công ty này gồm các loại vật liệu sàn có thiết kế giảm bớt tác động của những cú ngã, tay vịn toilet và phòng tắm. Siam Cement cũng hợp tác với hãng xây dựng N.C. Housing để bán nhà phù hợp cho người đi xe lăn. 

Gánh nặng thành cơ hội 

Là quốc gia đông dân nhất thế giới cùng với chính sách mỗi gia đình chỉ được sinh một con trong suốt 30 năm qua, không ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng là quốc gia có dân số già đang tăng lên nhanh chóng. 

Tính tới cuối năm 2015, số người trên 60 tuổi của nước này là 220 triệu và mỗi năm tăng thêm 10 triệu người. Trong khi đó, số người trên 65 tuổi được dự báo sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm 2060. 

Và vấn đề này cũng chính là cơ hội kinh doanh béo bở tại thị trường đông dân này.

Một trung tâm điều dưỡng duy nhất ở thành phố Laibin, thuộc Quảng Tây mới mở cửa được hai năm đã gần kín chỗ với 151 người. Tại đây, người già có thể vẽ tranh và tham gia nhiều hoạt động khác. 

Cuối tháng 6 vừa qua, chính quyền thành phố này cũng mời các công ty Nhật, như Longlife Holding và Paramount Bed Holdings, tới để hỗ trợ xây dựng nhà điều dưỡng nằm trong kế hoạch tái thiết đô thị tại đây.

"Số lượng ngời trẻ ngày càng ít đi bởi đa số họ rời quê lên thành phố lớn”, một quan chức cấp cao của Laibin cho biết. “Chăm sóc cho người già là việc làm cấp bách hiện nay”. 

Giới chức địa phương cho biết muốn học theo mô hình chăm sóc người già của Nhật để giúp họ tự lập hơn trong sinh hoạt và hoạt động hàng ngày. 

Tình hình nhân khẩu tại Trung Quốc thường được gọi bằng con số 4:2:1, tức là 4 ông bà, 2 con và một cháu. Công thức này đúng với khoảng 80% hộ gia đình tại Thượng Hải. Những con số như thế này cũng cho thấy việc thiếu những trung tâm chắm sóc điều dưỡng, cả ở những đô thị lớn hay nông thôn ở Trung Quốc.

Dân số già hoá đặt gánh nặng lên tăng trưởng kinh tế và tài chính của Trung Quốc, nhưng nó cũng mở ra các thị trường mới. Uỷ ban Người cao tuổi quốc gia nước này dự báo ngành công nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ cho người già sẽ tăng lên 22 nghìn tỷ Nhân dân tệ (3,25 nghìn tỷ USD) vào năm 2030.