10:28 13/11/2015

Đánh bom ở Lebanon, hàng trăm người thương vong

Diệp Vũ

Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm

Hiện trường vụ đánh bom ở Beirut, Lebanon ngày 12/11 - Ảnh: Reuters.<br>
Hiện trường vụ đánh bom ở Beirut, Lebanon ngày 12/11 - Ảnh: Reuters.<br>
Ít nhất 43 người thiệt mạng và hơn 240 người khác bị thương trong 2 vụ đánh bom tự sát ngày 12/11 ở thủ đô Beirut của Lebanon. Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm - Reuters đưa tin.

Nơi xảy ra 2 vụ đánh bom nói trên là ngoại ô phía Nam Beirut, một khu vực hoạt động mạnh của nhóm Hezbollah với thành viên là người Hồi giáo dòng Shi’ite. Vụ tấn công xảy ra vào thời điểm mà Hezbollah tăng cường dính líu vào cuộc nội chiến ở Syria - cuộc chiến đã đẩy các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Sunni vào thế đối đầu với nhóm Hezbollah vốn được Iran hậu thuẫn.

Hezbollah đã cử hàng trăm chiến binh tới để ủng hộ lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Với sự ủng hộ của Hezbollah và quân Iran, lực lực Chính phủ Syria đã tăng cường cuộc chiến nhằm vào các phần tử nổi dậy chủ yếu là người Sunni, trong đó có IS. Cùng với đó, từ hôm 30/9, Nga cũng mở một chiến dịch không kích ở Syria nhằm hỗ trợ cho Tổng thống Assad.

Cuộc nội chiến ở Syria đang ngày càng trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các đối thủ trong khu vực, bao gồm Iran và Saudi Arabia - quốc gia hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy ở Syria.

Hai vụ nổ bom ngày 12/11 xảy ra gần như đồng thời tại trung tâm nơi cộng đồng người Shi’ite sinh sống ở Beirut. Bộ trưởng Bộ Y tế Lebanon, ông Wael Abuu Faour, cho biết đã xác định được 43 người bị thương và 240 người thiệt mạng.

Trong một tuyên bố đưa ra sau hai vụ nổ bom, IS tuyên bố là tác giả của các vụ tấn công này. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lebanon Nouhad Machnouk nói một kẻ đánh bom tự sát thứ ba đã thiệt mạng vì một trong hai vụ nổ đầu tiên, trước khi có thể kích nổ quả bom mà tên này mang theo.

Các vụ tấn công xảy ra khi các nghị sỹ Lebanon có kỳ họp đầu tiên sau hơn 1 năm. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Lebanon đã khiến quốc gia này không có tổng thống suốt 17 tháng qua, trong khi Chính phủ không thể đưa ra được những quyết định dù cơ bản nhất.

Năm ngoái, các lãnh đạo tôn giáo đã lên tiếng cảnh báo rằng trong bối cảnh thiếu vắng một nguyên thủ quốc gia, xung đột giữa các nhóm tôn giáo ở Lebanon đang là một mối đe dọa lớn đối với đất nước đã 15 năm chìm trong nội chiến này.