12:10 06/05/2011

Dầu thô hạ sốt nhờ trùm khủng bố bị diệt?

Hồng Ngọc

Giới phân tích cho rằng, việc giá dầu lao xuống thấp là do trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt. Thực tế có đúng?

Giá dầu giảm có phải do trùm khủng bố bị tiêu diệt?
Giá dầu giảm có phải do trùm khủng bố bị tiêu diệt?
Cùng với các thị trường hàng hóa như vàng, bạc, chứng khoán, giá dầu thô quốc tế đã giảm liên tiếp vài phiên gần đây. Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán đổ bán tháo các tài sản này là bởi trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị Mỹ tiêu diệt hôm 1/5. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính?

Vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua, giá dầu thô liên tục chạm mức cao, do bối cảnh tình hình căng thẳng leo thang tại Lybia, Syria và Yemen ngày càng đào sâu mối lo sợ nguồn cung "vàng đen" tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ bị gián đoạn. Thêm vào đó, việc đồng USD suy yếu cùng tình trạng kinh tế trì trệ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với mức lạm phát tháng 4 tăng lên 2,8% so với 2,7% của tháng trước, cũng tác động tới giá dầu.

Phiên giao dịch cuối tuần trước (29/4), giá dầu trên thị trường thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 31 tháng qua. Cụ thể, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 đã tăng lên 114,18 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 22/9/2008. Như vậy, giá dầu thô tại New York trong tháng 4 đã tăng 6,7%, và tăng 25% kể từ đầu năm tới nay. Tại London, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao cùng thời điểm cũng tăng nhẹ, đạt 125,89 USD/thùng.

Trước đó, theo phân tích của các chuyên gia thuộc Barclays Capital hôm 20/4, trong dài hạn những tác động của việc giá dầu tăng cao đối với triển vọng nhu cầu cũng như đâu sẽ là động lực chính của thị trường vẫn là một mối lo ngại lớn. Trong một báo cáo khác, tổ chức Ritterbusch and Associates dự đoán giá dầu sẽ được đẩy lên khoảng 119 USD/thùng trong một tháng tới.

Tuy nhiên, từ đầu tuần này tới giờ, giá dầu thô quốc tế liên tục sụt giảm. Chốt phiên hôm qua (5/5), giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 6 trên sàn New York lao dốc 9,44 USD/thùng (8,6%) xuống 99,80 USD/thùng, thấp nhất kể từ 16/3. Đây là ngày trượt giảm mạnh nhất của giá dầu kể từ ngày 20/4/2009. Dầu thô Brent giao tháng 6 trên sàn London hạ 10,39 USD/thùng xuống 110,80 USD/thùng, mức giảm mạnh thứ 2 từ trước đến nay. Phiên lao dốc thứ 4 này cũng đẩy giá dầu Brent xuống dưới đường trung bình 50 ngày.

Thực tế, thị trường dầu bắt đầu biến động mạnh từ phiên 2/5, ngay sau thông tin trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt. Chuyên gia Adam Sieminski thuộc ngân hàng Deutsche Bank, cho biết nhiều nhà giao dịch tin rằng cái chết của ông trùm mạng lưới khủng bố al-Qaeda sẽ giúp loại bỏ một số rủi ro về địa chính trị trên thị trường.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại cho rằng, đây chỉ là yếu tố gây phấn khích nhất thời, bởi lẽ ngay sau đó lại xuất hiện những lo ngại rằng các phần tử cực đoan có thể sẽ cố gắng tấn công các mỏ dầu và tuyến đường dẫn dầu để trả đũa quân đội Mỹ. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã nâng tầm cảnh giác đối với khủng bố sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt. Theo đó, thị trường dầu không thể vì yếu tố khủng bố mà trượt dốc trong các phiên tiếp theo.

Kết thúc phiên 3/5 tại New York, giá dầu giao tháng 5 giảm 2,47 USD xuống 111,05 USD/thùng; còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 2,67 USD xuống 122,45 USD/thùng. Tiếp đó, đến chiều 5/5, trên sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 5/5, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng Sáu tới giảm 35 xu xuống 108,89 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc giảm 9 xu xuống 121,1 USD/thùng. Và như đã nói ở trên, tới đêm qua, dầu thô đã chính thức rời ngưỡng 100 USD/thùng.

Một số nhà phân tích cho rằng, các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có sức ảnh hưởng lên giá dầu lớn hơn tin tức về Osama bin Laden. Hiện FED vẫn đang giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0%, điều gây sức ép làm giảm giá đồng USD. Tuy nhiên, kể từ khi nhận được tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa thể nâng lãi suất vào tháng tới, đồng bạc xanh đã tăng 1,5% so với đồng Euro. Chỉ số đồng USD hôm 5/5 tăng từ 73,095 lên 73,851 điểm. Từ đầu tuần đến nay, chỉ số này đã tăng 1,5%.

Thêm vào đó, Andy Lipow thuộc công ty Lipow Oil Associates, cho biết nhà đầu tư đang lo ngại về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng như Trung Quốc. Hiện vẫn có những dấu hiệu cho thấy kinh tế tại các nước nhập khẩu nhiều dầu thô, như Trung Quốc và Mỹ, tăng trưởng chậm lại có thể kéo nhu cầu giảm xuống. Thị trường lo ngại rằng giá dầu tăng cao đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng và hệ quả là làm giảm chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.

Các số liệu yếu kém tại châu Âu càng làm củng cố mối quan ngại của giới đầu cơ dầu về đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, như số đơn đặt hàng công nghiệp tại Đức bất ngờ giảm trong tháng 3.

Tăng thêm sức ép trên thị trường còn là những thông tin về sự gia tăng nguồn cung đầy bất ngờ từ Mỹ. Theo Bộ Năng lượng Mỹ hôm 5/5, trong tuần kết thúc vào ngày 29/4 vừa qua, dự trữ dầu thô của nước này tăng thêm 3,4 triệu thùng, trong khi con số dự báo mà giới phân tích đưa ra là 3,2 triệu thùng. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng đang yếu đi tại nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới này. Tuy nhiên, dự trữ xăng trong tuần trước lại "bất ngờ" giảm 1 triệu thùng.

Tâm lý của nhà đầu tư cũng bị đè nặng bởi những thông tin không mấy lạc quan về thị trường lao động Mỹ và lĩnh vực dịch vụ của nước này. Theo Tổ chức nghiên cứu lao động Mỹ (ADP), trong tháng Tư vừa qua, khu vực tư nhân của Mỹ chỉ tạo được 179.000 việc làm, so với mức 207.000 việc làm của tháng 3/2011. Viện quản lý nguồn cung cho biết, khu vực dịch vụ của Mỹ - chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế của cường quốc này - đã chững lại trong tháng 4/2011.

Ngoài ra, áp lực đối với giá dầu còn đến từ thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang xem xét nâng mức trần sản lượng chính thức tại cuộc họp vào tháng 6 tới, nhằm thuyết phục các thị trường dầu rằng, tổ chức này muốn hạ thấp giá dầu và ngăn chặn mọi tác động của lạm phát nhiên liệu lên đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ công bố thống kê về tình hình việc làm trong tháng 4/2011 tại khu vực phi nông nghiệp của nước này vào hôm nay (6/5). Điều này có thể sẽ quyết định xu hướng giá dầu trong phiên cuối tuần cũng như của thị trường trong tuần sau. Tuy nhiên, cho tới giờ, tín hiệu mà nhà đầu tư nhận được chủ yếu cho thấy kinh tế Mỹ đang loạng choạng. Thêm vào đó, Capital Economics dự báo rằng cuộc khủng hoảng tại Lybia lắng dịu sẽ đưa giá dầu quay về biên độ 70-90 USD/thùng vào cuối năm nay.