15:07 01/10/2008

Điểm khác biệt của khủng hoảng tài chính Mỹ

Nguyễn Hoài Linh

Điều gì đã góp phần tạo nên sự khác biệt ở cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, ngoại trừ quy mô kinh tế của đất nước này?

Bộ mặt của thị trường chứng khoán Mỹ đã sáng sủa hơn trong phiên giao dịch ngày 30/9 (theo giờ địa phương), do một số thông tin lạc quan liên quan đến kế hoạch “giải cứu” Phố Wall.
Bộ mặt của thị trường chứng khoán Mỹ đã sáng sủa hơn trong phiên giao dịch ngày 30/9 (theo giờ địa phương), do một số thông tin lạc quan liên quan đến kế hoạch “giải cứu” Phố Wall.
Điều gì đã góp phần tạo nên sự khác biệt ở cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, ngoại trừ quy mô kinh tế của đất nước này?

Nhìn lại các cuộc giải cứu thị trường tiêu biểu

Xét về quy mô vốn để giải cứu thị trường, có ba cuộc khủng hoảng - không kể khủng hoảng tài chính hiện tại ở Mỹ - được xem là tốn kém nhất thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai.

Đó là cuộc khủng hoảng nợ ở các nước Mỹ Latin và châu Phi năm 1982, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mexico năm 1994 và khủng hoảng tài chính gần đây nhất ở Đông Á năm 1997.

Năm 1989, sau nhiều năm gia hạn nợ không thành, theo kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Nicholas Brady đề xuất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhật Bản mỗi bên đã đóng góp 10 tỷ USD để xóa nợ cho những nước nghèo ở Mỹ Latin và châu Phi.

Năm 1994, nhằm giúp Mexico (thực ra là một thị trường lớn của Mỹ) ổn định tiền tệ và kinh tế, Mỹ móc hầu bao 20 tỷ USD và IMF cho vay 18 tỷ USD đối với Mehico. Tổng số tiền này chỉ khoảng một phần ba số tiền 112 tỷ USD mà IMF đã cho ba nước Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan vay năm 1997.

Tuy nhiên, kế hoạch giải cứu thị trường tài chính được đệ trình Quốc hội Mỹ còn lên đến 700 tỷ USD, mặc dù đã không đạt được đủ số phiếu thuận ở Hạ viện Mỹ vào phút cuối.  

Điều gì đã góp phần tạo nên sự khác biệt ở cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, ngoại trừ quy mô kinh tế của đất nước này?

Sau cuộc tấn công khủng bố năm 2001, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất một nửa, chỉ còn 1,75% nhằm thúc đẩy tăng trưởng, mức lãi suất danh nghĩa này đã tạo ra lãi suất thực âm. Thêm vào đó, trong những năm cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền Bill Clinton đã ban hành một đạo luật tái phát triển cộng đồng tập trung vào mục tiêu xã hội là giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp.  

Hai yếu tố này đã thúc đẩy dân chúng vay tiền ngân hàng mua nhà. Mặt khác, các ngân hàng cũng sẵn lòng cho vay, cả với những khách hàng có hạng mức tín nhiệm dưới chuẩn, vì ỷ lại sự bảo đảm ngấm ngầm từ Chính phủ mà hiện thân là hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac.  

Sự gia tăng tín dụng mua nhà trong suốt gần ba năm từ 2002 đến 2005 đã đẩy giá nhà ở lên cao tạo nên bong bóng giá bất động sản và quả bong bóng này bắt đầu xì hơi khi FED tăng lãi suất lên 5,25% vào cuối năm 2006.
 
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là một yếu tố đặc thù của khủng hoảng tài chính Mỹ. Nhớ lại khủng hoảng tài chính ở Đông Á năm 1997, tín dụng ngân hàng vẫn bùng nổ, dòng vốn ngoại ồ ạt đổ vào tài trợ cho những nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ dựa vào xuất khẩu. Bong bóng bất động sản phình to và cũng xì hơi khi các khoản vay ngân hàng đáo hạn cùng với mức cung vượt quá xa mức cầu.

Có thể nói, yếu tố làm nên sự khác biệt (và góp phần tạo nên sự trầm trọng) của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là do các phát kiến tài chính. Cụ thể là các công cụ tài chính phái sinh dựa trên tài sản thế chấp. Các công cụ này chưa từng được (phép) sử dụng ở các quốc gia Đông Á hơn một thập kỷ trước.

Gốc rễ khủng hoảng

Trở lại với hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac. Hai công ty này được chính phủ bảo trợ để mua các khoản cho vay có thế chấp, phần lớn là từ các ngân hàng thương mại, sau đó bán lại trên thị trường. Những ngân hàng dùng tiền thu được tiếp tục cho vay. Fannie Mae và Freddie Mac nắm giữ đến 70% các khoản đảm bảo cho vay mua nhà ở Mỹ.  

Việc mua bán các khoản nợ này, trong đó có nhiều khoản nợ dưới chuẩn mà các ngân hàng muốn bán đi để làm đẹp bảng cân đối tài sản, được bôi trơn và đánh bóng bởi những ngân hàng đầu tư lớn ở Phố Wall thông qua phát kiến tài chính của chính họ: chứng khoán hóa các tài sản thế chấp.

Những ngân hàng đầu tư gộp các loại tài sản khác nhau với chất lượng khác nhau và phát hành chứng khoán dựa trên sự đảm bảo bằng các tài sản đó và, dường như, làm như vậy sẽ giảm đi rủi ro tiềm tàng so với việc phát hành chứng khoán chỉ dựa vào từng loại tài sản riêng lẻ.  

Các loại chứng khoán từ tài sản tổng hợp được các ngân hàng đầu tư phát hành cho công chúng, các ngân hàng ở Mỹ và các định chế tài chính trên toàn cầu, trong đó có nhiều định chế không được giám sát chặt chẽ như ngân hàng. Điều này vô hình chung đưa rủi ro dịch chuyển từ ngân hàng sang các tổ chức khác.

Chính các công cụ này là một vòi bơm hơi vào quả bóng giá tài sản khi nó được quay vòng: cho vay thế chấp - chứng khoán hóa các khoản cho vay - dùng tiền thu được tiếp tục cho vay.  

Khi lãi suất gia tăng, quả bóng xì hơi vì thị trường nhà ở tuột dốc, kéo theo sự tuột dốc của giá các loại chứng khoán. Giá trị thị trường của những ngân hàng đầu tư rớt thảm mà phát súng mở màn ở Mỹ là sự đổ vỡ của của ngân hàng đầu tư Bear Stearns.
 
Tiếp đó là sự đổ vỡ hàng loạt các công ty cho vay kinh doanh bất động sản, ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm, công ty bảo hiểm... như Fannie Mae và Freddie Mac, Lehman Brothers, AIG...

Bên ngoài nước Mỹ, ảnh hưởng rõ ràng và sớm nhất của cuộc khủng hoảng là ngân hàng Northern Rock ở Anh vào tháng 9 năm ngoái. Có một điều thú vị là, cho đến thời điểm đó, Northern Rock không hề gặp khó khăn liên quan đến các danh mục cho vay thế chấp mà là tình trạng thiếu thanh khoản do ngân hàng này chủ yếu dựa vào thị trường liên ngân hàng để huy động vốn.  

Tính chất phức tạp của quá trình chứng khoán hóa đã tạo ra một đặc tính chưa có tiền lệ trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và làm cho việc đánh giá các khoản nợ dưới chuẩn cùng quy mô bất ổn trở thành một thách thức khôn lường.

Hiệu ứng domino đã phát tán, ảnh hưởng đến ngân hàng Bradford & Bingley ở Anh và Fortis ở châu Âu. Nhằm kìm hãm cơn sóng ngầm, sự hiệp lực, cả về kế hoạch tài chính lẫn chính sách tiền tệ, của hai bờ Đại Tây Dương là một việc cấp bách.  

Tuy nhiên, đó lại là một chuyện tương đối xa vời, vì mấy hôm trước, người Mỹ đã lên tiếng nhưng Tây Âu muốn giải quyết vấn đề theo cách của họ. Hơn thế nữa, khó có thể kêu gọi sự đồng thuận từ bên ngoài khi mà chia rẽ còn nằm ngay trong lòng nước Mỹ, mà minh chứng rõ nét là sự thất bại ngay khi còn trên bàn giấy của kế hoạch giải cứu thị trường.