12:12 29/03/2017

Doanh nghiệp nước ngoài ở Anh như "ngồi trên đống lửa"

Bình Minh

Những cảnh báo phản ánh mối lo ngại gia tăng trước giờ tiến trình Brexit được chính thức khởi động

Thủ đô London của Anh nhìn từ cao ốc Shard lúc hoàng hôn ngày 28/3 - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Thủ đô London của Anh nhìn từ cao ốc Shard lúc hoàng hôn ngày 28/3 - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Các công ty nước ngoài đầu tư vào Anh ngày 28/3 đồng loạt cảnh báo về nguy cơ mà việc nước này ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, có thể gây ra cho hoạt động kinh doanh của họ. Tờ Financial Times cho rằng những cảnh báo này phản ánh mối lo ngại gia tăng trước giờ tiến trình Brexit được chính thức khởi động.

40 tổ chức vận động hành lang kinh doanh châu Âu, đại diện hơn 20 triệu công ty ở 34 quốc gia, đã ra một tuyên bố chung kêu gọi một thỏa thuận hậu Brexit bảo toàn sự toàn vẹn của khối thị trường chung, mang đến một quy trình chuyển giao êm ái, và tránh tạo ra những trở ngại “không cần thiết” đối với thương mại và đầu tư.

Trong khi đó, Keidanren, tổ chức doanh nghiệp hùng mạnh của Nhật Bản với những thành viên như Toyota, Hitachi và các nhà đầu tư Nhật Bản lớn khác ở Anh, đang chuẩn bị ra một tuyên bố chung nói về những vấn đề xung quanh tuyên bố của Thủ tướng Anh Theresa May rằng “thà không có thỏa thuận Brexit nào còn hơn có một thỏa thuận tồi”. Tuyên bố này của bà May đã gây hoang mang cho các công ty Nhật tạo tổng cộng khoảng 140.000 việc làm ở Anh.

“Thông điệp chính ở đây là: xin hãy đàm phán bằng sự cân nhắc kỹ lưỡng cho nền kinh tế”, một nguồn tin thân cận với dự thảo của Keidaren về các đề nghị và đề xuất chính sách cho biết. Theo dự kiến, dự thảo này sẽ được công bố vào đầu tháng 4.

Đây sẽ là lần thứ ba Nhật Bản lên tiếng bày tỏ quan ngại về Brexit kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 6/2016 mà cử tri Anh bỏ phiếu chọn ra khỏi EU. Hai lần trước, giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật đều đã bày tỏ lo ngại cao độ về khả năng diễn ra “Brexit cứng” - tức không có thỏa thuận thương mại Anh-EU hay thỏa thuận chuyển giao nào.

Tuy nhiên, cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra ít lo ngại hơn. Ngân hàng lớn nhất Đức Deutsche Bank dự kiến sẽ chuyển tới một trụ sở mới ở London vào năm 2023, bất chấp kết quả khó đoán định của cuộc đàm phán Brexit. Siemens, một trong những tập đoàn điện khí lớn nhất thế giới, tái khẳng định cam kết đối với nước Anh tại một sự kiện ở Berlin vào hôm thứ Hai tuần này. Siemens hiện có hơn 15.000 nhân viên ở Anh.

Cảnh báo về Brexit từ các tổ chức đại diện doanh nghiệp được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty riêng lẻ công khai thừa nhận nỗi lo ngại của họ về ảnh hưởng của một vụ “Brexit cứng”.

“Một số lượng lớn việc làm ở EU và Anh phụ thuộc và xuất khẩu. Các quy trình sản xuất có sự ràng buộc chặt chẽ lẫn nhau trên toàn châu Âu”, tổ chức BusinessEurope nói trong một tuyên bố. “Các cuộc đàm phán cần được dẫn dắt bằng một tinh thần đối tác thực sự và trung thành với nhau”.

Cứ 10 công ty Đức đang hoạt động ở Anh thì có 1 công ty có kế hoạch phản ứng với Brexit bằng cách chuyển đầu tư tới các quốc gia EU, cho dù thỏa thuận Brexit đến thời điểm này là điều chưa thể doán định. Đây là kết quả một cuộc khảo sát 2.200 công ty do Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) công bố ngày 28/3. Khoảng 40% số doanh nghiệp được hỏi dự báo hoạt động kinh doanh của họ ở Anh sẽ đi xuống.

“Brexit sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho các công ty Đức làm ăn với Anh”, ông Erik Scheweizer, Chủ tịch DIHK nói. Ông Scheweizer cũng nhấn mạnh rằng xuất khẩu của Đức sang Anh đã giảm 3,5% trong năm ngoái, phần lớn mức giảm này được ghi nhận sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào tháng 6.

Cảnh báo trên được đưa ra cùng ngày khi Bertelsmann, công ty truyền thông lớn nhất châu Âu về doanh thu, tuyên bố có thể chuyển một phần hoạt động khỏi London trong trường hợp xảy ra “Brexit cứng”. Bertelsmann lo rằng trong trường hợp Anh ra khỏi khối thị trường chung, công ty sẽ phải đóng một khoản thuế lớn.

“Nếu Brexit dẫn tới chi phí gia tăng mạnh đối với công việc kinh doanh của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ phải xem xét lại”, ông Thomas Rabe, Giám đốc điều hành German TV, một công ty phát hành và âm nhạc, cho biết. Cũng theo ông Rabe, đến năm2018, công ty này sẽ ra quyết định về hoạt động kinh doanh ở Anh.

Tuy nhiên, để từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit, công cụ tìm kiếm Google nói vẫn sẽ thúc đẩy kế hoạch mở một trụ sở mới ở London và tăng khoảng gấp đôi số nhân viên ở đó. Facebook, Amazon, và Apple cũng tuyên bố kế hoạch tăng tuyển dụng hoặc đầu tư bất động sản ở Anh.