19:24 10/02/2017

Donald Trump - Tập Cận Bình điện thoại “vô cùng thân mật”

Bình Minh

Việc Trump khẳng định chính sách “một Trung Quốc” có thể sẽ giải tỏa một nguồn căng thẳng chính trong quan hệ Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc điện đàm đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Donald Trump tái khẳng định lập trường bấy lâu của Mỹ về ủng hộ chính sách "một Trung Quốc".

“Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một số chủ đề và Tổng thống Trump đã nhất trí - với đề nghị của Chủ tịch Tập - tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’”, hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố ngày 9/2 của Nhà Trắng. 

“Họ cũng ngỏ ý mời nhau đến thăm mỗi nước. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đều mong muốn sẽ tiếp tục có những cuộc đối thoại đạt kết quả thành công”.

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Tập Cận Bình nói với nhà lãnh đạo Mỹ rằng hai bên cần tăng cường hợp tác. Chủ tịch Trung Quốc nói Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường quan hệ với Mỹ về thương mại, đầu tư, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Ông Tập cũng nói hai nước cần tăng liên lạc đổi về các vấn đề quân sự quốc tế và khu vực.

“Đối mặt với tình hình toàn cầu vô cùng phức tạp và các thách thức gia tăng, sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường hợp tác Trung-Mỹ càng trở nên lớn hơn”, CCTV dẫn lời ông Tập.

Việc ông Trump khẳng định ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” có thể sẽ giải tỏa một nguồn căng thẳng chính trong quan hệ ngoại giao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Căng thẳng giữa hai cường quốc đã gia tăng sau khi ông Trump có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và liên tục đặt câu hỏi về chính sách này sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ. 

Ngoài ra, ông Trump cũng đe dọa đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, làm gia tăng nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chính sách “một Trung Quốc” công nhận Trung Quốc và Đài Loan cùng thuộc một quốc gia.

“Đây là bước đầu tiên hóa giải những bất ổn xung quanh quan hệ Trung-Mỹ, nhưng vẫn còn những vấn đề khác”, ông Mark Michelson, Chủ tịch Diễn đàn CEO châu Á ở Hồng Kông, một tổ chức kinh doanh gồm 300 Giám đốc điều hành (CEO) khu vực, nhận định. “Về thương mại thì sao? Liệu có lệnh trừng phạt không? Liệu Trung Quốc có bị Mỹ gọi là quốc gia thao túng tỷ giá hay không? Còn vấn đề biển Đông nữa?”

Bloomberg cho rằng ông Trump đang đối mặt với sức ép lớn phải có một hành động “mạnh tay” nào đó với Trung Quốc, bởi ông đã liên tục chỉ trích nước này khiến người Mỹ mất việc làm. Trước và sau khi trúng cử Tổng thống, vị tỷ phú bất động sản đã thề sẽ dán nhãn Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá, đâm đơn kiện Bắc Kinh về thương mại, và đánh thuế mạnh đối với hàng Trung Quốc nếu nước này không chấm dứt những hoạt động mà ông cho là hoạt động thương mại không bình đẳng.

Nhà Trắng miêu tả cuộc điện đàm diễn ra vào tối ngày 9/2 theo giờ Washington giữa ông Trump và ông Tập là “kéo dài” và “vô cùng thân mật”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về nội dung cuộc nói chuyện. Tuyên bố của Nhà Trắng nói hai nhà lãnh đạo hẹn sẽ gặp nhau sau để thảo thuận và đàm phán về “những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm”.

Cuộc điện đàm Trump-Tập diễn ra gần 3 tuần sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống và sau một loạt cuộc điện đàm và gặp gỡ giữa tân chủ nhân của Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo quốc gia khác gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Cuộc điện đàm diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Trump viết thư cho ông Tập với nội dung mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai nước, cảm ơn ông Tập về bức điện chúc mừng ông nhân dịp nhậm chức, và chúc mừng Trung Quốc nhân dịp năm mới âm lịch.

Theo đánh giá của giới phân tích, Trung Quốc đã nỗ lực giữ thế “kiềm chế chiến lược” trong cách phản ứng với những phát ngôn của ông Trump và tránh đẩy căng thẳng leo thang.

Kể từ khi ông Trump trúng cử, ông Tập đã 2 lần gửi điện chúc mừng ông Trump. Ngoài ra, trước cuộc điện đàm ngày 9/2, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc điện đàm vào hôm 14/11, trong đó ông Tập nói hợp tác là “sự lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho quan hệ Trung-Mỹ.

“Chiến lược thực dụng và kiềm chế của Trung Quốc đã phát huy tác dụng”, giáo sư Jia Qingguo thuộc Đại học Bắc Kinh nhận xét. “Việc ông Trump tái khẳng định về vấn đề quan trọng nhất đối với Trung Quốc cho thấy ông ấy vẫn là người mà Trung Quốc có thể hợp tác, sau một sự khởi đầu đầy gập ghềnh”.