13:15 11/05/2017

Đức thắt chặt cấm vận với Triều Tiên

Kim Tuyến

Đức thậm chí có thể có thêm nhiều động thái nhằm phong tỏa nguồn tài chính Triều Tiên sử dụng cho các chương trình hạt nhân

Nhà nghỉ Cityhostel Berlin của đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Berlin, Đức - Ảnh: Reuters.
Nhà nghỉ Cityhostel Berlin của đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Berlin, Đức - Ảnh: Reuters.
Theo hãng tin Bloomberg, chính phủ Đức chuẩn bị siết chặt cấm vận đối với Triều Tiên nhằm đáp trả các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Để mở rộng cấm vận với Triều Tiên, Đức yêu cầu chấm dứt hoạt động của trung tâm hội nghị và nhà nghỉ Cityhostel Berlin của Đại sứ quán Triều Tiên tại Berlin, vốn là nguồn thu ngoại tệ của cơ quan này, Bộ Ngoại giao Đức cho biết.

Động thái này được cho là tuân thủ theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành vào tháng 11/2016 về việc cấm Triều Tiên sử dụng tài sản ngoại giao cho mục đích thương mại.

Cityhostel Berlin cách cổng thành Brandenburg nổi tiếng chưa đến 2 km, cung cấp phòng nghỉ cho du khách và sinh viên với giá khoảng 20 Euro (21,75 USD) mỗi đêm. Nhà nghỉ này nằm trong khuôn viên của đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Berlin.

“Những đe doạ hạt nhân liên tiếp từ Triều Tiên khiến chúng tôi cảm thấy lo lắng", Markus Ederer, quan chức bộ ngoại giao Đức cho biết trong một thông cáo. “Chúng tôi phải gia tăng áp lực để đưa nước này trở lại bàn đàm phán".

“Và trên hết chúng tôi phải thắt chặt cấm vận theo nghị quyết của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu", ông Ederer nói thêm. "Chúng tôi thậm chí có thể có thêm nhiều động thái nhằm phong tỏa nguồn tài chính Triều Tiên sử dụng cho các chương trình hạt nhân".

Hồi đầu tháng, Ấn Độ, đối tác thương mại lớn thứ ba của Triều Tiên, sau Trung Quốc và Arab Saudi, cũng tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động thương mại, trừ thực phẩm và thuốc, với Triều Tiên.

Nước này cũng sẽ phong tỏa các quỹ đầu tư và tài sản tài chính của chính phủ Triều Tiên trên lãnh thổ Ấn Độ.

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ chính thức áp lệnh cấm vận thương mại với Triều Tiên.

Theo lệnh cấm vận mới, Ấn Độ cũng từ chối nhập cảnh đối với mọi quân nhân, cảnh sát, nhà khoa học, kỹ thuật vào nước này. Trước đây, Ấn Độ từng cho phép công dân Triều Tiên tới theo học các chương trình đào tạo liên quan tới vũ khí hạt nhân, vật lý cao cấp, khoa học máy tính và kỹ thuật hàng không.

Tuần trước, Quốc hội Mỹ cũng thông qua đạo luật mở rộng biện pháp cấm vận về kinh tế và nhân quyền đối với Triều Tiên.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng liên tục hối thúc Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên, cảnh báo rằng mọi lựa chọn đều được đặt lên bàn cân, bao gồm cả lựa chọn quân sự, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Trung Quốc hiện là đồng minh lớn duy nhất và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.

Trong khi đó, hôm 9/5, tờ Sky News dẫn lời Đại sứ Triều Tiên tại Anh Choe Il cho biết sẽ tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 6 vào bất kỳ thời điểm nào khi có lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông này nhấn mạnh nếu Mỹ định tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng thì toàn bộ lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ thành “đống tro tàn”.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên vào tháng 9 năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mất 3 tháng để thảo luận về tăng cường trừng phạt nước này. Lệnh trừng phạt bổ sung nhằm cắt giảm 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên.