07:27 10/08/2010

“Đừng đánh giá quá cao kinh tế Trung Quốc”

Vinh Nguyễn

Đó là nhan đề bài báo của tác giả Yi Xianrong đăng trên trang điện tử của Tân Hoa Xã và tờ China Daily hôm 9/8

Trung Quốc vẫn là một nước kém phát triển và còn nhiều vấn đề cần giải quyết - Ảnh: Getty.
Trung Quốc vẫn là một nước kém phát triển và còn nhiều vấn đề cần giải quyết - Ảnh: Getty.
Đó là nhan đề bài báo của tác giả Yi Xianrong đăng trên trang điện tử của Tân Hoa Xã và tờ China Daily hôm 9/8. Theo tác giả, khi bàn về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, cần thận trọng, không nên đánh giá quá cao sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là một nước kém phát triển và nhiều vấn đề cần giải quyết.

Mới đây, ông Dịch Cương, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố, nước này đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một số nhà nghiên cứu ở Anh quốc tin rằng, với tỷ lệ tăng trưởng GDP hiện nay, trong vòng 9 năm nữa, Trung Quốc sẽ soán ngôi vương của Mỹ.

Những dự báo này càng làm hâm nóng cuộc tranh cái trên khắp thế giới. Một số người nghĩ rằng, các số liệu này đã bị làm giả và không nghiêm túc, trong khi một số khác lại đồng ý rằng, không sớm thì muộn, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Yi Xianrong, độ chính xác về số liệu GDP của Trung Quốc không cần phải bàn cãi. Căn cứ vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong suốt 30 năm qua và tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ hiện nay, các số liệu về GDP hoàn toàn có thể tin tưởng được.

Tác giả cho rằng, trong khi số liệu tăng trưởng ở một số tỉnh thành của Trung Quốc có thể bị thổi phồng, thì ở những khu vực đã phát triển, số liệu thực tế có thể bị nói giảm đi. Điều này khiến con số cuối cùng của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) là đúng đắn.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là mặc dù GDP tổng thể của Trung Quốc ở mức cao, nhưng GDP bình quân đầu người lại thua xa các nước phương Tây. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện trong khoảng 3.800 USD, chưa tới 1/10 so với Nhật Bản hay Mỹ, cũng chưa tới 1/6 so với Pháp và Anh.

Thậm chí, ngay trong số các nước đang phát triển, Trung Quốc cũng chỉ đứng ở vị trí khiêm tốn, từ thấp tới trung bình. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không thể so sánh với phương Tây.

Từ năm 2003 tới nay, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu và địa ốc. Trong khi xuất khẩu đã mang lại cho Trung Quốc một số thành quả trong công cuộc hiện đại hóa, thì địa ốc lại gây ra vô số vấn đề nghiêm trọng.

Sự tăng trưởng quá nóng của thị trường địa ốc xuất phát từ sự quản lý yếu kém về nguồn tài nguyên đất đai và nạn đầu cơ bất động sản, dẫn tới hiện tượng giá nhà đất phi mã và nguy cơ vỡ bong bóng địa ốc. Theo tác giả, nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, kinh tế Trung Quốc sẽ bị méo mó một cách nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Yi Xianrong cho rằng, may mắn thay, Chính phủ Trung Quốc đã nhận thức tốt về tình huống này và đã đưa ra hàng loạt giải pháp để giảm bớt những nguy cơ đối với hệ thống tài chính.

Cũng theo tác giả, kinh tế Trung Quốc đang đương đầu với một số vấn đề mất cân bằng. Trước tiên là sự mất cân đối giữa kinh tế nông thôn và thành thị. Việc cải cách trong 3 thập niên qua đã đạt được những thành công to lớn, nhưng khoảng cách giữa hai khu vực này ngày càng bị nới rộng. Tỷ trọng của kinh tế nông thôn trong hoạt động kinh tế tổng thể bao giờ cũng nhỏ hơn.

Thứ hai là sự mất cân đối giữa các vùng miền. Kinh tế của các vùng duyên hải đang tiến sát trình độ của các nước phát triển, nhưng vùng sâu vùng xa lại thua sút ít nhất là 10-20 năm. Càng đi sâu vào đất liền, kinh tế càng lạc hậu. Khoảng cách vùng miền càng lớn có nghĩa là, ngay cả khi tất cả các địa phương của Trung Quốc có cùng tỷ lệ tăng trưởng GDP, thì chất lượng kinh tế mỗi nơi vẫn khác biệt rất lớn.

Sự mất cân đối thứ ba là trong phân phối thu nhập. Trung Quốc đang quá độ từ nền kinh tế kế hoạch lên kinh tế thị trường. Sự can thiệp của chính phủ vẫn có thể thấy ở mọi nơi trong nền kinh tế. Trong tình huống đó, thu nhập cá nhân chịu sự ảnh hưởng rất lớn của quyền lực. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã dẫn tới việc lợi ích kinh tế rơi vào tay một số ít cá nhân.

Nếu những vấn đề này không được giải quyết, chất lượng phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục phải gánh chịu những tác động không tốt và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong tương lai. Tăng trưởng GDP nhanh chóng của Trung Quốc sẽ không trở nên vô nghĩa nếu như những yếu tố này chưa được giải quyết.

Yi Xianrong cho rằng, Trung Quốc chỉ có thể tiến lên nếu thường xuyên xem xét lại sự tiến bộ của bản thân, xác định những thành công và cả thất bại. Nếu không, khi phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính thật sự, Trung Quốc sẽ quay trở lại điểm xuất phát ban đầu.

* Yi Xianrong là Giám đốc Học viện Tài chính - Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.