10:21 25/02/2010

Gần 1/10 số ngân hàng Mỹ có nguy cơ bị xóa sổ

Kiều Oanh

Hơn 700 ngân hàng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt khả năng phải giải thể

Gương mặt trầm tư của Chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair - Ảnh: Reuters.
Gương mặt trầm tư của Chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair - Ảnh: Reuters.
Hơn 700 ngân hàng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt khả năng phải giải thể. Chưa bao giờ kể từ tháng 6/1993 tới nay, số nhà băng bị liệt vào “danh sách đen” của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) lại nhiều như vậy.

Hãng tin CNN dẫn số liệu từ báo cáo hàng quý của FDIC công bố hôm 23/2 cho thấy, số ngân hàng Mỹ có nguy cơ đổ vỡ tính tới cuối quý 4/2009 là 702. Bình quân, cứ 11 ngân hàng Mỹ thì có gần 1 ngân hàng đang ở trạng thái “chông chênh”.

Từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, “danh sách đen” của FDIC liên tục dài ra. Ở thời điểm cách đây 3 năm, chỉ có 76 ngân hàng Mỹ bị liệt vào danh sách này. FDIC không bao giờ công bố danh tính cụ thể của các ngân hàng trong “danh sách đen” vì lo ngại người dân sẽ ồ ạt tới rút tiền gửi tại các ngân hàng này.

Bị FDIC để mắt và đưa vào danh sách là những ngân hàng có khả năng đổ vỡ cao do những khó khăn về tài chính, hoạt động hoặc quản lý. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào trong danh sách rốt cục cũng “sập tiệm”. Trên thực tế, số ngân hàng nằm trong danh sách này rơi vào kết cục đổ vỡ chỉ chiếm 13%.

Khó khăn chung của nền kinh tế Mỹ đã khiến năm 2009 là một năm nhiều khó khăn nữa đối với ngành ngân hàng Mỹ. Gần 1/3 trong tổng số hơn 8.000 ngân hàng cho vay ở nước này báo lỗ trong năm ngoái. Tuy nhiên, Chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair cho rằng, năm qua đã chứng kiến sự vượt khó đầy ngoạn mục của các ngân hàng Mỹ.

Tính chung, các ngân hàng Mỹ báo lãi một khoản khá khiêm tốn là 914 triệu USD trong quý 4/2009. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, họ lỗ tổng số 32,1 triệu USD.

Mặc dù vậy, FDIC không cho rằng, những khó khăn mà ngành ngân hàng Mỹ đang đối mặt sẽ được giải quyết nhanh chóng. Từ đầu năm tới nay, FDIC đã đóng cửa 20 ngân hàng và có khả năng sẽ còn phải giải thể thêm nhiều ngân hàng nữa, thậm chí là nhiều hơn năm 2009. Năm ngoái, FDIC làm thủ tục đóng cửa 140 ngân hàng.

Lần đầu tiên kể từ năm 1991 tới nay, quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC đã rơi vào tình trạng âm. Tính tới quý 4/2009, quỹ này đã thâm thủng số tiền kỷ lục 21 tỷ USD. FDIC đã phải áp dụng nhiều biện pháp để phục hồi quỹ bảo hiểm tiền gửi, bao gồm việc yêu cầu các ngân hàng trả trước 3 năm tiền phí.