11:20 22/02/2008

Giá dầu mỏ liên tiếp lập kỷ lục mới

Quốc Trung

Giá dầu thế giới đã đột ngột tăng lên hơn 100 USD và liên tiếp lập các kỷ lục mới trong các phiên giao dịch ngày 19 và 20/2

Sàn giao dịch dầu lửa tại Sở Giao dịch Hàng hóa New York.
Sàn giao dịch dầu lửa tại Sở Giao dịch Hàng hóa New York.
Giá dầu thế giới đã đột ngột tăng lên hơn 100 USD và liên tiếp lập các kỷ lục mới trong các phiên giao dịch ngày 19 và 20/2. Lo ngại chung quanh việc OPEC có thể cắt giảm sản lượng, các cuộc tranh chấp, bất ổn ở một số nước sản xuất dầu mỏ...là những nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng vọt.

Giá dầu giao tháng 3/2008 trên thị trường New York kết thúc phiên giao dịch chiều tối 20/2 đã tăng 0,73 USD/thùng, tương đương 0,7%, lên mức kỷ lục mới là 100,74 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch 19/2, tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3/2008 tăng 4,51 USD, lên 100,01 USD/thùng.

Các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung giảm sút

Đây là những mức giá kỷ lục, cao nhất mọi thời đại, kể từ khi dầu được chính thức mang ra giao dịch trên các sàn từ năm 1983 tới nay. Tới cuối giờ sáng 21/2, trên thị trường châu Á, giá dầu giảm bớt xuống mức 99,75 USD/thùng, nhưng vẫn là mức giá rất cao.

Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt trong mấy ngày qua. Đầu tiên là vụ nổ lớn tại một nhà máy lọc dầu ở bang Texas của Mỹ hôm 18/2, đe doạ tới sản lượng dầu lọc ra trong thời gian tới tại quốc gia tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới này. Cơ sở lọc dầu trên có khoảng 170 nhân viên và có thể xử lý 70.000 thùng dầu thô một ngày, cung cấp nhiên liệu cho các vùng như Tây Texas, New Mexico, Arizona, nam Oklahoma và Arkansas của Mỹ.

Các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung sau khi xuất hiện tin đồn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC), cung ứng khoảng 40% sản lượng dầu trên thế giới, có thể sẽ quyết định cắt giảm sản lượng tại cuộc họp của nhóm này, dự kiến diễn ra vào ngày 5/3 tới tại Viên (Áo).

Các nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại của mình về nguy cơ tiếp tục xảy ra bạo loạn tại Nigeria. Nigeria là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi và là một trong 6 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới với sản lượng lên tới 2,6 triệu thùng/ngày.

Nhưng, Nigeria hiện mất 600.000 thùng dầu mỏ mỗi ngày tại vùng châu thổ Niger, do những cuộc bạo động quân sự nhằm vào các công ty khai thác dầu. Tình trạng bạo động trong vùng khiến cho sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nigeria giảm xuống 25%, kể từ đầu năm 2006 đến nay.

Những cuộc chiến đẩy giá dầu tăng

Những căng thẳng giữa Venezuela với tập đoàn dầu lửa lớn nhất của Mỹ Exxon Mobil và một số công ty khác vẫn tiếp diễn, sau khi Caracas muốn quốc hữu hóa tài sản của Tập đoàn này. Trước đó, tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA) đã ngừng cung cấp dầu mỏ cho Tập đoàn Exxon Mobil để trả đũa việc Mỹ tìm cách gây ra một "cuộc chiến tranh kinh tế" chống Venezuela.

Exxon Mobil đã thông qua toà án, đòi phía Venezuela phải bồi thường. Vì vậy, các toà án tại Mỹ, Anh, Hà Lan và quần đảo Antilles của Hà Lan đã phong toả số tài sản có tổng trị giá 12 tỷ USD của PDVSA để đáp ứng các yêu cầu kiện tụng của Exxon Mobil. Hãng dầu khí Mỹ này cho biết lệnh phong toả tài sản nói trên là nhằm ngăn ngừa khả năng PDVSA chuyển tài sản tới các nước khác, để giữ cho tài sản của họ an toàn trước các quyết định của toà án quốc tế.

Các toà án cũng ra phán quyết ngăn cản PDVSA bán các các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài và phong toả khoản tiền trị giá 300 triệu USD trong các tài khoản của PDVSA ở các ngân hàng Mỹ. Quyết định của các toà án cũng còn nhằm ngăn chặn khả năng PDVSA tiến hành huy động vốn tại các thị trường nước ngoài...

Với chương trình quốc hữu hoá ngành năng lượng của chính phủ, năm 2007, Công ty Dầu khí Nhà nước Venezuela (PDVSA) đã tiến hành đàm phán lại bốn dự án lớn tại vịnh Orinoco . PDVSA đã mở rộng quyền kiểm soát bốn mỏ dầu này lên mức trung bình 78%, tăng gấp đôi so với thời điểm các liên doanh sản xuất tại đây được thành lập.

Tại dự án Cerro Negro, có sản lượng khoảng 110.000 thùng dầu/ngày, PDVSA đã nâng quyền kiểm soát lên 83%, và chỉ dành cho hãng dầu mỏ BP 17% còn lại, còn ExxonMobil trước đó sở hữu 42% cổ phần đã phải ra đi.

Một hãng dầu mỏ khác của Mỹ là Conoco Phillips cũng không thể thoả thuận được với PDVSA và phải từ bỏ 40% cổ phần trong dự án Hamaca, có sản lượng 190.000 thùng dầu/ngày, vào tay PDVSA, đưa mức kiểm soát của PDVSA tại dự án này lên 70% (30% còn lại thuộc về hãng dầu khí Mỹ Chevron)...