08:20 23/08/2011

Giá vàng sẽ sớm vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce?

Diệp Anh

Sáng sớm nay, giá vàng thế giới đã vượt qua ngưỡng 1.900 USD/ounce, làm tăng khả năng vượt đỉnh 2.000 USD không quá khó

Có vẻ như giới phân tích sẽ phải tiếp tục nâng dự báo giá vàng, khi đầu giờ sáng nay (giờ Việt Nam), mốc 1.900 USD/ounce đã nhanh chóng bị phá vỡ.
Có vẻ như giới phân tích sẽ phải tiếp tục nâng dự báo giá vàng, khi đầu giờ sáng nay (giờ Việt Nam), mốc 1.900 USD/ounce đã nhanh chóng bị phá vỡ.
Có vẻ như giới phân tích sẽ phải tiếp tục nâng dự báo giá vàng, khi đầu giờ sáng nay (giờ Việt Nam), mốc 1.900 USD/ounce đã nhanh chóng bị phá vỡ. Nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, trong khi những tin đồn về gói nới lỏng tín dụng thứ ba ở Mỹ ngày một gia tăng.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua (22/8), giá vàng hợp đồng tháng 12 tăng 39,7 USD/ounce, lên 1.891,9 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.889,29 USD/ounce. Sau giờ chính thức, vàng giao ngay tăng mạnh lên thêm 1,13% chạm mốc 1.913,6 USD/ounce, đỉnh cao mọi thời đại, vào khoảng 5 giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam). Tiếp đó, tới 6 giờ 30, vàng lại vọt lên 1.917,9 USD/ounce.

Trước đó, các chuyên gia phân tích MF Global dự đoán giá vàng sẽ chạm ngưỡng 1.946 USD/ounce, nhưng phải có những yếu tố bất thường trên thị trường thì giá vàng mới có khả năng vượt qua mốc này. Tuy nhiên, hôm qua, thị trường hoàn toàn thiếu vắng các thông tin kinh tế vĩ mô mới, ngoại trừ ngân hàng Credit Suisse hạ dự báo chỉ số chứng khoán S&P 500 và những tin tức đã có từ trước đó.

Trên thực tế, thị trường vàng đã tăng hơn 25% kể từ tháng 7 tới nay, hoàn toàn xuất phát từ những báo cáo yếu kém về kinh tế ở hai bờ Đại Tây Dương. Hôm 21/8, trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS News, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận, nước Mỹ đang trong tình trạng ảm đạm với tỷ lệ thất nghiệp vẫn quá cao, kinh tế tăng trưởng chưa đủ mạnh.

Mặc dầu bác bỏ những mối lo ngại về nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái kép gây hoang mang cho thị trường toàn cầu, song Tổng thống Mỹ Obama cũng lưu ý rằng, những yếu tố bên ngoài như quả bom nợ công ở châu Âu, sóng thần ở Nhật Bản và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông-Bắc Phi đã và vẫn tác động đến tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Tuyên bố của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh kết quả thăm dò mới đây của Viện Gallup cho thấy tỷ lệ tán thành cách điều hành và quản lý kinh tế của ông Obama đã tụt xuống mức rất thấp (26%). Những diễn biến xấu này, theo giới phân tích chính trị kinh tế, đang phủ bóng đen lên triển vọng tái đắc cử của ông Obama vào tháng 11/2012.

Trong khi đó, cùng ngày 21/8, từ châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa lên tiếng khẳng định bà phản đối việc phát hành trái phiếu chung của toàn Khu vực đồng Euro (Eurobond) để gánh chung phần nợ của 17 nước thành viên khối này, nhưng bà vẫn để ngỏ khả năng có sự thay đổi trong chính sách.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ZDF, bà Merkel cho rằng vào thời điểm này Eurobond "là một con đường sai lầm để đi theo bởi chúng sẽ dẫn tới một liên minh nợ thay vì sự ổn định hơn. Do vậy giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là phát hành Eurobond".

Quan điểm này của bà Merkel vốn dĩ đã được khẳng định trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Pháp Nicolas Sarkozy hôm 16/8. Khi đó, lãnh đạo hai nước Pháp - Đức đều khẳng định, Eurobond không phải là giải pháp hiện tại cho cuộc khủng hoảng nợ Eurozone.

Nói rõ hơn về tác động xấu của Eurobond, Horst Seehofer, người đứng đầu đảng CSU trong liên minh cầm quyền với đảng của bà Merkel, cho biết, đó sẽ là nợ, lạm phát và hủy hoại các cơ hội kinh tế. Phó Thủ tướng Philipp Roesler, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tự do thân giới kinh doanh, cũng đã bác bỏ ý tưởng eurobond chừng nào đảng của ông còn điều hành nước Đức trong liên minh cầm quyền.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager cũng hối thúc Berlin duy trì thái độ cứng rắn đối với Eurobond khi nói rằng chúng sẽ có ảnh hưởng "cố hữu" trong việc khuyến khích nợ thêm. Theo ông, trong ngắn hạn Eurobond có thể làm bình ổn thị trường, nhưng nếu không thay đổi các điều kiện cơ bản trong 5 năm nữa châu Âu sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới tệ hại hơn hiện nay, bởi các nền kinh tế mạnh hơn như Đức hay Hà Lan sẽ mắc nợ nhiều hơn.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Eurobond, trong đó có phe đối lập trung tả của Đức, lại cho rằng Eurobond là giải pháp khả thi giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Eurozone. Những nước mạnh nhất Eurozone, đứng đầu là Đức, sẽ cam kết tài trợ cho các nước yếu hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ trong việc huy động vốn trên các thị trường.

Nhà phân tích Tom Price của Global Commodity Analyst thuộc UBS nhận định: "Chúng tôi không nhìn thấy bất cứ nhân tố nào hỗ trợ kinh tế Mỹ, trong khi tình hình tại châu Âu thậm chí có thể xấu hơn. Do đó, trong ngắn hạn giá vàng có thể tăng lên ngưỡng 1.900 - 2.000 USD/ounce".

Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang cân nhắc khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trước phiên họp đánh giá chính sách vào ngày 6-7/9 tới, trong trường hợp đồng Yên tăng giá mạnh ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán Tokyo và tâm lý các nhà đầu tư.

Giới phân tích cho rằng, nếu BOJ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, thì rất có khả năng ngân hàng này sẽ lựa chọn giải pháp mở rộng nguồn ngân quỹ 50.000 tỷ Yên (656 tỷ USD) hiện nay để mua các tài sản cá nhân và chính phủ. Hai tuần trước, BOJ đã nới lỏng chính sách tiền tệ để chặn đà tăng giá của đồng Yên nhằm xoa dịu tác động đối với lĩnh vực xuất khẩu.

Tuy nhiên trên thực tế, đợt nới lỏng chính sách tiền tệ đơn phương vừa qua vẫn không ngăn được các nhà đầu tư coi đồng Yên như một thiên đường trú ẩn an toàn để đối phó với rủi ro và động thái này đã đẩy đồng Yên tăng giá mạnh lên mức kỷ lục 75,95 Yên/USD vào ngày 19/8.

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, thì những đồn đoán xung quanh việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng tung ra chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) cũng đã tác động sâu sắc và đa chiều đa diện lên thị trường vàng. Hiện nhiều người cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tung ra QE3, bất chấp động thái này có thể làm gia tăng sức ép lạm phát và đẩy giá vàng lên cao hơn.

Nới lỏng định lượng là chương trình mua trái phiếu Chính phủ của Mỹ nhằm bơm tiền cho nền kinh tế để đối phó lại với lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tiến hành 2 vòng QE với những con số khổng lồ nhưng những nỗ lực này của nước Mỹ ít được giới chuyên gia ủng hộ.

Kể từ khi ông Bernanke công bố chương trình QE2 hồi tháng 8/2010, giá dầu Brent đã tăng 58% trong khi chỉ số CRB đo lường 19 loại hàng hóa nguyên liệu cơ bản cũng tăng đến gần 30%. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến nền sản xuất chung lâm vào khó khăn, khiến gia tăng áp lực đối với nền kinh tế toàn cầu.

Do vậy, nếu QE3 được thực hiện, thì khả năng thị trường hàng hóa toàn cầu sẽ biến động dữ dội hơn. Quản lý quỹ SLJ cho rằng, nếu FED tiến hành QE3, nước Mỹ sẽ tự chuốc lấy thất bại khi giá cả hàng hóa tăng lên, làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Khi các mặt hàng tăng giá, đồng USD sẽ bị suy yếu và gây ra lạm phát tại nhiều quốc gia.

James McDonald, một chiến lược gia chuyên về đầu tư thuộc Northern Trust Corp cho biết: “vàng đã trở thành một mặt hàng đầu tư có thể “giải độc”, tránh được nhiều rủi ro nhất vào thời điểm khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu”.

M
ột yếu tố khác cũng hỗ trợ thị trường vàng là báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ kim loại quý này trên thế giới đã tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay và đạt mức kỷ lục 919,8 tấn, tương đương 44,5 tỷ USD vào trung tuần tháng 8/2011.

Ngân hàng trung ương nhiều nước đã tăng mua vàng tích trữ, như Hàn Quốc mua thêm 25 tấn, Nga 5,85 tấn, Thái Lan mua thêm 18,66 tấn, Kazakhstan thêm 3,11 tấn, lên 70,434 tấn. Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng lên 1.290,762 tấn vào hôm 21/8, mức cao nhất trong hai tuần rưỡi qua.

Đặc biệt, Ấn Độ và Trung Quốc hiện là hai thị trường sở hữu và tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 52% toàn bộ khối lượng vàng thế giới và 55% nhu cầu trang sức toàn cầu. Giám đốc bộ phận nghiên cứu của WGC, Marcus Grubb, cho rằng, nhu cầu vàng của Trung Quốc, Ấn Độ cùng hàng loạt các "tín hiệu" bất ổn về kinh tế, tài chính thế giới như trên là những yếu tố thúc đẩy giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Vàng Bombay tại Ấn Độ cho rằng: “Giá vàng có thể leo lên 2.000 USD/ounce hoặc hơn thế vào cuối năm 2011 nếu nền kinh tế thế giới vẫn diễn biến như hiện tại. Các ngân hàng trung ương cũng tăng cường lượng vàng dự trữ, do đó, việc giá vàng còn tiếp tục tăng càng trở nên rõ ràng hơn”.