08:01 06/04/2011

Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới

Hồng Ngọc

Vàng thế giới đêm qua bật tăng mạnh lên mức cao kỷ lục mới, xuất phát từ hàng loạt nỗi lo địa chính trị và kinh tế

Vàng thế giới tăng vọt lên mốc cao mới - Ảnh: Reuters.
Vàng thế giới tăng vọt lên mốc cao mới - Ảnh: Reuters.
Nỗi lo Chính phủ Mỹ sẽ phải ngưng hoạt động do thiếu ngân sách, chiến sự dai dẳng ở Trung Đông, Bắc Phi và nợ công đeo bám châu Âu đã khiến giá vàng tương lai phiên hôm qua lao vút lên kỷ lục mới.

Giá vàng giao tháng 6 tăng mạnh 19,5 USD/ounce, tương đương 1,4%, lên 1.452,5 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Trong phiên, có lúc, vàng kỳ hạn này vọt tới mốc 1.455,5 USD/ounce, vượt xa mức đỉnh 1.448,6 USD/ounce xác lập trong ngày 24/3. Vàng giao ngay trên sàn Kitco cũng tăng mạnh gần 20 USD, tương đương 1,4%, lên sát 1.454 USD/ounce.

Các kim loại quý khác cũng đồng loạt lên giá mạnh. Giá bạc tăng 1,8%, lên 39,12 USD/ounce, mức chốt cao nhất trong 31 năm qua. Giá bạch kim tăng 0,4%, lên 1.787 USD/ounce, trong khi giá palladium tăng 0,9%, lên 786,2 USD/ounce.

Ngoài những vấn đề địa chính trị trên thế giới, nhà đầu tư hôm qua còn đổ xô mua vàng tích trữ xuất phát từ những lo ngại rằng Chính phủ Mỹ sẽ hết tiền hoạt động vào ngày 8/4 tới, nếu lưỡng đảng không đạt được thỏa thuận về ngân sách liên bang, chuyên gia chiến lược thị trường Adam Klopfenstein thuộc hãng Lind-Waldock ở Chicago, cho hay.

Hôm qua, các nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ đã đề xuất một biện pháp tạm thời để duy trì hoạt động của Chính phủ trong thời gian tới và cắt giảm 12 tỷ USD từ chi tiêu hiện tại để giải quyết bế tắc ngân sách với đảng Dân chủ. Theo đó, biện pháp này sẽ cung cấp 515,8 tỷ USD để duy trì hoạt động của Lầu Năm Góc.

Tốc độ cắt giảm chi tiêu sẽ ở mức 2 tỷ USD mỗi tuần, bao gồm việc giảm 2,5 tỷ USD từ các chương trình lao động và sức khỏe, 2 tỷ USD từ vận tải, nhà ở, 1,4 tỷ USD từ an ninh quốc gia và nông nghiệp, và 1,3 tỷ USD từ chi tiêu của Bộ Nội vụ. Biện pháp tạm thời này sẽ giúp Chính phủ tiếp tục hoạt động trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán giữa 2 đảng về vấn đề cắt giảm chi tiêu, và một số chính sách khác.

Cũng trong ngày, các nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ đã công bố kế hoạch thay đổi ngân sách liên bang và cắt giảm tới 3/4 mức thâm hụt trong những năm tới. Kế hoạch đề xuất cắt giảm 6.000 tỷ USD chi tiêu trong 10 năm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân xuống mức 25%.

Đây là đề xuất kế hoạch ngân sách toàn diện đầu tiên mà đảng Cộng hòa đưa ra kể từ cuộc bầu cử tháng 11, sẽ cắt giảm thâm hụt từ 1.400 tỷ USD trong năm nay xuống còn 995 tỷ USD trong năm tới. Nó cũng giúp thu hẹp thâm hụt ít nhất là 379 tỷ USD vào năm 2018.

Kế hoạch cũng kêu gọi loại bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe và thay thế bằng một kế hoạch cung cấp các khoản trợ cấp để mua bảo hiểm y tế tư nhân. Kế hoạch mới sẽ cắt giảm được hơn 700 tỷ USD cho các chương trình y tế chăm sóc sức khỏe trong vòng 10 năm tới. Chi phí cho các chương trình bắt buộc khác sẽ được cắt giảm tới 1.800 tỷ USD.

Việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke tuyên bố cần theo dõi sát sao vấn đề lạm phát, cũng khiến giới đầu tư nghĩ ngay tới khả năng lạm phát tăng cao tại Mỹ thời gian tới và tăng mua vàng tích trữ. Trong bối cảnh lạm phát cao, vàng luôn được coi là lựa chọn tối ưu của giới đầu tư.

Tuyên bố của ông Bernanke cũng là một nhân tố giúp đồng USD lên giá mạnh so với Euro trong phiên giao dịch cùng ngày tại châu Á. Tại Singapore chiều qua, 1 Euro đổi được 1,4201 USD, giảm so với 1,4220 USD lúc đóng cửa phiên trước tại New York. So với Yên Nhật, USD cũng tăng từ 84,03 Yên lên 84,32 Yên.

Trong phiên này, đồng bạc xanh còn tăng giá so hầu hết các đồng tiền châu Á khác như đồng Peso (Philippines), đồng Won (Hàn Quốc), đồng TWD (Đài Loan), đồng SGD (Singapore) và đồng Rupiah (Indonesia), nhưng lại xuống giá so với đồng Baht (Thái Lan).

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới giá vàng là việc tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s cho rằng, gói cứu trợ dành cho Bồ Đào Nha “là điều chắc chắn xảy ra” cũng là một tác nhân đẩy giá vàng và bạc tăng vọt, nhà phân tích Jeffrey Clark thuộc hãng nghiên cứu Casey nhận định.

Trước đó, Moody’s đã mạnh tay hạ bậc xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha, do lo ngại quốc gia này khó có thể đạt được các mục tiêu cắt giảm nợ nần. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Bồ Đào Nha sẽ trở thành quốc gia thứ 3 ở châu Âu chìa tay xin cứu trợ để giải quyết bài toán nợ công.

Tin tức về việc Trung Quốc thắt chặt hơn chính sách tín dụng cũng ít nhiều góp phần làm giá vàng leo mạnh hơn. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, nhằm thắt chặt chính sách, kiềm chế lạm phát.

Trung Quốc đã tăng lãi suất lần thứ 4 kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để kiềm chế lạm phát và hạn chế nguy cơ bong bóng tài sản. Theo đó, lãi suất cơ bản sẽ tăng lên 6,31% từ 6,06%, bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Lãi suất tiền gửi kì hạn 1 năm cũng tăng từ 3% lên 3,25%.

Trong khi đó, mặc dù giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York giảm nhẹ, nhưng dầu thô Brent tiếp tục tăng mạnh, sau khi đã chính thức phá ngưỡng cản 120 USD/thùng trong phiên giao dịch 4/4, do giới kinh doanh lo ngại về biến động chính trị kéo dài tại Libya.

Tại Lybia, chiến sự vẫn diễn ra dữ dội tại một số thành phố. Lực lượng chống chính phủ đã lui về thành phố dầu mỏ Brega trong một động thái mà họ gọi là "rút lui chiến thuật" sau khi bị quân chính phủ phục kích. Các nguồn thạo tin còn tiết lộ các tay súng đang triển khai cả vũ khí hạng nặng tại Brega.

Trước biến động chính trị, Lybia xuất khẩu 1,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, đáp ứng hơn 1,5% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, trong đó phần lớn xuất sang châu Âu. Lượng dầu xuất khẩu của Lybia đã bị giảm sút mạnh khi xung đột chính trị xảy ra, khiến dầu thô Brent trở nên "nhạy cảm" hơn dầu ngọt nhẹ giao dịch tại thị trường Mỹ.

Theo chuyên gia Matt Smith thuộc Công ty Summit Energy, bất ổn tại Lybia cũng như các nước khác trong thế giới Arab cũng đang góp phần đẩy giá dầu lên, vì biến động chính trị càng kéo dài càng làm nguồn cung bị gián đoạn.

Tại Gabon, nước sản xuất dầu mỏ nhiều thứ tư châu Phi, đình công của nhân công trong ngành dầu mỏ đã khiến sản lượng dầu của nước này gần như đình trệ. Lúc bình thường, sản lượng dầu mỏ của Gabon dao động trong khoảng 220.000-240.000 thùng dầu/ngày.

Liên quan tới kinh tế Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này cho biết, có ít nhất 25 quốc gia đã hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản, bất chấp Tokyo lên tiếng đề nghị các nước tuân thủ quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) - theo đó cấm các nước thành viên của tổ chức này hạn chế nhập khẩu mà không có cơ sở khoa học.

Sau khi Chính phủ Nhật Bản tạm ngừng xuất khẩu một số nông sản, trong đó có rau bina và sữa từ 4 tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma, thì Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cấm nhập khẩu toàn bộ thực phẩm tươi sống từ Nhật Bản. Trong khi đó, Philippines quyết định ngừng nhập khẩu bánh quy và sôcôla từ 4 tỉnh trên. Nhiều quốc gia khác như Nga, Singapore còn mở rộng phạm vi hạn chế nhập khẩu thực phẩm sang các tỉnh khác.

Liên minh châu Âu (EU) và Brazil đề nghị Chính phủ Nhật Bản cấp chứng nhận đối với thực phẩm không bị nhiễm phóng xạ. Nếu Nhật Bản không đáp ứng yêu cầu này, các thực phẩm xuất khẩu của nước này sẽ khó có cơ vào được thị trường châu Âu.

Về số phận đồng Euro, trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist đã đưa ra 3 kịch bản đối với triển vọng đồng Euro. Theo đó, kịch bản có khả năng nhất là Eurozone sẽ thoát khỏi khủng hoảng nợ, trong đó, các quốc gia có nợ phải chấp nhận cải tổ mạnh mẽ và các quốc gia thành viên mạnh hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính để kiểm soát khủng hoảng một cách miễn cưỡng.

Kịch bản thứ hai, với khả năng xảy ra 15%, là việc các nước thành viên Eurozone sẽ từ bỏ đồng tiền chung do không thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng nợ. EIU cho rằng viễn cảnh này mặc định là sớm hay muộn thì chất gắn kết giữa các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ qua sẽ rạn nứt và bước tiến hướng tới một liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết sẽ bị chặn đứng.

Kịch bản thứ 3 mà EIU đưa ra, với khả năng xảy ra chỉ 10%, là khu vực đồng tiền chung sẽ trải qua một sự hồi sinh khi các nước thành viên nỗ lực kiểm soát thành công nợ công của mình. Tất nhiên, điều này khó có thể xảy ra.