17:51 05/10/2016

Giảm liên tục, tỷ giá Bảng Anh thấp nhất 31 năm

Diệp Vũ

Đồng tiền của nước Anh giảm giá mạnh trở lại mấy ngày gần đây do những lo ngại mới về Brexit

Trong vòng 1 năm qua, đồng Bảng mất giá 15% so với USD.<br>
Trong vòng 1 năm qua, đồng Bảng mất giá 15% so với USD.<br>
Tỷ giá đồng Bảng Anh so với đồng USD tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 5/10 tại thị trường châu Á, lập mức đáy mới của 31 năm. Một số chuyên gia cho rằng những lo ngại xung quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, sẽ còn khiến đồng Bảng mất giá sâu hơn trong thời gian tới.

Tỷ giá đồng Bảng so với USD tại châu Á ngày 5/10 có lúc giảm còn 1,2683 USD đổi 1 Bảng, dưới mức đáy 1,2796 USD/Bảng vào hôm 6/7 sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Mới tuần trước, tỷ giá đồng Bảng còn ở trên mức 1,3 USD tương đương 1 Bảng.

Trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra hôm 23/6, tỷ giá đồng Bảng có lúc đạt trên 1,5 USD “ăn” 1 Bảng.

Cách đây 2 năm, phải hơn 1,7 USD mới đổi được 1 Bảng. Trong vòng 1 năm qua, đồng Bảng mất giá 15%.

“Chúng tôi vẫn có cái nhìn rất bi quan về đồng Bảng”, chiến lược gia ngoại hối cao cấp Koon How Heng thuộc ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse nói với hãng tin CNBC.

Mức tỷ giá hiện nay của đồng Bảng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/1985. Vào thời điểm đó, đồng Bảng gần như ngang giá với đồng USD do tác động từ cuộc biểu tình của công nhân khai mỏ tại Anh.

“Chúng tôi dự báo đồng Bảng còn giảm giá đến mức 1,25 USD đổi 1 Bảng”, ông Heng nói.

Đồng tiền của nước Anh giảm giá mạnh trở lại mấy ngày gần đây do những lo ngại mới về Brexit. Hôm Chủ nhật vừa rồi, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ khởi động tiến trình đưa nước Anh ra khỏi EU trước cuối quý 1/2017.

Dự kiến, quá trình đàm phán giữa Anh và EU sẽ kéo dài 2 năm, và như vậy Anh sẽ chính thức chấm dứt địa vị thành viên của khối này vào năm 2017.

Chiến lược gia Heng nhận định, thời điểm Anh bắt đầu rút khỏi EU đã khá rõ ràng, nhưng ngoài ra chưa có một thông tin cụ thể nào khác.

Bà May đã tuyên bố rằng trong tiến trình đàm phán với EU, nước Anh sẽ đặt ưu tiên vào vấn đề kiểm soát người nhập cư. Trong khi đó, lãnh đạo EU đã nói rõ rằng nếu Anh không cho phép công dân EU tự do ra vào Anh, thì nước Anh sẽ mất một số quyền tiếp cận với khu vực mậu dịch tự do châu Âu.

Bởi vậy, theo trang CNN Money, các nhà đầu tư hiện đang lo ngại về hai vấn đề lớn. Thứ nhất, các nhà xuất khẩu Anh có thể khó cạnh tranh được ở châu Âu, và thứ hai, các ngân hàng Anh có thể mất quyền tự do cung cấp dịch vụ ở châu Âu, trong khi ngành tài chính đóng góp tới 12% GDP của Anh.

Ông Heng cho rằng việc đồng Bảng sụt giá trở lại “là một sự khẳng định, nhắc lại với thị trường về những thực tế khó khăn của tiến trình Brexit, đồng nghĩa với việc còn nhiều bấp bênh chờ đợi sau khi tiến trình này bắt đầu”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 4/10 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh. Theo đó, trong kịch bản khả quan nhất với tác động từ Brexit là hạn chế, IMF cho rằng kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm 2017, so với mức dự báo tăng 1,8% trong năm nay.