06:30 17/05/2010

Gói cứu trợ Hy Lạp chỉ có tác dụng “câu giờ”?

Dương Lâm

Gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD chỉ có tác dụng giúp các quốc gia yếu kém trong Eurozone có thêm thời gian

Đồng Euro đang ở trong tình huống nguy cấp - Ảnh: Corbis.
Đồng Euro đang ở trong tình huống nguy cấp - Ảnh: Corbis.
Gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD (750 Euro) chỉ có tác dụng giúp các quốc gia yếu kém trong khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) có thêm thời gian, chứ không thể giải quyết được vấn đề nợ cơ bản ở châu lục này, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố.

Phát biểu trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung hôm 16/5, ông Juergen Stark cho rằng, sự hỗn loạn trên thị trường hiện nay chỉ có thể được cứu vãn, nếu 16 nước thành viên Eurozone cải tổ hệ thống kinh tế của họ và giảm thâm hụt ngân sách.

“Chúng ta mới chỉ câu giờ, không hơn”, ông cho biết, và nói thêm rằng, đồng Euro không bị nguy hiểm “nhưng đang ở trong tình huống nguy cấp”.

Hôm 10/5, sau nhiều giờ thảo luận căng thẳng, các quan chức châu Âu đã cùng 16 nước Eurozone đưa ra 572 tỷ USD (440 tỷ euro) khoản vay mới và bơm thêm 78 tỷ USD (60 tỷ euro) cho chương trình cho vay đang thực hiện. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ đóng góp 325 tỷ USD (250 tỷ euro) cho gói cứu trợ.

Chuyên gia kinh tế trưởng ECB kêu gọi lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dùng quỹ thời gian hạn hẹp này để đưa ra các quy định mới nhằm tăng cường sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng. Ông nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có các biện pháp trừng phạt mới đối với những quốc gia không tuân thủ các quy định về nợ của EU.

“Tiến trình này phải được phi chính trị hóa”, ông nói.

Lý do ông đưa ra nhận xét trên là từ tình hình thực tế biến động trong tuần qua của thị trường chứng khoán châu Âu và tỷ giá Euro so với USD.

Ngay sau khi quỹ cứu trợ được công bố, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Âu đã bốc đầu tăng trở lại, nhưng ngay sau đó lại lao dốc, khi các nhà đầu tư lo ngại các quốc gia châu Âu khó có thể đưa ra được các quyết định về mặt chính trị để cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Trong khi đó, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua trên thị trường New York, đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua so với USD.

Chuyên gia kinh tế trưởng ECB cho rằng, khi các thị trường trở nên điên loạn, không ai có thể dự đoán được hậu quả và các chính trị gia phải hành động nhanh nhất có thể, để ngăn chặn những diễn biến bất lợi có khả năng xảy ra.

Trước đó, tờ Der Spiegel ngày 15/5 cho hay, Đức đang có kế hoạch về một chương trình cắt giảm thâm hụt ở các nước Eurozone. Theo tạp chí trên, đề xuất này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble, đưa ra tại hội nghị các bộ trưởng tài chính Eurozone dự kiến diễn ra vào ngày 17/5 tại Brussels, Bỉ.