14:23 12/07/2016

Hôm nay, tòa quốc tế ra phán quyết vụ kiện biển Đông

Bình Minh

Có khả năng Trung Quốc phản ứng mạnh đối với một phán quyết không có lợi cho nước này

Hình ảnh cho thấy hoạt động bồi lấp, xây dựng trái phép của Trung Quốc tại một thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Nguồn ảnh: Reuters/BBC.<br>
Hình ảnh cho thấy hoạt động bồi lấp, xây dựng trái phép của Trung Quốc tại một thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Nguồn ảnh: Reuters/BBC.<br>
Hôm nay (12/7), Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) ở The Hague, Hà Lan dự kiến sẽ công bố phán quyết được chờ đợi từ lâu trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông.

Theo hãng tin BBC, trong vụ kiện này, Philippines cáo buộc các tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông là đi ngược lại luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) - một công ước mà cả Trung Quốc và Philippines cùng là thành viên.

Là nước đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% biển Đông, tuyến đường biển có lượng hàng hóa thương mại trị giá 5 nghìn tỷ USD di chuyển qua mỗi năm, Trung Quốc đã tuyên bố không công nhận vụ kiện và từ chối tham gia quá trình tranh tụng. Bắc Kinh nói PCA không có quyền tài phán trong vụ kiện này, đồng thời khẳng định sẽ không “chấp nhận, công nhận hay thực thi” phán quyết.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ đối mặt nguy cơ bị mất uy tín, bị xem là một quốc gia coi thường luật pháp quốc tế, nếu không tuân thủ phán quyết mà tòa án đưa ra.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cảnh báo có khả năng Trung Quốc phản ứng mạnh đối với một phán quyết không có lợi cho nước này.

Mỹ đã cử hàng không mẫu hạm và máy bay chiến đấu tới biển Đông để phòng ngừa tình huống như vậy, dẫn tới một bài xã luận đầy vẻ giận dữ trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc. Bài viết kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng cho “đối đầu quân sự” trên biển Đông. Cùng với đó, hải quân Trung Quốc mới đây đã tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã ra sức tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với quan điểm của nước này cho rằng phán quyết của PCA nên bị phủ nhận. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã viết một loạt bài báo về lập trường của Bắc Kinh để đăng trên các kênh thông tin đại chúng sử dụng tiếng Anh trên khắp thế giới.

Đơn kiện Trung Quốc được Philippines nộp lên PCA vào năm 2013, trong đó đề nghị tòa án trọng tài thuộc Liên hiệp quốc này bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên biển Đông.

Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố nước này sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên với Bắc Kinh trên biển Đông cho dù PCA ra phán quyết có lợi cho Manila.

Ông Duterte đã thể hiện một cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Benigno Aquino. Tuy nhiên, chưa rõ liệu phán quyết của PCA sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa hai nước này trong thời gian tới.