11:09 11/09/2009

Hơn 13% dân Mỹ bị xem là nghèo

Mai Phương

Tỷ lệ dân số nghèo của Mỹ năm 2008 đã đạt mức cao nhất từ năm 1997 tới nay và có khả năng tiếp tục tăng cao hơn

Suy thoái kinh tế đã đẩy tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo của Mỹ lên mức 13,2% trong năm 2008, từ mức 12,5% trong năm 2007. Thông tin này được đưa ra trong báo cáo thường niên của Cục Thống kê dân số Mỹ (CB), công bố ngày 10/9.

Theo cơ quan này, tỷ lệ dân số nghèo của Mỹ năm 2008 đã đạt mức cao nhất từ năm 1997 tới nay và có khả năng tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2009 này do tỷ lệ thất nghiệp đang leo thang.

CB cho biết, năm 2008 có 39,8 triệu người Mỹ sống dưới mức nghèo khổ. Chuẩn nghèo của Mỹ hiện là mức thu nhập 22.025 USD/năm cho một gia đình có 4 người. Số người nghèo này đã tăng 3,9% so với mức 37,3 triệu người vào năm 2007.

Top 5 bang có tỷ lệ người nghèo cao nhất trên toàn nước Mỹ là các bang New Mexico (19,3%), Louisiana (18,2%), Mississippi (18,1%), Arizona (18%) và Kentucky (17,1%).

Theo báo cáo của CB, thu nhập bình quân của các hộ gia đình ở nước này trong năm 2008 đã giảm xuống còn 50.300 USD, từ mức 52.200 USD trong năm 2007. Sự suy giảm này đã xóa sạch mức tăng thu nhập trong 3 năm trước đó.

Đây được xem là một bằng chứng nữa về tác động tiêu cực của suy thoái và tình trạng lương bổng đình trệ kéo dài mà tầng lớp trung lưu ở Mỹ phải đối mặt.

Nếu tính tới yếu tố lạm phát, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tại Mỹ năm 2008 thậm chí còn thấp hơn mức cách đây 1 thập kỷ. “Chúng ta đang chứng kiến một thập kỷ mất mát đối với các hộ gia đình Mỹ điển hình”, nhà kinh tế học Lawrence Katz thuộc Đại học Harvard nhận định.

Cũng theo CB, tỷ lệ số người Mỹ không có bảo hiểm y tế trong cả năm 2008 là 15,4%, không thay đổi so với năm 2007, tương đương với 46,3 triệu người. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng, từ tháng 9/2008 tới nay, số người Mỹ không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế đã tăng thêm gần 6 triệu người.

Hiện ông Obama vẫn đang trong quá trình thúc đẩy chương trình cải tổ hệ thống chăm sóc y tế của mình - một chương trình bị các nhà làm luật của Mỹ cho là quá tốn kém.

(Theo New York Times, CNN)